Trước sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong
hơn 30 năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngớt xuyên tạc, công kích, phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Đối với
LLVT, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ sử dụng nhiều chiêu bài chống phá,
từ lý luận, tư tưởng đến hành động nhằm thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa”.
Họ ra sức tán phát, truyền bá tài liệu, tuyên truyền hòng phủ nhận bản chất
cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuyên tạc tư tưởng quân sự
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà
nước ta về quốc phòng, an ninh, xây dựng LLVT, bảo vệ Tổ quốc. Họ tung ra
những luận điệu rằng, “QĐND Việt Nam và CAND Việt Nam chỉ là của quốc gia, dân
tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái, lực lượng chính trị nào”,
hoặc “Quân đội, công an chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ quyền
quốc gia”. Họ còn “góp ý”, “kiến nghị” yêu cầu Việt Nam phải “duy trì tính
trung lập chính trị của LLVT”; quân đội và công an phải “đứng ngoài chính trị”.
Thậm chí, họ còn đưa ra yêu cầu hết sức phi lý, ngang ngược là phải bỏ nội
dung LLVT tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, được ghi trong Điều
65 Hiến pháp năm 2013; khuyến nghị Việt Nam “học tập kinh nghiệm xây dựng LLVT
theo mô hình của quân đội tư sản”...
Xét về bản chất giai cấp và bản chất nhà
nước, trước hết, LLVT là bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp thống trị đối
với các giai cấp khác, là bộ máy duy trì sự thống trị của giai cấp cầm quyền.
Giai cấp thống trị, người nắm giữ quyền lực nhà nước, luôn cần phải
có công cụ bạo lực vũ trang để thực hiện mục đích chính trị, kinh tế của giai
cấp mình. Cho nên, sự tồn tại của LLVT luôn gắn chặt với giai cấp, nhà nước
sinh ra nó, đồng thời mang bản chất giai cấp sâu sắc; là công cụ bạo lực nhằm
bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, cầm quyền và lợi ích của nhà nước
do giai cấp đó tổ chức, chi phối, sử dụng. Do đó, bản chất chính trị của nhà
nước, của giai cấp cầm quyền sẽ quy định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các
mối quan hệ cơ bản của LLVT, như quan hệ với giai cấp, với chế độ xã hội, với
nhân dân, với dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa là, đã tổ chức ra LLVT thì nhà
nước, giai cấp cầm quyền phải tập trung xây dựng, củng cố bản chất chính trị
cho nó và làm cho nó luôn tinh nhuệ về chính trị, có sức chiến đấu cao. Bởi
vậy, không bao giờ và không ở đâu có LLVT “phi giai cấp”, “phi chính trị”,
“đứng ngoài chính trị”, như các thế lực thù địch đã và đang rao giảng, tung hô,
cổ súy.
Những luận điệu phủ nhận bản chất giai cấp của
LLVT nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của giai cấp tư sản đã được V.I.Lênin vạch
trần: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào
chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư
sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo
quân đội vào chính trị phản động”.
Quan điểm “phi chính trị hóa” LLVT thường xuất
hiện ở những nền chính trị có cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,
nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay
gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị. Mục đích của những người đưa ra quan
điểm đó là để đòi LLVT, mà nòng cốt là quân đội và công an, phải đứng ngoài
cuộc tranh chấp giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước của các
đảng phái chính trị, song trên thực tế không có lực lượng quân đội và công an
của quốc gia nào lại “đứng ngoài chính trị”. Ngay ở Hoa Kỳ và các nước ở phương
Tây, tất cả các đảng phái cầm quyền đều cố gắng giành lấy sự ủng hộ của quân
đội và công an. Gần đây, những sự kiện gây bất ổn chính trị - xã hội diễn ra ở
Thái Lan, U-crai-na và một số nước theo thể chế đa nguyên, đa đảng ở Trung
Đông, Bắc Phi,... đã minh chứng rất rõ điều đó.
Lịch sử cách mạng thế giới vào cuối những năm 80
và đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã chứng kiến một loạt nước xã hội chủ
nghĩa bị rơi vào “cái bẫy phi chính trị hóa” LLVT do chủ nghĩa đế quốc và các
thế lực phản động quốc tế giăng ra. Đặc biệt đau xót khi những người lãnh đạo
Đảng Cộng sản, Nhà nước Liên Xô tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm
1977 (quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô), chấp nhận đa
nguyên, đa đảng, từ bỏ nguyên tắc xây dựng LLVT về chính trị của chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, và sau đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân
đội, an ninh, nội vụ. Vì vậy, tuy LLVT Liên Xô rất có bề dày truyền thống, tiềm
lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, công nghệ và nhất là có tiềm lực quân sự
rất hùng mạnh, nhưng đã nhanh chóng bị vô hiệu hóa, mất phương hướng, không
còn lý tưởng và mục tiêu chiến đấu, không còn là lực lượng chính trị, công
cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Đó
chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và sự tan rã của Nhà nước Liên bang Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Xô-viết năm 1991.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ, bài học
thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng LLVT kiểu mới của giai cấp vô
sản chính là xây dựng QĐND và CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức,
cốt lõi là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
của Đảng; chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn với xây dựng tính
nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Chỉ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung,
thống nhất, với đường lối vũ trang cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, LLVT mới tôi luyện được bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao
sức mạnh chiến đấu tổng hợp, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và
nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược bảo
vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Được Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên
quan tâm, chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, 75 năm qua, LLVT nhân dân
Việt Nam luôn vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm
vụ được giao. Trong giai đoạn cách mạng mới, LLVT đã cùng toàn Đảng, toàn dân
chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của
các thế lực thù địch; đồng thời, sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh
phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống... Những thành
quả, những chiến công mà lực lượng QĐND và CAND đạt được chứng tỏ, mọi chiêu
trò xảo trá hòng “phi chính trị hóa” LLVT của các thế lực thù địch đã bị vô
hiệu hóa.
Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Trả lờiXóa