Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

CẦN CÓ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN CÁC THÔNG TIN SAI LỆCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI


Ninh Bắc
Trong thời đại ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là trên mạng xã hội nhiều kênh như kênh YOUTUBE đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, trong khi đó mô hình quản lý thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống, bộc lộ nhiều bất cập. Tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí vi phạm đó không chỉ trong nước mà còn có tính quốc tế, xuyên quốc gia. Ngoài ra, một số quy định pháp luật xử lý về vấn đề này chưa được hoàn thiện. Mỗi khi xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc thì cần có chứng cứ, phải được các cơ quan chức năng giám định.

Đề khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần phải thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất: Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh, xử lý kiên quyết với những hành vi xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Trước hết, mọi người phải thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng đã được thông qua. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng và có các quy định pháp luật cụ thể để xử lý kịp thời, đủ sức răn đe, ngăn chặn mọi hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, làm nhục người khác trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
Thứ hai: Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh thông tin để bảo đảm an ninh mạng. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với những trang mạng có nội dung xấu; thanh tra xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong ngăn chặn cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện những yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật từ Việt Nam.
Thứ ba: Đối với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng, Bộ Công an nhanh chóng củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của các doanh nghiệp và cộng đồng mạng trong việc chung tay với Nhà nước xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Đây sẽ là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan có thể triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng mang tính đặc thù, chuyên ngành, phù hợp với các đối tượng điều chỉnh cụ thể.
Thứ tư: Về kỹ thuật, công nghệ chúng ta sớm xây dựng một Trung tâm quốc gia về an toàn thông tin trên không gian mạng để giám sát đánh giá những thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng. Sau đó, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước yêu cầu họ tuân thủ làm sao chúng ta có thể sàng lọc được những thông tin xấu độc, làm cho không gian mạng lành mạnh hơn trong thời gian tới./.
                                                 


1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa