Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

LẠI BÀN VỀ ĐỐI TÁC, ĐỐI TƯỢNG



                                                               TPhan Tất Đạt

Khi nghiên cứu về vấn đề đối tác, đối tượng chúng ta có thể phân chia một cách tương đối thành một số dạng thức như sau:
- Đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ XHCN, sử dụng đòn tiến công chính là “DBHB”, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để thay đổi chế độ ta. Khi có điều kiện, thời cơ, nhất là khi ta phạm sai lầm trong xử lý các tình huống chiến lược, chúng sẽ kích động gây bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh, với các dạng thức mới: chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, kinh tế, tài chính, chiến tranh mạng,... Với đối tượng này, chúng ta cần tiếp tục phát triển, mở rộng quan hệ đối tác toàn diện một cách chủ động, thận trọng, giữ đúng nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không làm ảnh hưởng đến các nước khác; tận dụng mọi cơ hội mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực có thể hợp tác, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.
- Đối tượng có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ, ngấm ngầm thực hiện âm mưu xâm lấn biên giới, biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của ta. Họ công khai thực hiện “chiến lược biên giới mềm” nhằm kiềm chế, chi phối chính sách đối nội, đối ngoại, buộc ta phải đi vào quỹ đạo, nhượng bộ về chủ quyền, lợi ích quốc gia. Khi có thời cơ, có thể gây xung đột vũ trang, chiến tranh chiếm giữ lãnh thổ, chiếm đoạt tài nguyên của nước ta. Với đối tượng này, cần tranh thủ những điểm tương đồng, hạn chế bất đồng, tăng cường sự tin cậy về chính trị, dựa trên đối sách linh hoạt, thực tế, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia và chế độ XHCN.
Đối tượng do bị tác động của“DBHB” dẫn đến “tự chuyển hóa” có thể gây ra “biến động chính trị”, hoặc tự giác trở thành đồng minh của đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ ta. Đối tượng này gồm: các phần tử thoái hoá biến chất, cơ hội chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đây là lực lượng “giấu mặt”, có thể nằm trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hòng chống phá từ bên trong. Với đối tượng này “cần phải kịp thời ngăn chặn, xử lý những kẻ chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố” kết hợp với giáo dục, cảm hóa. Chủ động đấu tranh với âm mưu, hoạt động “DBHB” của các thế lực thù địch. Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập dưới bất kỳ hình thức nào.
- Đối tượng gây thảm họa thiên tai, môi trường có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế, chính trị - xã hội, tạo cơ hội để các đối tượng khác lợi dụng khoét sâu, thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. Chúng có thể ở trong và ngoài nước thực hiện âm mưu hủy hoại nguồn nước, phá hoại môi trường, bất chấp lợi ích của quốc gia, dân tộc,... nhằm đạt được mục tiêu chính trị nhất định. Đây là loại đối tượng mới, cần đặc biệt quan tâm. Với đối tượng này, nếu thuộc nội bộ cần kiên trì “lấy giáo dục, thuyết phục là chính, đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật”. Nếu thuộc đối tượng bên ngoài, cần kiên trì đàm phán hòa bình, dựa vào luật pháp, công ước quốc tế, tranh thủ các tổ chức khu vực, tổ chức quốc tế, không để mâu thuẫn tăng cao đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội của ta.
Bên cạnh đó, cần thống nhất nhận thức về sự chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Trong lịch sử, một số chính trị gia đã sớm rút ra kết luận: “không có đồng minh vĩnh viễn và kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích dân tộc là lâu dài”. Luận điểm này được các quốc gia ngày càng nhận thức rõ ràng hơn. Vì thế, đến nay các nước rất coi trọng mở rộng quan hệ đối tác ở các cấp độ khác nhau tùy theo lợi ích dân tộc. Đối với nước ta, quá trình hội nhập quốc tế, cần đa dạng hóa về nội dung, hình thức quan hệ, hợp tác, góp phần đưa quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống,... Trên cơ sở đó, không ngừng củng cố, tăng cường sự tin cậy về chính trị, đồng thời chủ động đấu tranh ngăn ngừa, không để các thế lực thù địch, lôi kéo chuyển hóa gây bất lợi cho ta.
Vì vậy, nhận thức đây đủ, sâu sắc, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa “đối tác” và “đối tượng” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế là yêu cầu khách quan đặt ra đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh phức tạp và đầy biến động của tình hình thế giới, khu vực, quan điểm:“hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh” được Đảng bổ sung mới trong Văn kiện Đại hội XII có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa “hợp tác” và “đấu tranh” trong hội nhập quốc tế hiện nay là cơ sở quan trọng, góp phần đưa nước ta vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa