Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

CÓ PHẢI CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN LÀ MẤT DÂN CHỦ?


CÓ PHẢI CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN LÀ MẤT DÂN CHỦ?
 Ngọc Hương

Trong chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới, chúng thường lớn tiếng rêu rao chế độ một Đảng Cộng sản cầm quyền đang thủ tiêu dân chủ? Những tác giả của luận điệu sai trái này cố tình làm ngơ trước các vấn đề đã được đúc kết thành giáo khoa sơ đẳng về dân chủ, đồng thời trắng trợn vu khống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam .
Để làm rõ vấn đề, trước hết cần xác định “dân chủ” đang nói ở đây là dân chủ nào, dân chủ của ai và dân chủ cho ai?
Với tư cách là hình thức chế độ chính trị của đất nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Trong thiết chế dân chủ, quyền của công dân, tính tối cao của pháp luật được thừa nhận; những cơ quan quyền lực nhà nước đều do bầu cử mà ra. Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Mặt khác, dân chủ gắn liền với hình thức tổ chức nhà nước, nên không bao giờ có một thứ dân chủ "thuần tuý”, mà dân chủ bao giờ cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc.
Sự phát triển của lịch sử trên nền móng của sự phát triển các lực lượng sản xuất với trình độ xã hội hoá ngày càng sâu rộng của nó tạo ra những tiền đề khách quan để phủ nhận phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp tư sản và tính tích cực của nền dân chủ tư sản. Đó cũng chính là quy luật phát triển nội tại của nền dân chủ xã hội, của bước chuyển biến lớn lao từ nền dân chủ tư sản sang nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.
Cơ sở kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Vì thế, dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản khác nhau về bản chất và về trình độ với tư cách là những xã hội nối tiếp nhau trong nấc thang từ thấp lên cao của xã hội loài người.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho nên, nó chỉ có thể thực hiện được bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn thể xã hội thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản. Chỉ giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại nhân dân lao động và mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng lao động, giải phóng xã hội và giải phóng con người mới có khả năng thiết lập được một nền chuyên chính vừa bảo đảm dân chủ cũng như các lợi ích căn bản khác của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc các đảng cộng sản ở các nước vươn lên khẳng định vị trí đảng cầm quyền duy nhất sau khi đã giành được chính quyền cũng là một quy luật gắn chặt với tiến trình đấu tranh vì nền dân chủ. Một đảng cầm quyền như vậy, không lẽ nào đi ngược lại mà phải thống nhất từ bản chất, mục tiêu, phương thức của một nền dân chủ vì quyền lực và lợi ích của đa số những người lao động. Sự cầm quyền (tức vai trò lãnh đạo của Đảng), quyền lực của đông đảo nhân dân gắn bó hữu cơ, khăng khít với nhau.
Tiếp theo, hãy thử nhìn sang nền dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhất là các nước tự xưng là tự do nhất, dân chủ nhất. Như đã biết, đa nguyên về chính trị và đa đảng đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay. Vì mục tiêu giành lấy chính quyền để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình, các đảng chính trị tư sản thể hiện rõ nhất vai trò và thế mạnh của mình trong các cuộc tranh cử, đến lượt mình, vận động tranh cử trở thành một trong những chức năng quan trọng nhất khẳng định sự tồn tại của các chính đảng.
Bầu cử dưới chế độ tư sản là một chế định pháp luật của nhà nước tư sản được quy định rất chặt chẽ, nhưng từ xưa đến nay vẫn luôn luôn diễn ra những cuộc bầu không công bằng, thậm chí là gian lận. Mỹ là nước thường tự cho mình là có nền dân chủ cao như "khuôn thước" để các nước khác phải noi theo, có nhiều đảng phái chính trị, nhưng hầu như trong suốt lịch sử chỉ là sự luân phiên kiểm soát của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.
Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều "tự do", "bình đẳng" trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng.
