1.
Nhận diện bệnh “chạy”
Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị
quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước
Trung ương, chỉ ra 5 loại "chạy": "Chạy chức"
trước khi bầu cử; "chạy quyền" trước khi phân công công tác;
"chạy lợi" trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota;
"chạy chỗ" trước khi bổ nhiệm; "chạy tội" trước khi
điều tra, xét xử. Đáng bàn hơn, là cán bộ không chỉ "chạy" cho bản
thân mình mà còn "chạy" cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè,
cấp dưới...
Nếu như trước đây việc “chạy chức, chạy
quyền” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng; thì nay, việc
"chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều
cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng...
hết sức tinh vi, bài bản.
"Chạy chức chạy quyền" đã diễn biến
tinh vi ở nhiều cấp, nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương. Người ta không chỉ
"chạy" bằng vật chất mà bằng các hình thức phi vật chất, thậm chí
bằng cách trao đổi, hợp thương: Anh giúp tôi "chạy chức" này, tôi
giúp anh "chạy" vị trí kia, hoặc "chạy" dự án nọ...
Các chuyên gia tổ chức cán bộ cho rằng,
"chạy chức chạy quyền" thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực,
là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất
để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Hình thức "chạy" rất
đa dạng: "Chạy" để chưa có chức thành có chức, "chạy" từ vị
trí thấp lên vị trí cao, "chạy" từ nơi có lợi ích bổng lộc ít lên nơi
có nhiều; "chạy" để “hạ cánh an toàn”, "chạy" biên chế,
"chạy" ghế, "chạy" bằng cấp, "chạy" thành tích;
"chạy" để vào cấp ủy; "chạy" tuổi để kéo dài thời gian công
tác, bổ nhiệm; "chạy" tội để không bị kỷ luật, giữ ghế…
"Chạy" không chỉ là câu chuyện cá
nhân mà đã biến tướng, biến thể, hình thành các nhóm lợi ích, các đường dây mua
quan, bán tước, hình thành các gia đình quan chức-gia đình trị... Khi cơ quan
pháp luật điều tra các vụ án ở Bộ Công Thương và vụ án Trịnh Xuân Thanh và các
đồng phạm, có tình tiết về hàng loạt nhân sự đã được bổ nhiệm, điều động một
cách bất thường, không đủ tiêu chuẩn để hình thành những ê kíp, sau đó trở
thành đường dây tham nhũng.
Nạn "chạy" nguy hiểm còn ở chỗ nó
trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí ở xã. Ai cũng toan lo, ái
ngại, trách oán về một thực tế “chạy”, nhưng ít ai dám đứng lên đấu tranh, vạch
mặt vấn nạn đó. Thậm chí, người dân còn khuyên bảo nhau: “Thời này nó thế”,
“không có bôi trơn thì không thông”, “không có tiền làm sao có quyền”... Đó là
một môi trường bị vấy bẩn từng bước, tạo điều kiện cho nạn “chạy chức, chạy
quyền” ngấm ngầm lây lan trong hệ thống chính trị và xã hội, trở thành ung nhọt
tai biến trong Đảng và bộ máy công quyền.
2.
Từ tham nhũng quyền lực tới tha hóa quyền lực
Những kỳ đại hội toàn quốc gần đây, Đảng
thẳng thắn bắt bệnh thực trạng “chạy chức, chạy quyền” và đề ra nhiều giải pháp
quyết liệt chấn chỉnh. Nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và
khóa XII, việc xử lý và ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm
người nhà, người thân càng được tiến hành quyết liệt, hiệu quả hơn. Bằng chứng
là hàng loạt các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và làm rõ, xử
lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm họ hàng, người thân và
ban phát chức quyền ở hàng chục địa phương và nhiều ban, bộ, ngành Trung ương.
Thế nhưng, kết quả xem ra chưa được như mong
muốn. Trên thực tế, vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn diễn ra âm thầm, phức
tạp, tinh vi. Hơn thế, bản thân chức quyền có sự cám dỗ rất lớn. Chiếc ghế
quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Những kẻ hám quyền sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, sẵn sàng làm những việc
trái luân thường đạo lý và lương tâm dù phải đánh đổi bằng nhân cách, uy
tín.
