Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019


Phê phán quan điểm: Chủ nghĩa tư bản ngày nay là chế độ ưu việt, tốt đẹp nhất trong lịch sử”
                                Đình Thắng
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, xã hội loài người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại. Lợi dụng vấn đề này, một số phần tử lớn tiếng rêu rao rằng: “Chủ nghĩa tư bản ngày nay là chế độ ưu việt, tốt đẹp nhất trong lịch sử”.
Theo đó, trong phương thức sản xuất tư bản ngày nay không còn hiện tượng người bóc lột người, xã hội tư bản là xã hội tiến bộ nhất trong lịch sự nhân loại mà loài người cần hướng đến.
Thực ra, những giọng điệu tuyên truyền đó vẫn không có gì mới và xa lạ đối với chúng ta. Về bản chất chúng vẫn theo những lối mòn cũ muốn phủ định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và tạo cảm giác mơ hồ cho những người cộng sản trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng.
Từ khi các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các nhà tư tưởng chủ nghĩa tư bản hân hoan tuyên bố rằng thế là hết đời CNCS, rằng cần phải đào sâu chôn chặt một chế độ xã hội là quái thai của lịch sử, để cho loài người có thể yên ổn làm ăn trong một trật tự xã hội vĩnh hằng, phù hợp với bản tính con người. Thế nhưng liệu có thể dễ dàng chôn vùi một thực tế XHCN đã từng tồn tại trên một phần rộng lớn của hành tinh, trong một thời gian gần trọn thế kỷ XX? Chính các nhà tư tưởng đó hiểu hơn ai hết rằng không phải dễ dàng làm được điều đó.
Trải qua quá trình phát triển, chủ nghĩa tư bản ngày nay đã có những bước phát triển mới. Cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền sản xuất chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến một trình độ mới với sự xuất hiện của hàng loạt yếu tố: tư liệu lao động rất hiện đại (hệ thống máy tự động hiện đại, robot công nghệ, các loại vật liệu mới với những tính năng quý báu, các nguồn năng lượng mới với hiệu suất cao như mặt trời, sức gió, thủy triều...; các loại cộng nghệ hiện đại (vi điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới...) đang thay thế dần công nghệ cũ.
Chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thực hiện sự chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Một cơ cấu kinh tế mới hiện đại, năng động đang hình thành và phát triển. Lao động - yếu tố quyết định của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa tư bản đang có những biến đổi rất sâu sắc. Trong các nước tư bản phát triển lao động trí tuệ, lao động có tính sáng tạo đang ngày trở thành mặt chủ đạo của lao động xã hội. Sự phát triển cao của lực lượng sản xuất và xã hội hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản đang hình thành và lớn lên phi thường một nền sản xuất ra của cải vật chất và của cải phi vật chất.
Tuy nhiên, cho dù có điều chỉnh như thế nào đi nữa, cho dù có khoác trên mình những “tấm áo choàng lộng lẫy” như thế nào đi nữa thì bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi, đúng như nhận định của Đảng ta “về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”. Sự áp bức, bất công đó thông qua sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Dù có điều chỉnh thích nghi nhưng chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn không thể vượt qua khỏi mâu thuẫn vốn có của nó. Mâu thuẫn kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản không phải là dịu đi. Cuộc đấu tranh để giành giật giá trị thặng dư diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết, không phải chỉ giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột mà còn giữa các kẻ bóc lột với nhau; ách bóc lột không chỉ đè nặng lên vai giai cấp công nhân mà còn mở rộng ra hầu hết những người lao động ăn lương, trí óc hay chân tay, bằng cách này hay cách khác. Mâu thuẫn của xã hội tư bản không chỉ tập trung biểu hiện ở sự đối lập lợi ích giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê mà còn biểu hiện ở xung đột của chế độ tư bản với toàn xã hội, không chỉ diễn ra ở một nước tư bản nào đấy mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Ngày nay, văn hóa tư sản đã trở nên suy đồi, có nhiều tác dụng phá hoại đối với tiến bộ xã hội. Xã hội tư bản hiện đại đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần không thể nào khắc phục nổi. Một tinh thần xã hội thượng tôn chủ nghĩa cá nhân cực đoan và tư duy thực dụng chủ nghĩa thì không thể tạo ra những giá trị văn hóa đích thực. Ở các nước xã hội hiện đại đang diễn ra một nghịch lý: trong điều kiện cuộc sống văn minh đầy đủ, tiện nghi, thừa thải vật chất, con người vẫn chưa hẳn đã sung sướng. Sống giữa nơi đông nghẹt người nhưng con người vẫn thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Sự tan vỡ của gia đình, tình trạng bất an xã hội về mọi phương diện, nạn mapia và sự hoành hành của thế giới ngầm, ma túy và đĩ điếm, tội ác, các vụ xả súng, nạn nghèo đói gia tăng...
Tất cả những điều trên tồn tại trong lòng xã hội tư bản đã đầu độc bầu không khí xã hội, tác động đến mọi thành viên xã hội. Một xã hội đã đến lúc không đảm bảo cho các thành viên của nó một môi trường văn hóa có tính người, phù hợp với yêu cầu phát triển của văn minh và văn hóa thì xã hội ấy sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải.
Sau thảm bại của hệ thống XHCN thế giới, chủ nghĩa tư bản đang có vẻ mạnh hơn bao giờ hết; nhưng thật ra đất vẫn rung dưới chân giai cấp tư sản. Những giới hạn không thể vượt qua trên cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang và sẽ tiếp tục phải đổi mặt với những nguy cơ của khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị thậm trí nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện mới có thể xuất hiện. Do vậy, Đảng ta nhận định “Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”.
Như vậy có thể thấy rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại trong khi chưa phát triển đến giai đoạn diệt vong gần kề nó đang tiếp tục tiến triển một cách khách quan đến một xã hội khác cao hơn, bất chấp ý nguyện chủ quan của bất cứ lực lượng xã hội nào và do đó trong lòng nó đang chín muồi dần không chỉ những tiền đề vật chất, kỹ thuật mà cả những mầm mống, những yếu tố nhiều mặt, những điều kiện ngày càng đầy đủ hơn cho sự ra đời xã hội mới sau chủ nghĩa tư bản.

1 nhận xét:

  1. Các nước tư bản; nhất là Mỹ bạo loạn, phân biệt chủng tộc, bắn giết nhau triền miên vậy mà là ưu việt sao

    Trả lờiXóa