Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN “CHẾ ẢNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK HIỆN NAY



          Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, của công nghệ truyền thông, khả năng tiếp nhận và phổ biến thông tin trở nên thuận tiện và nhanh chóng. Điều đó mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người sử dụng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của việc tiếp nhận thông tin một cách không chọn lọc, không phê phán không chỉ làm lệch lạc nhận thức mà còn làm nảy sinh những hành động lệch chuẩn, gây mất trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, kẻ thù tận dụng triệt để khả năng phát tán thông tin thông qua các trang mạng xã hội; trong đó, thủ đoạn “chế ảnh” gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng dư luận xã hội và tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

          Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện nay có 30 triệu người dùng mạng xã hội Facebook (trong đó, có 27 triệu người dùng hoạt động trên điện thoại di động). Tính riêng mỗi ngày cũng có đến 20 triệu lượt người dùng. Con số trên cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Về độ tuổi người dùng, có đến 3/4 người Việt dùng Facebook từ 18 - 34 tuổi. Và tính trung bình, họ dành khoảng 2,5 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên Facebook, gấp đôi thời gian dành để xem tivi - nguồn cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Do vậy, nếu chỉ cần một vài thao tác đơn giản, nội dung thông tin đã được phổ cập hết sức rộng rãi. Và thật nguy hiểm, nếu những thông tin, những hình ảnh đó là xuyên tạc, bị chỉnh sửa, chắp ghép với nội dung phản động, lan truyền rộng rãi, tràn lan trên mạng xã hội trong khi nhận thức của người dùng lại không đồng đều và được chia sẻ với mục đích chống phá, gây rối nhiễu thông tin.
          Không thể phủ nhận vai trò của các trang mạng xã hội trong việc kết nối, chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng mạng. Nếu những hình ảnh, nội dung với tính chất tích cực, lành mạnh được lan truyền rộng rãi sẽ tạo ra hiệu quả to lớn trong việc định hướng nhận thức, điều chỉnh hành vi của người dùng. Nhưng hiện nay, có một thực tế không thể chối cãi là các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích, tiện dụng để ra sức gieo rắc nhận thức lệch lạc, kích động hành vi thái quá của quần chúng nhân dân khi có một sự kiện, hiện tượng nào đó xảy ra gây chú ý dư luận xã hội. Mặt khác, với những phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ thông, dễ thao tác và phần lớn người sử dụng mạng xã hội đang ở trong độ tuổi thanh niên, chưa có sự nhận thức sâu sắc về các vấn đề chính trị - xã hội, chưa có nhiều trải nghiệm thực tiễn cuộc sống thì thủ đoạn “chế ảnh” càng tỏ ra hữu ích hơn trong việc phục vụ mục đích xuyên tạc, chống phá, đả kích. Và trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng thủ đoạn “chế ảnh” chủ yếu theo ba cách thức sau:
          Một là, trích dẫn không đầy đủ hoặc xuyên tạc nội dung bài phát biểu,  những phát ngôn nổi tiếng của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội
          Hai là, trước một sự kiện, hiện tượng gây chú ý dư luận xã hội trong nước, chúng lấy hình ảnh ở những địa điểm, thời điểm khác nhau nhằm làm sai lệch thông tin, kích động tư tưởng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân
          Ba là, lấy hình ảnh riêng lẻ của một vài cá nhân, một vài hiện tượng để quy chụp bản chất cho cả một hệ thống, cho bản chất xã hội
          Trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kẻ thù đã tìm mọi cách hòng phá hoại nhận thức quần chúng nhân dân và lợi dụng những hiện tượng tâm lý đám đông, tâm lý a dua để kích động, lôi kéo thành phần có nhận thức kém, ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Và hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các thế lực thù địch càng có nhiều cơ hội, cách thức để tiến hành các thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Do vậy, khi sử dụng mạng xã hội để giao lưu, trao đổi thông tin, tình cảm, cá nhân cần cảnh giác trước những chiêu trò, trào lưu tiêu cực đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, với thủ đoạn “chế ảnh”, tuy cách thức chắp ghép đơn giản nhưng hậu quả và phạm vi tác động vô cùng to lớn, nguy hại. Điều đó đòi hỏi người dùng phải thực sự tỉnh táo, có tính nhạy cảm chính trị, có nhận thức đầy đủ, khoa học để tiếp nhận thông tin một cách chính xác, kịp thời, tránh để kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc.
                    
                                                             Vệ An

1 nhận xét:

  1. Phải bắt hết bọn xuyên tạc này và xử lý thật nghiêm khắc để răn đe người khác.

    Trả lờiXóa