Lợi dụng internet, gần đây, các thế lực thù địch ra sức tìm cách hạ
thấp vai trò của báo chí, truyền thông chính thống và cổ xúy cho những cái gọi
là “nhà báo công dân”, “báo mạng xã hội”, “nhà xuất bản mạng”… Chúng “nâng cấp”
một số blogger, facebooker thành những “nhà báo tự do”, “nhà báo toàn cầu”... Hiện
nay, một số người do thiếu hiểu biết và tư tưởng lệch lạc lại hay tìm đọc, thậm
chí cổ vũ, tiếp tay cho “ngụy tuyên truyền” chống phá Đảng, Nhà nước và nhân
dân…
Truyền thông “ngụy dân chủ”
Trịnh Hữu Long, sinh năm 1986, quê
Thanh Hóa, từng tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng lại sớm sa ngã.
Cách đây 5 năm, Long dựng lên một trang mạng và tự xưng trang này là “tạp chí”
với tinh thần chủ đạo là tập hợp những bài viết phân tích, bôi đen tình hình đất
nước, xuyên tạc Đảng, Nhà nước dưới góc nhìn pháp luật. Trang mạng của Long
nhanh chóng thu hút nhiều nhân vật bất mãn và được sự hậu thuẫn của tổ chức
Việt Tân để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trang mạng này xưng
là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận, không đặt quảng cáo, nhưng lại kêu gọi
bạn đọc tài trợ từ “20 nghìn đồng trở lên”. Theo một tài liệu được công bố, năm
2016, trang này từng xin được hơn 23.000USD nhưng phần lớn đều từ các tài trợ
ẩn danh. Năm 2018, trang mạng này đã nhân danh đại diện cho hơn 50 triệu người
sử dụng internet Việt Nam khởi xướng việc vận động ký tên vào thư gửi Chủ tịch
Facebook, chất vấn và xuyên tạc, lu loa Facebook “hợp tác với Chính phủ và phản
bội người dân Việt Nam”.
Gần đây, mạng xã hội (MXH) lan truyền video tố cáo Cảnh sát
Giao thông tỉnh Đắc Lắc chặn, cản trở xe đưa người đi cấp cứu vì lỗi chạy quá
tốc độ. Song tìm hiểu sự việc thì đó chỉ là một màn kịch nhằm đánh lừa dư luận.
Trong clip có cảnh một chiếc xe vi phạm vừa bị cảnh sát thổi còi thì xuất hiện
ngay một phụ nữ xuống xe khóc rống lên kể lể đưa con đi cấp cứu nhưng tay
“không quên” cầm điện thoại livestream. Một người đàn ông lại từ xe bế cháu bé
ra đặt… giữa đường. Lo cho tính mạng người dân, một cảnh sát bế cháu bé lên xe
để đưa cháu đi bệnh viện thì người nhà ngăn cản, chửi bới là “công an đàn áp
dân, vi hiến”. Đến khi cảnh sát cho chiếc xe được đưa cháu bé đi bệnh viện thì
họ lại tuyên bố “trưa rồi, không đi nữa” và lấy ra những cuốn hiến pháp phát
cho người dân ở đó, quên luôn việc cấp cứu cho cháu bé. Rất nhiều bạn đọc tỉnh
táo đã nhận ra chân tướng sự việc và chỉ rõ đó là clip của tổ chức phản động
"Con đường Việt Nam" vì trong clip có nhóm người mang trang phục của
tổ chức này. Thế nhưng, vẫn có một số người dân chia sẻ, comment nói xấu cảnh
sát, nhìn nhận sai lệch về sự việc.
Năm 2017, Cục An ninh mạng, Bộ Công
an đã phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Thái Nguyên bắt hai đối
tượng là Bùi Hiếu Võ và Phan Kim Khánh để điều tra về tội tuyên truyền chống
Nhà nước theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Qua điều tra, từ tháng 5-2015, chúng đã
lập tài khoản facebook và các trang mạng lấy tên là “Báo Tham Nhũng”, “Tuần
Việt Nam”, “Dân chủ TV”, “Việt Báo TV” và “Việt Nam online” để đăng nhiều thông
tin bịa đặt, xuyên tạc. Chúng móc nối, tham gia quản trị một số trang mạng của
tổ chức khủng bố Việt Tân và một số tổ chức phản động khác.
