Vệ An
Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) có
vai trò, chức năng và nhiệm vụ to lớn trong việc nghiên cứu qui luật vận động
và phát triển xã hội. Do đó khác với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ,
KHXH&NV luôn luôn theo sát và phản ánh các hoạt động xã hội, phản ánh mâu
thuẫn và đấu tranh xã hội, tác động trực tiếp của con người, luôn mang trong
mình tính giai cấp, tính đảng rõ rệt. Trong các quốc gia dân tộc phát triển đất
nước mình theo con đường xã hội chủ nghĩa, KHXH&NV luôn luôn phản ánh và gắn
liền với hoạt động của Đảng Cộng sản. Vì vậy, KHXH&NV có vai trò và nhiệm vụ
quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn:
KHXH&NV, trước hết là khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt
nam có vai trò nhiệm vụ quan trọng trong việc nghiên cứu tìm tòi, phát hiện các
quy luật của sự phát triển xã hội, cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận
khoa học cho việc hoạch định đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản
Việt Nam để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới
xã hội chủ nghĩa. Như vậy có thể thấy, không thể có một Đảng Cộng sản vững mạnh
nếu không có lý luận cách mạng - lý luận Mác - Lênin. Lý luận cách mạng tạo nên
nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, Đảng được thành lập trên chính nền tảng tư
tưởng đó. Cương lĩnh hành động, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng được đề
ra cũng dựa trên nền tảng tư tưởng ấy.
Lý luận
cách mạng của Đảng Cộng sản hoàn toàn khác về chất so với các trào lưu tư tưởng
trước C.Mác và phi mác-xít ở chỗ, lý luận này không chỉ giải thích thế giới một
cách khoa học, bóc trần sự bất công ngự trị trong xã hội tư bản mà còn phân
tích rõ căn nguyên của sự bất công đó và chỉ ra con đường, biện pháp đấu tranh
nhằm kiến tạo một xã hội hoàn toàn mới. Lý luận Mác - Lênin giúp Đảng Cộng sản
xác định được nhiệm vụ chủ yếu của mình là lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp
công nhân nhằm cải biến cách mạng xã hội, giành lấy chính quyền, thiết lập
chuyên chính vô sản. Mục tiêu này chưa một lần được đề ra trong các cương lĩnh
của các đảng dân chủ - xã hội ở châu Âu. Đúng như V.I.Lênin đã viết: “Lý luận
đó đã chỉ rõ nhiệm vụ thật sự của một đảng xã hội chủ nghĩa cách mạng không phải
là đặt ra những kế hoạch cải tạo xã hội, không phải là khuyên nhủ bọn tư bản và
bọn tôi tớ của chúng cải thiện đời sống cho công nhân, không phải là sự sắp đặt
những âm mưu, mà là tổ chức cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và lãnh
đạo cuộc đấu tranh đó, mà mục đích cuối cùng là giai cấp vô sản giành lấy chính
quyền và tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa”[1]. Bởi vậy,
đối với một đảng chân chính thì lý luận khoa học do KHXH & NV mang lại là một
trong những điều kiện cơ bản cần thiết cho sự sống còn của đảng.
Tuy
nhiên, lý luận cách mạng nói riêng và KHXH & NV nói chung không phải là sự
phản ánh thụ động thực tiễn. Nó bao hàm sự tổng kết kinh nghiệm lịch sử, đi sâu
vào bản chất của các sự việc, phát hiện ra tính quy luật của chúng, vạch ra những
xu hướng khách quan, triển vọng của xã hội, Nói cách khác, KHXH & VN, nhất
là lý luận Mác - Lênin là sự tiên đoán khoa học. Sự tiên đoán khoa học này được
thể hiện ở khả năng Đảng xác định được những nhiệm vụ chủ yếu cho từng giai đoạn
cách mạng trong đường lối chính trị của mình. Nhấn mạnh tính tích cực, sáng tạo
của lý luận, V.I. Lênin còn khẳng định rằng, trước hết và trên hết, lý luận là
“kim chỉ nam cho hành động”, là điều kiện quan trọng trong việc đưa những nghị
quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Trong đấu tranh bảo vệ, phát triển nền tảng
tư tưởng của Đảng: Bảo vệ sự
đúng đắn, sáng tạo của lý luận Mác - Lênin trước sự công kích gay gắt từ nhiều
phía của kẻ thù tư tưởng đủ loại, dưới mọi hình thức là điều kiện quan trọng bảo
đảm sức mạnh của Đảng Cộng sản. Đấu tranh chống những quan điểm thù địch đối với
chủ nghĩa Mác -Lênin là một mặt quan trọng của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận
hiện nay. Vai trò của KHXH & NV lại càng trở lên quan trọng là phải đấu
tranh với những luận điệu của tư tưởng tư sản, những quan điểm sai trái, tư tưởng
bảo thủ, lạc hậu trong xã hội. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của
tình hình hiện nay, kết luận sau đây của V.I. Lênin lại càng có ý nghĩa sâu sắc:
“Vấn đề đặt ra chỉ có thế này: Hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ
nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian vì nhân loại không tạo ra hệ tư tưởng
“thứ ba” nào cả... Mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ
tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”[2]. Bất cứ sự xa rời nào những nguyên tắc cơ bản
nhất của lý luận Mác - Lênin cũng đều dẫn đến việc làm biến chất đảng từ chính
đảng cách mạng thành đảng cải lương. Nếu coi thường lý luận hay không có lý luận,
như V.I. Lênin đã từng cảnh báo, thì xu hướng cách mạng sẽ mất quyền tồn tại và
sớm hay muộn nhất định sẽ rơi vào tình trạng phá sản về chính trị, mất quyền
lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Nhất
là trước những luận điệu của những kẻ theo đuôi chủ nghĩa xét lại cho rằng, điều
kiện mới của ngày hôm nay đã quá mâu thuẫn với học thuyết Mác - Lênin. Từ chỗ
phủ nhận những luận điểm rất cơ bản của học thuyết khoa học và cách mạng này, họ
mưu toan xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin núp dưới hình thức “đổi mới” nó. Những kẻ
giáo điều, trên lời nói tuy cũng thừa nhận thực tiễn, nhưng chỉ là thực tiễn của
ngày hôm qua, thì lại cố bám lấy những luận điểm cũ không còn phù hợp và không
thể vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể đã thay đổi.
Yêu cầu đối với KHXH&NV trong tình hình
mới: Thực tiễn cách mạng hiện nay luôn đòi hỏi KHXH&NV cần phải đi sâu
phân tích một cách sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội trên cơ sở nền tảng của lý
luận Mác - Lênin. Sự tác động trở lại của lý luận đối với thực tiễn thể hiện
qua việc lý luận đưa ra những luận cứ khoa học về những nhiệm vụ và mục tiêu
cho hoạt động thực tiễn, đưa những nguyên tắc và luận điểm của lý luận cách mạng
vào cuộc sống. Trách nhiệm lịch sử luôn đòi hỏi Đảng của giai cấp công nhân là
phải đưa những tư tưởng lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học vào sâu rộng trong
các tầng lớp người lao động. Tư tưởng tự nó không thể tác động đến sự phát triển
lịch sử và cải tạo xã hội hiện thực. Thế nhưng, tư tưởng sẽ trở thành sức mạnh
vĩ đại và tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội một khi nó thâm nhập sâu rộng
vào phong trào quần chúng, động viên và tập trung họ lại trong cuộc đấu tranh
giành những mục tiêu được đặt ra.
Hiện
nay, các đảng phái theo đường lối cải lương cũng không hề lơ là trong việc
tuyên truyền, tác động tư tưởng trong phong trào quần chúng. Họ cố gieo rắc vào
các tầng lớp người lao động những ảo tưởng về một sự “thống nhất” lợi ích căn bản
trong xã hội còn những mâu thuẫn giai cấp và đối kháng giai cấp gay gắt đang tồn
tại từ bản chất của chế độ đó. Những thứ “lý sự” giả tạo, phản khoa học kiểu đó
đang được tuyên truyền không ngoài mục đích nào khác là làm cho quần chúng lao
động xa lánh cuộc đấu tranh giai cấp, ảo tưởng vào sự “thích nghi” của chủ
nghĩa tư bản. Có thể thấy tuyên truyền tư sản là phi khoa học, cũng như sự phi
khoa học của chính hệ tư tưởng tư sản. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay,
lời di huấn của V.I.Lênin càng có ý nghĩa thời sự sâu sắc hơn: “Không sao nhãng
một phút nào cái mục đích cuối cùng của chúng ta, phải luôn tuyên truyền, bảo vệ
khỏi mọi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản - học
thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”[3]. Công tác tư tưởng - đó trước hết là hoạt động
lý luận, là sự tiếp tục phát triển lý luận cách mạng trên cơ sở tổng kết thực
tiễn lịch sử - xã hội mới. Công tác tư tưởng còn bao hàm cả việc truyền bá hệ
tư tưởng Mác - Lênin và khẳng định đạo đức cộng sản chủ nghĩa trong đời sống xã
hội mới, việc giáo dục chính trị thường ngày hướng tới những hoạt động phổ biến
đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và bảo đảm sự đồng tình, ủng hộ từ
phía các tầng lớp nhân dân lao động đối với sự nghiệp cách mạng. Điều đó không
thể thiếu sự đóng góp to lớn của KHXH&NV.
Với tinh thần ấy,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ trong phương hướng xây dựng Đảng trong
sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tại Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đó là: “Kiên định chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực
tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định
đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu
của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản
lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản
chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng
viên.”[4];
“Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện
hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp
các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”[5]
Khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong
việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành, phát triển của
dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và
bản sắc văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, KHXH&NV có vai trò quan trọng trong đấu
tranh bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước yêu cầu của sự nghiệp
cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi KHXH&NV phải có sự phát triển để thực
hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quan điểm của Đảng ta.
[1]
V.I, Lênin, Toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ . Mátxcơva.
1978, tr. 321
[4]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 199.
[5]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 201.
Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, Đảng viên phải có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trả lờiXóa