Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

SỰ CẦN THIẾT CỦA LUẬT AN NINH MẠNG CỦA VIỆT NAM TRONG NGĂN CHẶN, XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC THÔNG TIN SAI LỆCH TRÊN MẠNG



Hiện nay, tình trạng trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm, đã có rất nhiều phát ngôn xúc phạm đến các bộ trưởng trên mạng xã hội. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc và những người liên quan đến vấn đề này.
Mặc dù vậy, những hành vi này chưa thể ngăn chặn được, còn có nhiều khó khăn khi mạng xã hội đã đang trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, trong khi đó mô hình quản lý thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống, bộc lộ nhiều bất cập. Thông tin trên mạng mang tính nặc danh, không chỉ trong nước mà còn có tính quốc tế, xuyên quốc gia. Ngoài ra, một số quy định pháp luật xử lý về vấn đề này chưa được hoàn thiện. Mỗi khi xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc thì cần có chứng cứ, phải được các cơ quan chức năng giám định. Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh, xử lý kiên quyết với những hành vi xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng.
Ngày 12-6-2018, tại phiên họp thứ 5, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với số phiếu biểu quyết tán thành 86,86%. Luật gồm 7 chương, 43 điều và có hiệu lực thi hành từ 01-01-2019. Đây là bộ luật được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mong đợi và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới hoan nghênh, ủng hộ.
Các thế lực thù địch, phản động dùng đủ mọi thủ đoạn để chống phá Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua. Chúng ráo riết cắt dán, gán ghép câu chữ để viết bài, phát tán các clip trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội loan tin vu cáo, kích động, lừa bịp người dân cả tin rằng: Luật An ninh mạng Việt Nam vi phạm nhân quyền; chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là sử dụng Luật An ninh mạng và yêu cầu nhà mạng đặt máy chủ lưu chữ dữ liệu người dùng ở trong nước; khi thực thi luật này, người dân không được sử dụng các trang như google, facebook...; khi áp dụng Luật, người dùng phải cung cấp toàn bộ thông tin cho nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư... Đây là những luận điệu hết sức sai trái, nhiều nội dung vu khống và phản động.
Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng và có các quy định pháp luật cụ thể để xử lý kịp thời, đủ sức răn đe, ngăn chặn mọi hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, làm nhục người khác trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với những trang mạng có nội dung xấu; thanh tra xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong ngăn chặn cung cấp thông tin xuyên tạc, sai sự thật; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện những yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật từ Việt Nam.
Đối với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng, Bộ Công an nhanh chóng củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của các doanh nghiệp và cộng đồng mạng trong việc chung tay với Nhà nước xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Đây sẽ là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan có thể triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng mang tính đặc thù, chuyên ngành, phù hợp với các đối tượng điều chỉnh cụ thể.
Hướng tới, nước ta sẽ xây dựng Trung tâm quốc gia về an toàn thông tin trên không gian mạng để giám sát đánh giá những thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước yêu cầu họ tuân thủ làm sao chúng ta có thể sàng lọc được những thông tin xấu độc, làm cho không gian mạng lành mạnh hơn trong thời gian tới.
Như vậy, trước ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc Luật an ninh mạng của Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân cần chủ động nghiên cứu, nhận thức đúng và tuyên truyền cho nhân dân nơi đơn vị đóng quân về sự cần thiết phải ban hành luật này, cũng như bản chất khoa học, tính đúng đắn, nhân văn của Luật. Qua đó, lên án, phản bác và vạch trần các hành vi, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Luật An ninh mạng của Việt Nam.
- Ngọc Quân -






1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa