Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Nhận thức đúng, hành động quyết liệt, củng cố niềm tin, bảo vệ Đảng, giữ vững chế độ ta.



Trong 5 ngày, từ ngày 7 đến 11-10, Báo Quân đội nhân dân đã đăng vệt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng-vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Như “khơi trúng mạch, vạch trúng nguồn”, vấn đề “sống còn” này đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Nhiều nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh, cựu chiến binh cùng đông đảo bạn đọc thuộc đủ giai tầng trong xã hội đã email, gọi điện, viết bài, viết thư... chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình với Tòa soạn về vấn đề trọng yếu, cấp thiết này. Vì điều kiện không cho phép đăng tải hết những ý kiến tâm huyết nói trên, chúng tôi xin phép được tổng hợp lại trong những vấn đề chủ yếu sau đây.

Nhận thức đúng về nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Đúng như ý kiến của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là vấn đề mới nhưng là vấn đề rất phức tạp, là “giặc trong lòng”, âm thầm diễn ra trong nội tâm cán bộ, đảng viên nên rất khó “điểm mặt, chỉ tên” một cách rõ ràng. Trên nhiều phương diện, vấn đề “tự diễn biến” chỉ có thể nhận diện mang tính chất định tính chứ khó có thể định lượng.

Trong số các ý kiến, bài viết chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân, nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học như: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; GS, TS Phùng Hữu Phú; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương; TS Cao Đức Thái... đều đề cập đến những biểu hiện cụ thể để nhận diện tư tưởng và hành động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có thể tổng hợp những biểu hiện đó từ mức độ thấp đến mức độ cao: Một là, tự thay đổi về tư tưởng chính trị theo hướng tiêu cực, từ quan điểm, nhận thức đúng thành quan điểm, nhận thức sai. Hai là, nói và làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ba là, tuyên truyền tư tưởng, lối sống thực dụng-cơ hội, trái đạo đức cách mạng và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Bốn là, gây rối nội bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, qua các hành vi gây bè phái, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng bất mãn, bất bình, chống đối trong nội bộ các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Năm là, vọng ngoại hoặc sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sáu là, tuyên truyền, ủng hộ quan điểm, tư tưởng, hành động sai trái của các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội. Bảy là, thể hiện thái độ đồng tình với quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; phủ nhận các thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay; đồng tình với những quan điểm, tư tưởng, hành động sai trái của các phần tử chống đối. Tám là, phản bác, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đòi thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng. Chín là, xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả kích, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phủ nhận công lao của các lãnh tụ tiền bối; đòi xét lại lịch sử. Mười là, có những hành động móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử chống đối trong nội bộ và ngoài xã hội làm nguy hại đến Đảng, chính quyền Nhà nước và chế độ XHCN Việt Nam...
Những ý kiến trao đổi trên Báo Quân đội nhân dân những ngày vừa qua thực sự sôi nổi, phong phú, nhiều chiều và “đồng thanh tương ứng” với không khí của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII). Trong lời phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”.
Nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Có rất nhiều nguyên nhân, được soi chiếu từ nhiều chiều về căn nguyên của hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có ý kiến bạn đọc tâm huyết góp ý cho vệt bài nói rằng, trong bài viết nhận diện và nhìn thẳng vào vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tác giả dường như chú trọng nhiều vào nguyên nhân khách quan mà chưa phân tích đầy đủ về nguyên nhân chủ quan. Chúng tôi thấy rằng, khi đã đề cập đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tức là chúng ta đã chú ý đến khía cạnh chủ quan là chính. Đúng như Đại tá, PGS, TS Lê Duy Chương lý giải: “Kẻ thù đáng sợ nhất, khó chiến thắng nhất lại chính là những kẻ thù giấu mặt, những thứ “giặc nội xâm” ở trong ta. Những loại này nằm ẩn khuất giữa đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người, nếu chúng ta mất cảnh giác hoặc do dự, ngập ngừng hay dao động, thoái bộ. Nguy hiểm hơn nữa là rất khó nhận biết chúng, vì chúng biến ảo khôn lường: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa đầu hàng… được ngụy trang, trá hình dưới muôn vàn màu sắc, trong đủ thứ cái gọi là “nhân danh”, “dân chủ hóa”, “liên kết”, “hội nhập”...
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương cho rằng, khi tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tất nhiên nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhưng cũng cần đánh giá nguyên nhân khách quan, vì như vậy mới đánh giá được đầy đủ căn nguyên gây “bệnh” và mới tìm ra “thuốc chữa” hiệu quả. Những nguyên nhân khách quan của hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta lãnh đạo là quá trình phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chúng ta chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, mặc dù ngay từ thời kỳ đầu Đổi mới, Đảng ta đã ban hành nguyên tắc Đổi mới nhưng vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa cán bộ, đảng viên lợi dụng kẽ hở pháp luật để thoái hóa, biến chất. Thực tế quá trình hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Cùng với đó, không thể không tính đến tác động nguy hiểm từ Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, họ không từ bỏ bất kỳ âm mưu, thủ đoạn nào hòng thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", họ tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Những nguyên nhân khách quan này cũng tác động hàng ngày, hàng giờ đến cán bộ, đảng viên, chỉ một phút lơ là, một phút suy tư mềm yếu đã có thể dẫn đến sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Vậy nguyên nhân chủ quan dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bao gồm những nội dung nào? Trong những bài viết, ý kiến mà chúng tôi đã giới thiệu, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh đã đề cập rất nhiều. GS, TS Phùng Hữu Phú đã đề cập đến nguyên nhân gốc rễ là từ hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ. Hay rất nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, khởi nguyên của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những cán bộ, đảng viên không biết “giữ chủ nghĩa cho vững” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều ấy cũng chỉ ra rằng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng làm chưa tốt, chưa hiệu quả dẫn đến cán bộ, đảng viên dao động, ngả nghiêng...
Từ những ý kiến tâm huyết nêu trên, có thể chỉ ra nội dung chủ yếu của nguyên nhân chủ quan: Một là, cán bộ, đảng viên rơi vào biểu hiện “tự diễn biến” là những người thiếu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, rơi vào “vũng bùn” chủ nghĩa cá nhân, lãng quên trách nhiệm, lời thề trước Đảng, trước nhân dân. Hai là, công tác cán bộ còn nhiều yếu kém, là nguyên nhân dẫn đến tha hóa quyền lực; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém; tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cấp ủy dòng tộc” lây lan trong Đảng. Ba là, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Bốn là, năng lực tổ chức của cấp ủy, chính quyền trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền còn nhiều hạn chế, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. (Theo thống kê, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) vừa qua đã chỉ ra có tới 10 việc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra nhưng chưa thực hiện; 8 việc có làm nhưng làm chưa tốt). Năm là, các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình vốn là những nguyên tắc “bất di, bất dịch” nhằm giữ gìn bản chất cách mạng của Đảng nhưng ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Sáu là, về cơ chế, chính sách, việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Bảy là, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Tám là, xây dựng mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” còn hạn chế, chưa huy động nhân dân tích cực xây dựng Đảng, nhất là vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.
Những giải pháp đột phá
Hàng chục bài viết, ý kiến của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như nhiều bạn đọc gửi về Báo Quân đội nhân dân đã đề xuất rất nhiều giải pháp phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa”. Do khuôn khổ của tờ báo có hạn, chúng tôi xin tổng hợp thành 6 nhóm giải pháp đột phá sau đây:
Một là, phòng, chống  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; của mọi ngành, mọi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là đánh “giặc nội xâm”, là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Công việc này phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi phải chủ động, kiên trì, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch-ta rõ ràng, mà phải sử dụng tư tưởng, lý luận khoa học, tiến bộ đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; sử dụng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sử dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vì sao đây là giải pháp đột phá hàng đầu, vì trước đây việc phòng, chống mới tiến hành cục bộ, ai cũng biết là nguy cơ nhưng thờ ơ, xem như không phải việc của mình. Với quyết tâm chính trị của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), việc huy động cả hệ thống chính trị, mọi cấp, mọi ngành vào cuộc nhất định sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt trong đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai là, quyết liệt đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đây  là một trong những giải pháp quyết định sự thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. GS Nguyễn Đức Bình đã đề cập đến giải pháp này và coi đó là giải pháp quyết định vì ông cho rằng, đối với hiện tượng “tự diễn biến” thì “phòng bệnh” cũng là “chữa bệnh”, “phòng cũng là chống”. Vì nếu cán bộ, đảng viên thấm nhuần nền tảng tư tưởng của Đảng, bản thân nó là loại thuốc “miễn dịch” đối với các tư tưởng, quan điểm khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lê-nin”. Trong cuốn sách: “1999-chiến thắng không cần chiến tranh”, cựu Tổng thống Mỹ Ních-xơn cũng đã viết: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”. Mặt trận tư tưởng, lý luận có vai trò, vị trí quan trọng như vậy, nhưng thời gian qua chưa được xem trọng, chưa sát thực và hiệu quả. Dân chủ hóa công tác tư tưởng, lý luận; đổi mới phương pháp nghiên cứu-tuyên truyền-giáo dục; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiến hành công tác tư tưởng; coi trọng giáo dục thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... đều là những công việc cần thiết, cấp bách. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho thấy, trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, khi khó khăn, thử thách xuất hiện là lúc tư tưởng dễ dao động, tâm lý hoang mang, mất phương hướng dễ nảy sinh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đó cũng là lúc nguy cơ giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng… có cơ hội phát triển. Vì vậy, đổi mới công tác tư tưởng, lý luận vào thời điểm này là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ba là, kiên quyết khắc phục những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế-XH, tích cực tạo bước chuyển biến mới trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ chặt chẽ với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế-xã hội. Suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” cùng với tệ quan liêu là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí; tham nhũng, lãng phí tác động trở lại, làm suy thoái tư tưởng chính trị, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” nhanh hơn. Khi lún sâu vào tham nhũng, cán bộ, đảng viên càng xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thậm chí phản bội nhân dân, phản bội Đảng. Tham nhũng tất yếu dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng không phải tất cả những người suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều tham nhũng. Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, cần có biện pháp quyết liệt, khắc phục tệ quan liêu, những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế-xã hội là điều kiện thuận lợi để tham nhũng, lãng phí phát triển; đồng thời tích cực tạo bước chuyển biến mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bốn là, tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quyền lực, nghiêm trị những hành vi lạm quyền, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều công phu, nghị lực mới có thể chiến thắng chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng có hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng ở nhà trường với sự tự phấn đấu, tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên trên cương vị công tác và trong cuộc sống riêng của mỗi người. Thực tế đã có bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối", "trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, vi phạm nguyên tắc Đảng... Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân.
Cùng với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; Đảng, Nhà nước cần tiến hành phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Trung ương và địa phương; gắn với đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng các văn bản pháp quy, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin-cho” để “không thể tham nhũng”, răn đe, trừng trị để “không dám tham nhũng” và đề cao đạo đức để “không muốn tham nhũng”. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; ngăn ngừa sự lộng quyền, lạm quyền, vượt quyền để làm trái, trục lợi hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, góp phần phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trừng trị nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, mua quan bán chức, uy hiếp, trù dập nhân dân... đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xem đó là trọng tâm để chống “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa”. Cần tập trung kiểm tra người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trước mắt tập trung giám sát các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu ở cấp cao, phát hiện, truy cứu đến cùng, xử lý triệt để những sai phạm của người đứng đầu, không có vùng cấm theo phương châm “quyền hạn, chức trách càng lớn nếu để sai phạm phải xử lý càng nghiêm, càng nặng để thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, lấy lại niềm tin trong Đảng và trong nhân dân.
Sáu là, phát huy vai trò của nhân dân, thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.
Đây là vấn đề có tính nguyên lý. Trước mắt, cần thể chế hóa và thực hiện nghiêm trách nhiệm của Đảng, tổ chức đảng, đảng viên được quy định trong Hiến pháp 2013. Xây dựng cơ chế để nhân dân tiến cử những người có đủ đức, đủ tài vào các cơ quan trong hệ thống chính trị; có hình thức thích hợp lấy ý kiến nhân dân trước khi bổ nhiệm cán bộ. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện hiệu quả Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, có cơ chế rõ ràng để nhân dân góp ý xây dựng Đảng.
Chắc chắn rằng, 6 giải pháp nêu trên chưa thể đề cập hết các giải pháp mà bạn đọc đã góp ý với Đảng thông qua Báo Quân đội nhân dân, cũng như có thể chưa thỏa mãn hết nhận thức, tình cảm, ý chí của các chuyên gia, nhưng 6 giải pháp trên là những nội dung khá thiết thực và cấp bách, góp phần cụ thể hóa 4 nhóm giải pháp lớn về xây dựng Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) vừa thông qua. Một điểm cần chú ý là, nếu chúng ta chỉ chủ động phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà không kết hợp với tích cực tấn công, làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thì hiệu quả phòng, chống không cao, các thế lực thù địch sẽ có thời cơ và điều kiện chống phá quyết liệt hơn. Vì vậy, cùng với các giải pháp nêu trên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với tích cực tấn công, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.



1 nhận xét:

  1. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, Đảng viên phải có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Trả lờiXóa