Cùng thời gian này, tại Hà Tĩnh, cơ
quan chức năng đã phá vụ án và bắt Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi, trú tại xã Kỳ
Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cùng một số đối tượng do có hành vi kích
động, gây rối, biểu tình, đập phá tài sản. Qua điều tra phát hiện, mỗi tháng
Hóa viết, quay 16 clip, phóng sự mang nội dung xuyên tạc để chia sẻ, gửi cho
những cá nhân thuộc các tổ chức phản động và một số đài, trang mạng nước ngoài…
để nhận mức lương 1.500 USD/tháng từ tổ chức Việt Tân. Đó là sự thật ẩn sau
những nội dung y chia sẻ núp dưới danh nghĩa yêu nước, bảo vệ môi trường, vì
cuộc sống của nhân dân…
Vì vậy, để đấu
tranh có hiệu quả với những thủ đoạn trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần
tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xử lý sai phạm. Vừa qua, Bộ Thông tin và
Truyền thông đã đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của
Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông
tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên MXH hiệu quả hơn. Việc xây dựng và ban hành
“Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại
Việt Nam” cần sớm được triển khai. Hiện, Facebook đã xây dựng một kênh riêng để
giải quyết các đề nghị gỡ bỏ thông tin vi phạm MXH của Việt Nam. Sau khi Luật
An ninh mạng có hiệu lực, việc sớm đưa luật vào cuộc sống rất cần thiết. Lãnh đạo
Cục An ninh mạng (Bộ Công an) từng cho biết: Google và Facebook đều đánh giá Luật
An ninh mạng của Việt Nam là “phù hợp” và sẽ nghiên cứu để sửa chính sách của
mình phù hợp với Luật An ninh mạng của Việt Nam. Bà Ann Lavin, Giám đốc Chính
sách công và Quan hệ chính phủ của Tập đoàn Google tại châu Á-Thái Bình Dương
khi làm việc tại Việt Nam từng cho biết: “Google cam kết tuân thủ pháp luật các
nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ tôn trọng
và tuân thủ pháp luật nước sở tại Việt Nam nên việc tiếp cận các văn bản quy phạm
pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết để tuân thủ”.
Các doanh nghiệp
có vai trò quan trọng trong ngăn chặn thông tin xấu độc. Kinh nghiệm từ Bộ
Thông tin và Truyền thông cho thấy: Bộ đã phát hiện, cảnh báo cho các doanh
nghiệp quảng cáo về tình trạng Google gắn quảng cáo của nhiều thương hiệu nổi
tiếng ở trong và ngoài nước trên các video clip phản động, bịa đặt, bôi nhọ
lãnh đạo cấp cao trên kênh Youtube của Google. Chính điều này đã dẫn đến việc
các đại lý quảng cáo lớn ở Việt Nam đồng loạt dừng quảng cáo trên toàn hệ thống
của Google một thời gian. Từ cơ sở đó, Google đã đồng ý thiết lập cơ chế riêng
để Bộ Thông tin và Truyền thông có thể yêu cầu Google gỡ bỏ số lượng lớn các
video clip vi phạm trên Youtube.
Về phía các cơ
quan pháp luật, cần xử lý mạnh tay, nghiêm minh hơn nữa các hành vi vi phạm; nhất
là xử phạt một số cá nhân thông tin xuyên tạc, chống phá trên internet. Như trường
hợp Dũng vova không phải là nhà báo, không quản lý kênh truyền hình, báo chí được
pháp luật công nhận thì không thể lôi kéo, kích động người dân kiện tụng, tán
phát thông tin, thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước. Những hiện tượng
như vậy phải xử lý nghiêm minh cả người tán phát và người cung cấp thông tin,
tiếp tay cho đối tượng.
Đối với mỗi người
dùng internet và MXH cũng như người dân nói chung, phải biết “gạn đục khơi
trong” khi tiếp cận thông tin trên internet và MXH; không vì thiếu hiểu biết
hay vì sự bức xúc mà đơn giản tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng để kích động,
xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Mạnh Nguyễn
Trên các trang MXH hiện nay tràn lan các thông tin xấu, độc. Vì vậy chúng ta cần phải có sự nhìn nhận khách quan, chính xác, toàn diện về mọi vấn đề; nhất là khi tiếp nhận các thông tin trái chiều. Hãy thể hiện đúng là người Việt Nam yêu nước trong sự tỉnh táo và sáng suốt.
Trả lờiXóa