Chung Phan
Là một danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu
hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của một xã hội Á Đông duy tình, vốn vẫn còn
nhiều truyền thống cổ hủ, thói quen lạc hậu. Khác với tư tưởng duy lý của các
cuộc cách mạng dân chủ tư sản phương Tây, Người nhận ra rằng, sự nghiệp cách
mạng Việt Nam phải bắt đầu từ việc: làm
cho dân giác ngộ; phải giáo dục đạo đức cách mạng và xây dựng được những
con người cách mạng chân chính. Đây là nguồn cội để khơi dậy chủ nghĩa yêu
nước, sức mạnh của toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đạo
đức cách mạng là nền tảng để kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội, làm nên giá trị cao quý của một chính đảng kiểu mới,
là trí tuệ, “là đạo đức, là văn minh”.
Cùng với lý luận cách mạng tiền phong
soi đường, Đảng cách mạng tiền phong trước tiên cần những người cách mạng để có
thể gánh vác được trách nhiệm cách mạng tiền phong. Điều này tiếp tục được
Người làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn, nhắc lại nhiều lần ở những tác phẩm sau này,
như “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới”, “Thi đua ái quốc”, “Dân vận”,... và
được đúc kết một cách có hệ thống trong tác phẩm Đạo đức cách mạng và
bài báo cuối cùng của Người về xây dựng Đảng với tiêu đề “Nâng cao đạo
đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên Báo Nhân dân, ngày
03-02-1969.
Trong tác phẩm Đạo đức cách
mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ
thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ
rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh
mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách
mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Phẩm
chất đạo đức cách mạng đầu tiên phải là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho
cách mạng”. Đây là “điều chủ chốt nhất”, “tiêu chuẩn số một” của người cách mạng.
Khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi đảng viên phải nhận thức rõ
trách nhiệm của bản thân là tự nguyện cống hiến, tự nguyện hy sinh, quyết tâm
suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; tuyệt đối trung thành với mục tiêu,
lý tưởng của Đảng và của dân tộc.Quyết tâm làm việc, đấu tranh cho Đảng phải
được thể hiện bằng những hành động cụ thể, mang lại kết quả cụ thể trong thực
tế, giúp hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đồng thời giúp Đảng không
ngừng được xây dựng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà nhân
dân giao phó.Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh
quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài
lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Lợi ích của mỗi cán bộ, đảng viên nằm trong
và tuyệt đối phục tùng lợi ích chung của Đảng, của dân tộc. Cán bộ, đảng viên
phải là những tấm gương sáng trong phụng sự Đảng, phục vụ nhân dân. Nhận thức
sâu sắc về tác dụng to lớn của việc giáo dục nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ: trong Đảng ta, nhiều đồng chí đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh,
đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta
học tập.
Người chỉ ra rằng: “có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng
cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình
độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”. Học tập chủ
nghĩa Mác - Lê-nin là học tập “tinh thần xử trí mọi việc”, là học tập những
“chân lý phổ biến” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học để mà làm, lý luận đi đôi
với thực tiễn; tránh học tập một cách máy móc, giáo điều, hoặc học để làm trang
sức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, muốn
nâng cao đạo đức cách mạng, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cũng
giống như phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ rồi mới khiêng vào bàn ghế, giường tủ
mới mua sắm được. Chủ nghĩa cá nhân chính là vết tích xấu nhất, nguy hiểm nhất
của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta
đi xuống dốc”; “bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa
vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
Bản chất chủ nghĩa cá nhân là “trái ngược với chủ nghĩa tập thể”, “trái ngược
với đạo đức cách mạng”, “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”.Chủ nghĩa
cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng, như yêu cầu hưởng thụ, nghỉ ngơi, muốn
lựa chọn công tác theo ý mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó;
muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng; “kể công” với Đảng, muốn Đảng
“cảm ơn”, đòi ưu đãi, đòi danh dự, địa vị và nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ
thì họ oán trách Đảng; kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại; phê bình người khác
mà không muốn người khác phê bình mình, không tự phê bình hoặc tự phê bình một
cách không thật thà, không nghiêm chỉnh; xem khinh những cán bộ ngoài Đảng; xa
rời quần chúng, không muốn học hỏi mà chỉ muốn làm thầy quần chúng; ngại làm
công tác tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng,... Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ ra rằng, những người mắc phải bệnh chủ nghĩa cá nhân như vậy thì: “Kết quả
là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không
làm nên trò trống gì”.Bởi vậy, Người nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân làm “che lấp
đạo đức cách mạng”; là một thứ bệnh gốc, bệnh mẹ “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy
hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, v.v.” và luôn
chờ dịp để ngóc đầu dậy, nên quét sạch chủ nghĩa cá nhân là việc làm đầu tiên,
đồng thời phải làm thường xuyên để bảo vệ uy tín của Đảng, giữ gìn sự đoàn kết,
thống nhất trong Đảng, giữ cho Đảng luôn trong sạch. Quét sạch chủ nghĩa cá
nhân, nâng cao đạo đức cách mạng là nhiệm vụ trọng yếu, đầy bản lĩnh của xây
dựng, chỉnh đốn đảng - một việc mà theo Người, phải làm liên tục, thường xuyên,
lâu dài, khi cách mạng gặp khó khăn để xây dựng thái độ bình tĩnh, sáng suốt,
kiên định lập trường, lý tưởng, cũng như khi cách mạng trên đà thắng lợi, để
ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của
đất nước, cùng với việc coi “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”, Văn
kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “xây dựng Đảng là then chốt”. Đặc
biệt, trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng toàn
diện, cả về tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ và đạo đức, trong đó công tác
cán bộ, lựa chọn những người có đức, có tài, tuyệt đối trung thành với lý tưởng
của Đảng là “then chốt” của “nhiệm vụ then chốt”.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị
quyết quan trọng, như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, về tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết của
Hội nghị Trung ương 7, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,
nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;
Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương, về trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí
thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trung ương xác định, đây là những
nhiệm vụ cần thực hiện cấp bách và thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp
chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, đơn vị theo phương
châm chỉnh đốn, xây dựng Đảng toàn diện, trong sạch, liêm chính, vững mạnh, đáp
ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ các
chỉ dẫn về xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên
giá trị và có tính thời sự sâu sắc; càng ý thức được lời dặn của Người: “Một
dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn,
không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu
lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.Việc không ngừng rèn
luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, cũng giống như việc tạo ra những
kháng thể tốt, ngăn chặn, miễn nhiễm, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ
đoạn quyết liệt chống phá của các thế lực phản động, thù địch đối với Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta.Phải hết sức vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng,
kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối không được
dao động, mơ hồ. Phải đặc biệt coi trọng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng;
khắc phục bệnh “lười học lý luận chính trị” của cán bộ, đảng viên. Đây là yêu
cầu trọng tâm của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách
mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư
tưởng phải đi đôi với vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn.
Cán bộ, đảng viên đi học không phải để tiếp nhận những thứ lý luận giáo điều,
xơ cứng rồi nói lại, hoặc vận dụng một cách máy móc, áp đặt chủ quan; lại càng
không được đi học để “lấy bằng, khoe chữ”, mà phải học thật sự, trước hết là
học về phương pháp tư duy, phương châm hành động, phương cách vận dụng theo
tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Bối cảnh trong nước và quốc tế đang
thay đổi nhanh chóng đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường
xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo phương châm “cơ bản, hệ
thống, thực tiễn và hiện đại”, nhất là luôn bám sát hơi thở của cuộc sống; từ
cuộc sống gần dân, từ nguyện vọng của nhân dân mà học để phục vụ nhân dân. Do
đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng phải bám sát thực tiễn, xuất
phát từ thực tiễn, cập nhật thực tiễn và tổng kết thực tiễn để phát triển và
hoàn thiện.Mỗi cán bộ, đảng viên cần có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo
đức hằng ngày và quan trọng hơn là hằng ngày phải “thực hành đạo đức cách
mạng”. Đảng yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ
tịch Hồ Chí Minh là để cho cán bộ, đảng viên tự soi mình, sửa mình, tự rèn
luyện những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; quét sạch mọi
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ để được nhân dân tin yêu, quý mến. Cán
bộ, đảng viên không phải chỉ đi tuyên truyền “suông” mà cần thật sự đi đầu, tạo
sức lan tỏa trong nhân dân về việc nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối
của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “một
tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền./.
Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm, rất khó phát hiện, nó luồn lách, ẩn mình nhưng có cơ hội là chúng bùng phát lên như thứ bệnh dịch. Vì vậy cần nhận diện và kiên quyết đấu tranh loại bỏ chúng.
Trả lờiXóa