Bệnh "chạy" không chỉ là bạn đồng
hành của tham nhũng quyền lực mà còn làm biến tướng, tầm thường hóa công tác tổ
chức cán bộ của Đảng, vô hiệu hóa vai trò tổ chức Đảng cũng như nguyên tắc tập
trung dân chủ của Đảng. Nó lũng đoạn, mua chuộc, tha hóa người đứng đầu. Nó
thiêu đốt, giết chết niềm tin, cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân
chính. Nó làm mất niềm tin vào tổ chức Đảng, vào “cái gốc của công việc”.
Với những kẻ “chạy” thành công, từ việc leo
lên đỉnh cao quyền lực quá dễ dàng, họ không có được đức, tài cần thiết nên dễ
lộng quyền, coi thường tổ chức, coi thường cấp ủy, coi thường nhân dân, cơ
quan, đồng nghiệp. Từ đó, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Đảng; làm cho
tổ chức Đảng yếu kém, mất sức chiến đấu, hình thành những “ông giời con” ở cơ
sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn. Nó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh “tự diễn biến”
ở nhiều đối tượng trong Đảng. Một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát
triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; bộ phận còn lại (số đông), xuất
hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng.
Theo nhiều cựu chiến binh, một trong những nguyên nhân dẫn
đến sự sa ngã, vi phạm của cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là
lên đỉnh cao quyền lực quá nhanh, dẫn tới tự cao, tự đại, thiếu ý thức tu
dưỡng, rèn luyện, tích lũy những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo, của
công bộc của dân.
"Chạy chức, chạy quyền" dẫn đến tha
hóa quyền lực trong mỗi cá nhân và xa hơn là sự tha hóa đối với cả tổ chức Đảng
và hệ thống chính trị. Chúng ta cần nghiên cứu bài học đau xót khi Liên Xô sụp
đổ. Trong tác phẩm "Bí ẩn diệt vong của Liên Xô-Lịch sử những âm mưu và
phản bội 1945-1991", tác giả A.Seviakin cho rằng, sai lầm về công tác cán
bộ thực chất là xóa nhòa ý thức hệ tư tưởng, tạo ra cuộc “diễn biến hòa bình”
ngay trong lòng xã hội Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô là đòn đánh gục chế độ
XHCN. Họ đã tạo ra một lớp lãnh đạo cấp cao là những người “tắm” trong xa hoa
nhung lụa trong khi không ít người dân Liên Xô còn khó khăn. Có lúc, con
cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ
dàng được vào học tại những trường đại học uy tín nhất. Sau khi tốt nghiệp lại
được nhận vào các ban, ngành quan trọng, nhanh chóng được nắm giữ những cương
vị quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành “lá bùa hộ mệnh” để cán
bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở.
3. Chống “chạy”- mệnh lệnh cuộc sống
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn
mạnh: “Cũng dè chừng dần những tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu.
Chuẩn bị đại hội lại vận động, tìm mọi cách. Phải cảnh báo vấn đề này. Đó chính
là xây dựng Đảng, liên quan đến vấn đề con người. Cần gì phải “chạy”, tôi đã
nói rồi, “chạy” là không dùng”.
Đảng cần, dân mong những người thật sự có
tài, có đức và uy tín, xứng đáng có mặt trong bộ máy công quyền, thực sự
là người đại diện cho quyền lực mà nhân dân trao gửi. Muôn việc
thành công hay thất bại xét cho cùng đều do công tác cán bộ như lời Bác dạy. Vì
vậy, để cái gốc của công việc được tốt, việc đẩy lùi nạn "chạy chức, chạy
quyền", tha hóa quyền lực phải là một nhiệm vụ hàng đầu, là mệnh lệnh mà
cuộc sống đặt ra đối với Đảng và hệ thống chính trị hiện nay!
Cán bộ chạy chức, chạy quyền là cán bộ có dấu hiệu tha hóa
Trả lờiXóa