Mặt khác, chế độ đa đảng ở phương Tây, xét trong thực chất, cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Qua tổng tuyển cử, đảng có đa số phiếu thì lập chính phủ điều hành công việc, các đảng khác là đối lập, mà chính các học giả tư sản gọi là đối lập trung thành, nghĩa là không thách thức các thể chế chủ yếu của chế độ tư bản, chỉ phê phán và phản đối một số chính sách cụ thể của chính phủ. Mỗi khi phái đối lập giành thắng lợi trong tuyển cử và lên cầm quyền, thì họ vừa khuếch trương lợi thế chính trị của thế lực tư bản mà mình là đại diện, cố gắng duy trì và củng cố chế độ tư bản chủ nghĩa.
Tính chất nhất nguyên tư sản càng khẳng định không bao giờ được lãng quên tính giai cấp của nền dân chủ. Đúng như V.I.Lênin tổng kết: "... đảng thống trị của chế độ dân chủ tư sản chỉ cho một đảng tư sản khác được quyền bảo hộ thiểu số; còn đối với giai cấp vô sản, thì trong mọi vấn đề trọng đại, sâu sắc, cơ bản thay cho "quyền bảo hộ thiểu số" thì có luật giới nghiêm hay những cuộc tàn sát. Chế độ dân chủ càng phát triển, thì trong trường hợp có sự chia rẽ về chính trị sâu sắc và nguy hiểm cho giai cấp tư sản, nó càng tiến gần đến tàn sát hay nội chiến". Qua thể chế bầu cử ở các nước tư bản phương Tây, chúng ta cũng thấy rất rõ rằng, tiền bạc ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống chính trị và làm hoen ố nền dân chủ của nó. Từ trước đến nay, cả pháp luật và văn hóa tư sản hầu hết đều bảo vệ và đề cao người giàu. Người giàu được coi là những phần tử ưu tú, còn người nghèo bị khinh rẻ, bị coi là gánh nặng, là nguồn gốc của những tệ nạn xã hội và tội phạm. Pháp luật Mỹ quy định người ứng cử vào các cơ quan quyền lực phải có một lượng tài sản lớn làm vật bảo đảm. Ngoài ra, các ứng cử viên còn phải có tiền để tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử hết sức tốn kém. Do đó, trên thực tế, chỉ có những triệu phú, tỷ phú mới có cơ hội tham gia bộ máy chính quyền. Cái gọi là "nền dân chủ Mỹ" chỉ là nền dân chủ của nhà giàu. Tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25-11-2000 viết: "Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất". Có thể gọi đấy là nền dân chủ đấu giá. Tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cùng ngày đã ví thói mê tiền như là "căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ". Một chính quyền được tạo lập bởi đồng tiền, thì tất yếu phải hướng đến phục vụ những kẻ nhiều tiền, chứ không thể là một "chính quyền của tất cả mọi người" mà các lý luận gia của họ rêu rao. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri của họ lột trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử ngày càng gia tăng.
Như vậy, dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong thực tế, nhà nước nói riêng và xã hội nói chung đều phải do một đảng lãnh đạo. Có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị.
Trong các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản là tổ chức thực hiện sự thống trị của giai cấp vô sản, cho nên sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với hệ thống chính trị là điều đương nhiên. Điều đó được thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được thể chế hoá trong toàn bộ hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và phát triển của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ khi ra đời đến nay, Đảng là nhân tố bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải lấy ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử, mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan cho việc hình thành chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị.
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện chân chính nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo Đảng ta cũng là người sáng lập và lãnh đạo Nhà nước ta trong nhiều năm, đã khẳng định: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác". Chính lịch sử của Đảng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của cuộc đấu tranh cho việc thực hiện một chế độ dân chủ và nhân đạo của nhân dân. Ở Việt Nam cũng đã có lúc có nhiều đảng, nhưng những đảng khác đã không vượt qua được những thử thách gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân chủ, sứ mệnh lịch sử của dân tộc ta chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam gánh vác. Những lần vượt qua khó khăn, thách thức đã thể hiện bản lĩnh vững vàng và trách nhiệm lớn lao của Đảng đối với vận mệnh của dân tộc và cuộc sống, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng đã tuyên bố thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), tiến hành tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp để thể chế hoá quyền lực của nhân dân lao động. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm khẳng định nguồn gốc của chính quyền nhà nước là ở nhân dân, đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của mình và bản thân Đảng cũng tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam còn khẳng định dân chủ là quy luật hình thành và tự hoàn thiện của cả hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa: "Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới".
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Một trong những đặc trưng cơ bản của Đảng vô sản kiểu mới là thừa nhận và thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn bộ hoạt động của mình. Trung thành với các nguyên lý xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ khi được thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, củng cố về tư tưởng, chính trị và tổ chức, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Dù diễn đạt tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung thì đây là một nguyên tắc hoàn chỉnh và hai khái niệm đó thống nhất với nhau cả về bản chất và nội dung. Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý: Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau và Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung.
Trong khi khẳng định mạnh mẽ và kiên định chế độ dân chủ do một Đảng Cộng sản cầm quyền, Đảng ta không bao giờ quên lời di huấn của V.I. Lênin về các nguy cơ của một đảng cầm quyền, trong đó, sâu xa nhất là nguy cơ mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ chân chính của nhân dân. Thái độ tôn trọng dân chủ và năng lực thực hành dân chủ trở thành một trong những tiêu chuẩn thiết yếu trong hoạt động của Đảng. Trong công tác lãnh đạo và vận động quần chúng, Đảng Cộng sản cầm quyền phải đặc biệt chú trọng giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên về văn hoá dân chủ. Đây là vấn đề cốt lõi trong văn hoá chính trị của Đảng. Trình độ văn hoá dân chủ và văn hoá chính trị là một trong những thước đo về trình độ trưởng thành và bản lĩnh văn hoá của Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ cho toàn thể quần chúng lao động, do đó, nó không chấp nhận sự chia rẽ xã hội, không thể tạo ra những lực lượng đối lập, đối kháng trong xã hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Nhân danh các chiêu bài "dân chủ”, "nhân quyền", "đa nguyên, đa đảng" để kích động, gây chia rẽ, hận thù chỉ là thủ đoạn phục vụ mưu đồ chống nhân dân và dân tộc, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của các lực lượng thù địch muốn xoá bỏ Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế- xã hội còn kém phát triển, dân trí còn thấp, các thiết chế còn chưa hoàn thiện,...của Việt Nam hiện nay, nếu không có sự lãnh đạo tập trung của Đảng Cộng sản thì dân chủ sẽ rất dễ bị vi phạm.
Với mục tiêu phát huy đầy đủ quyền và năng lực làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, kiến tạo nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn các chế độ dân chủ đã có trong lịch sử, Đảng Cộng sản cầm quyền - trong điều kiện chỉ có duy nhất một đảng Cộng sản hay có nhiều đảng, nhưng Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng duy nhất lãnh đạo - vừa thông qua bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân, vừa phải phát huy cao độ vai trò của Mặt trận với tính cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, tham gia đắc lực vào việc xây dựng, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước và các cơ quan nhà nước. Dân chủ, tập trung dân chủ trong Đảng gắn chặt với dân chủ, tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ; dân chủ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng phải gắn với dân chủ, nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hệ thống Mặt trận.
Nếu tiến hành tốt nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình, Mặt trận không chỉ làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, mà còn là lực lượng phản biện xã hội góp phần đắc lực khắc phục nguy cơ quan liêu, chủ quan trong việc hình thành đường lối, chủ trương của các cấp bộ đảng. Với tính cách là phương thức tối cần thiết để phát huy rộng rãi trí tuệ, tinh thần xây dựng và tính chiến đấu của toàn thể đội ngũ đảng viên, dân chủ trong Đảng phải là kiểu mẫu, là lực đẩy dân chủ trong xã hội. Rất nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được đưa vào văn kiện chính thức của Đảng. Một sự khảo nghiệm, phản biện và đóng góp trí tuệ rộng rãi, cầu thị và dân chủ như vậy đã được Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành. Điều tương tự chưa từng diễn ra ở bất cứ nơi nào khác. Các đảng tư sản và thiết chế dân chủ tư sản, trong lịch sử hàng trăm năm của mình, càng chưa bao giờ làm được như vậy.
Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua những thử thách của lịch sử, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn luôn biết tự đổi mới, chứ không phải một lực lượng nào khác có thể đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu lịch sử, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Một đảng như thế đủ sức đảm đương vai trò là lãnh tụ chính trị của xã hội, của dân chủ mà không cần có một lực lượng đối lập nào.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa