Thanh Quế
Sự
phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên các thiết bị thông
minh đã thay đổi bộ mặt của xã hội, biến những điều tưởng chừng như không thể
thành có thể. Tầm ảnh hưởng của không gian mạng đã vượt xa ý nghĩa ban đầu là
phục vụ quân sự, trở thành nguyên nhân, động lực, môi trường, chất xúc tác cho
hàng loạt các thay đổi căn bản trên các mặt của đời sống xã hội loài người. Tuy
nhiên, với khả năng kết nối đa phương tiện, không giới hạn, thậm chí ẩn
danh... không gian mạng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc
gia. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William Lynn nhấn mạnh: “Không
gian mạng là một lãnh thổ quan trọng ngang hàng các lãnh thổ khác trong chiến
tranh như trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian”.
Mạng xã hội đang phát triển như một xu thế tất yếu
của thế giới hiện đại, của kỷ nguyên thông tin toàn cầu, do nhu cầu
tìm kiếm thông tin, thiết lập, duy trì các mối quan hệ cá nhân hay chia sẻ tâm
tư, giải trí của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Thông tin trên mạng
xã hội luôn có tính hai mặt, tích cực, tiêu cực và đặc biệt là trong thời
kỳ bùng nổ thông tin hiện nay, thông tin khó có sự kiểm chứng, thiếu cơ
chế kiểm soát, quản lý nên dễ dẫn đến tình trạng “không phải chịu
trách nhiệm”... gây nên tình trạng “loạn thông tin”, tác động xấu đến xã hội
Lợi
dụng vào sự bùng nổ của mạng thông tin xã hội, những hạn chế, yếu
kém trong quản lý, điều hành xã hội, những tiêu cực, tệ nạn xã hội
và đặc biệt là lợi dụng vào những bức xúc của nhân dân chậm được
quan tâm, giải quyết, các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức phản động lưu
vong người Việt đã tăng cường hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Một trong những thủ
đoạn không mới mà chúng ưu tiên là lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội vào
hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, tập trung vào những vấn đề như:
Phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên
tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc
tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; truyền bá các giá trị của xã
hội tư bản, lối sống thực dụng phương Tây; đưa tin sai lệch về tình hình nội bộ
của Việt Nam, bịa đặt việc có sự chia rẽ, mâu thuẫn trong giới lãnh đạo cấp cao
của Đảng, Nhà nước...
Thủ
đoạn mà các thế lực thù địch và bọn bất mãn, cơ hội chính trị sử dụng để
tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội là: Thiết lập các trang
web, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng nhằm lôi kéo thành viên tham
gia, tán phát tài liệu phản động và truyên truyền phá hoại tư tưởng; đăng tải
các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà
nước Việt Nam trên mạng xã hội; sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động,
kêu gọi khủng bố gây hoang mang trong dư luận xã hội hoặc đơn giản hơn có
thể là tung tin đồn nhảm, gây xôn xao, hoang mang dư luận, nhiễu loạn
nhân tâm để cho tư tưởng tư sản, độc hại có mảnh đất ăn sâu bám rễ.
Thời
gian qua, các lực lượng chức năng tổ chức nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn
hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm tuyên truyền chống Đảng, Nhà
nước trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội, đã kịp thời đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều chiến dịch
tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch... Tuy nhiên, bên cạnh những kết
quả đạt được, công tác này cũng còn những hạn chế, chúng ta chưa ngăn chặn được
triệt để các trang mạng thường xuyên cung cấp, tuyên truyền thông tin xấu, độc,
dẫn đến tác động tiêu cực tới nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối
với đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở nước ta...
Để
khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn hoạt động của
các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá cách mạng Việt Nam, thời
gian tới, cả hệ thống chính trị phải quan tâm mà trước hết là lực
lượng chuyên trách cần phải thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản
sau:
Một là, tăng
cường quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên không gian mạng và mạng xã hội.
Để
đấu tranh có hiệu quả với hoạt động tuyên truyền chống phá vấn đề cấp thiết
đặt ra là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với không gian mạng,
mạng xã hội. Theo đó, lực lượng Công an nhân dân cần chủ động tham mưu, phối hợp
với các cơ quan, ban, ngành chức năng xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật
về quản lý mạng làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước. Các văn bản quy phạm
pháp luật này phải vừa mang tính định hướng nội dung thông tin cho người dùng
Internet, vừa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố ý vi
phạm, sử dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động gây nguy hại đến an ninh
quốc gia. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để thống nhất chỉ
đạo, xác định rõ chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm, đặc biệt cần tập
trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan làm cơ sở cho
công tác phòng ngừa và đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm của các loại đối tượng
trước pháp luật.
Hai
là, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của
đối tượng để đấu tranh ngăn chặn. Theo đó, công tác nắm tình hình cần tập trung
vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường
xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ
đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, kịp
thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu,
quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết,
hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá Đảng, Nhà nước; phát hiện những bất
cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển
khai...
Ba
là, chủ động ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng xã hội được
các thế lực thù địch sử dụng vào hoạt động tuyên truyền chống phá.
Để
làm được điều đó, cần tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với mạng xã hội
và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các
trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Đồng thời, chủ động phối hợp với các
nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn
một cách triệt để. Đặc biệt, phải phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng
“tường lửa” để ngăn chặn; chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để
xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã
hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc làm nghẽn việc truy cập vào các trang
mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định.
Bốn là, đẩy
mạnh hoạt động đấu tranh phản bác luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế
lực thù địch trên mạng xã hội.
Các
lực lượng chuyên trách cần tính toán thiết lập và sử dụng các trang web,
blog, diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền phản bác, định
hướng dư luận hoặc tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”
được đối tượng sử dụng; mở rộng đội ngũ cộng tác viên có khả năng đưa tin, viết
bài; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác; thường xuyên tổ chức
các buổi “nói chuyện cảnh giác” hoặc chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với
các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh phản bác...
Năm
là, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc đấu
tranh, xử lý đối tượng cầm đầu
Thu
thập, củng cố tài liệu, chứng cứ phản ánh hành vi phạm tội của đối tượng, phong
tỏa thông tin... nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh, xét xử đối tượng
trước pháp luật. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thận trọng việc lựa chọn thời điểm
tiến hành, tội danh áp dụng, không để tạo ra những sơ hở, thiếu sót cho các thế
lực thù địch lợi dụng vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, tạo cớ can thiệp
vào quá trình điều tra, xử lý đối tượng. Khi cần thiết, phải công khai vạch trần
bản chất, hoạt động vi phạm pháp luật của đối tượng và biện pháp xử lý của lực
lượng chức năng để hướng dư luận đồng tình, ủng hộ.
Thế
giới kết nối làm con người gần nhau hơn, hưởng lợi và chấp nhận thách thức nhiều
hơn. Tận dụng tốt mọi cơ hội, thế giới kết nối sẽ mang lại sự phát triển vượt bậc
về kinh tế, xã hội cũng như nên hòa bình trên phạm vi toàn cầu; ngược lại, nếu
không giải quyết tốt các thách thức sẽ dẫn đến thảm họa khó lường. Đấu tranh
ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội tiếp tục
là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào
cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng, phương tiện trong
thời gian tới.
Các thế lực thù địch rất điên cuồng chống phá Việt Nam; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.
Trả lờiXóa