Diễn biến hòa bình” là một
chiến lược tấn công toàn diện, thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực
thù địch, bằng việc sử dụng tổng hợp các thủ đoạn, biện pháp, hình thức để
chống phá chúng ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó,
chúng coi việc phá hoại về chính trị, tư tưởng, văn hóa là quan trọng hàng đầu,
là khâu đột phá, mũi nhọn của cuộc tiến công. Các chuyên gia về truyền thông
của Mỹ đã nhận định rằng: Làn sóng điện sẽ thay thế các thanh gươm, còn cây bút
là phương tiện đi vào trái tim, khối óc của những người đang sống. Vì vậy,
chúng đã triệt để sử dụng những thành tựu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin
để tăng cường chống phá ta. Thông qua các trang mạng xã hội, chúng dùng những
lời lẽ xảo trá để xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây sự hoài nghi trong nhân dân.
Thực tế, sự phát triển công nghệ thông tin là thành tựu của nhân
loại, đã và đang trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã
hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người, thúc đẩy sự phát triển xã
hội trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên khi bị lợi dụng với dụng ý không tích cực,
mang tính phá hoại, nó sẽ gây ra những tác hại không nhỏ cho con người và xã
hội. Mặc dù, không phải tất cả các trang web, blog đều là xấu, độc hại, nhưng
thực tế đã có các trang web, blog tuyên truyền nội dung xấu, vi phạm cả đạo lý
và pháp lý nên chúng ta phải cảnh giác với những thông tin được đưa lên các
trang mạng này. Từ thực tế đó nhận thấy, nếu người sử dụng internet không vững
vàng trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị và thông tin chính thống thì sẽ
có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến sự mơ hồ, mất niềm tin... Bởi vậy, nhận
diện và đấu tranh với những chiêu trò bôi xấu, vụ lợi trên mạng internet và các
trang mạng xã hội, làm trong sạch môi trường là việc cần thiết đối với mỗi cá
nhân, mỗi thành viên của xã hội.
Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng thực
hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam,
hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm đánh vào nền tảng tư tưởng
của Đảng, gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ
nghĩa. Chúng xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của
Người, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ xúy
cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ. Thông qua các
blogger, đối tượng thù địch trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau để tuyên
truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước, chia rẽ nhân dân với Đảng, xuyên
tạc lịch sử, bóp méo sự thật, vu cáo, bôi đen chế độ ta. Thông qua việc truyền
bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội,
vào cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chúng từng bước thúc đẩy “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta tiến đến chuyển hóa Đảng, chuyển
hóa chế độ, nhằm thực hiện mục tiêu “chiến thắng không cần chiến tranh”.
Qua thực tiễn đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, có
thể thấy nổi lên một số đặc điểm sau:
Về động cơ, mục đích, các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị công khai tung ra những quan điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận
vai trò lãnh đạo của Đảng, đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường tiến
lên chủ nghĩa xã hội, nhằm hướng lái đất nước ta đi theo con đường tư bản chủ
nghĩa.
Về nội dung, các quan điểm sai trái,
thù địch thường tập trung vào một số nội dung như: Bác bỏ những nguyên lý cơ
bản hoặc toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc,
bôi đen nền tảng tư tưởng của Đảng; bác bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội, ca ngợi, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản; phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy mọi sai lầm, khuyết điểm về cho Đảng
hòng kích động, nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta...
Về phương pháp, cách thức tiến hành, chúng sẵn sàng bịa đặt, nói xấu một cách trắng trợn, đổi
trắng thay đen, suy diễn vô căn cứ, đồng nhất Đảng với một số cán bộ, đảng viên
tham nhũng, thoái hóa, biến chất, phủ nhận công lao của Đảng, quy chụp mọi
khuyết điểm, sai lầm về cho Đảng, phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam...
Về hình thức diễn đạt, chúng sử dụng ngôn từ
thiếu văn hóa tuyên truyền trên mạng xã hội; xuất bản sách, báo ở nước ngoài,
sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi tìm cách chuyển về trong nước, sử
dụng các đài truyền hình, phát thanh của nước ngoài để tuyên truyền...
Về thân phận đối tượng, chủ yếu là các thế lực
thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, chính trị trong và ngoài nước mang
lòng hận thù chế độ, có trường hợp đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam; thậm chí
có cả một số người trước đây là cán bộ, đảng viên nay trở cờ, trở thành thế lực
thù địch.
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là
cuộc đấu tranh giữa ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và ý thức hệ tư bản chủ nghĩa,
là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và ngày càng diễn ra quyết liệt. Trên mặt
trận này, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết nêu rõ quan điểm, nhiệm vụ và
giải pháp lớn. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về
nhiệm vụ này thể hiện nhất quán 3 quan điểm cơ bản, đó là: (1) Đấu tranh chống
quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế
độ xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng hiện nay.
(2) Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là bộ phận khăng khít của cuộc
đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng -
văn hóa của Đảng. (3) Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ
của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp.
Qua thực tiễn đấu tranh, chúng ta đã đúc rút ra một số kinh nghiệm
ban đầu, đó là: (1) Cần nhận thức sâu sắc tính chất rất nguy hại của những quan
điểm sai trái, thù địch, trên cơ sở đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp
ủy đảng đối với cuộc đấu tranh này; (2) Phải huy động được sức mạnh tổng hợp
của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ
sĩ tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; (3)
Kết hợp hài hòa các hình thức đấu tranh trên báo chí công khai, trên mạng
internet, các blog...; triệt để sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền
miệng; (4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả các bài viết phản bác, hết sức chú ý
tính chiến đấu, tính thuyết phục.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch luôn được Đảng,
Nhà nước, nhân dân và xã hội ta đặc biệt quan tâm. Đại hội XII của Đảng xác
định đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng, lý luận
trong nhiệm kỳ đại hội. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý, điều hành thống nhất tập trung của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động ngăn chặn, phản bác các
thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt
động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch./.
VÌ DÂN
Mọi người dân phải tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động
Trả lờiXóa