Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

Không thể xuyên tạc, phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam



Gần đây, trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thì các đối tượng xấu đã lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để ra sức chống phá chúng ta. Chúng xuyên tạc rằng: Ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng; Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công.

Thứ nhất, phải khẳng định dứt khoát rằng, đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Vì, tham nhũng là hiện tượng mang tính lịch sử – xã hội gắn liền với sự tồn tại của nhà nước, tham nhũng là vấn nạn toàn cầu mang tính phổ biến, không chỉ riêng có ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, không phụ thuộc vào chế độ chính trị và trình độ phát triển. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Khi còn tồn tại nhà nước và quyền lực nhà nước bị lạm dụng thì còn tồn tại tham nhũng. Điều đó có nghĩa, ở bất cứ chế độ xã hội nào, tham nhũng, suy thoái đều gắn với quyền lực bị thao túng, bị tha hóa.
Vì thế, luận điệu cho rằng: Ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng; do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra; tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng; tham nhũng là vấn đề thuộc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… là những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị, chúng ta phải hết sức cảnh giác, đấu tranh và bác bỏ.
Thứ hai, khẳng định thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định làm hành lang quản lý cán bộ, xử lý sai phạm, như: Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đã được ban hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “công cuộc chống “giặc nội xâm” đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt”, vì thế “Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, mà còn bàn các công việc thiết thực, cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng”.
Thực tế đã chứng minh, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng là quyết tâm chính trị, bởi đây là vấn đề quyết định sự tồn vong của đất nước. Vì thế, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005, đến nay tuy mới 12 năm nhưng đã 3 lần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, lần mới đây nhất là tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Việc làm này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Chinha vì vậy, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tình hình nhũng bước đầu đã được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội.
Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, thường xuyên, liên tục, phức tạp, không ít khó khăn, thách thức và cũng không dễ dàng giành được thắng lợi. Vì vậy, đòi hỏi mọi tổ chức và cá nhân là thành viên của hệ thống chính trị phải đề cao cảnh giác để có nhận thức đúng, đầy đủ không chỉ về tình trạng tham nhũng hiện đang tồn tại một cách khách quan trong hệ thống chính trị nước ta; mà còn về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân để chủ động có chủ trương, biện pháp đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng này. Song dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không thế lực nào có thể làm nhụt ý chí, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vấn đề quan trọng là, trong mọi tình huống, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải luôn đề cao cảnh giác, nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn chống phá để từ đó có chủ trương, biện pháp đấu tranh kiên quyết, kịp thời.

1 nhận xét:

  1. Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa