MGD
Đường lối đúng đắn
của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhận thức đúng đắn về vấn đề đó, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch
luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng qua
các giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Do vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đường lối
của Đảng đối với đội ngũ cán bộ quân đội, góp phần vào cuộc đấu tranh chống các
quan điểm sai trái hiện nay là một trong những yêu cầu trong dạy và học môn học
Lịch sử Đảng ở các nhà trường quân đội. Nâng cao chất lượng giáo dục đường lối
của Đảng, cần nắm vững một số yêu cầu cơ bản sau đây:
Một là, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong hoạch định đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng.
Một trong những luận
điệu phổ biến của các thế lực thù địch là luôn tách rời đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng với hoàn cảnh lịch sử, nhu cầu và những vấn đề
mà thực
tiễn cách mạng đang đòi hỏi họ thường
lấy ý muốn chủ quan thay thế cho hiện thực khách quan. Vì vậy, làm rõ cơ sở lý
luận và thực tiễn của đường lối là yêu cầu không thể thiếu để đấu tranh chống
các quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch hiện nay. Chủ nghĩa
Mác-Lê-nin là học thuyết cách mạng, khoa học chỉ ra cho giai cấp vô sản và quần
chúng nhân dân lao động con đường đấu tranh để tự giải phóng mình. Tư tưởng Hồ
Chí Minh là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào điều kiện
cụ thể của cách mạng nước ta. Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ
nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã giải đáp kịp thời và chính
xác hàng loạt vấn đề chiến lược, sách lược đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác. Do đó, giáo dục đường lối của Đảng phải làm rõ cơ
sở lý luận Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các quan điểm, đường lối đó.
Sự nghiệp cách mạng
của giai cấp vô sản bao giờ cũng gắn chặt giữa lý luận với điều kiện lịch sử,
xã hội của mỗi dân tộc. Cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Cuộc cách
mạng của giai cấp vô sản ở trong những thời điểm cụ thể, mục tiêu, yêu cầu,
nhiệm vụ cách mạng cũng đặt ra những nội dung rất cụ thể. Lê-nin đã căn dặn
những người cộng sản rằng: mỗi một nhiệm vụ chính trị phải được đặt đúng trong
hoàn cảnh cụ thể. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta luôn gắn chặt
với đặc điểm, điều kiện của đất nước, của dân tộc, trình độ và khả năng giác
ngộ cách mạng của quần chúng; đường lối đó còn là sự phản ánh đúng lợi ích, nguyện
vọng chính đáng của quần chúng trong những thời kỳ cách mạng cụ thể nhằm giải
đáp những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Giáo dục đường lối, chiến lược, sách
lược của Đảng mà tách rời khỏi những bối cảnh lịch sử cụ thể sẽ làm mất đi tính
cách mạng, khoa học của nó. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua trong
quá trình hoạch định đường lối chiến lược, sách lược của mình, Đảng ta luôn gắn
bó chặt chẽ lý luận Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn đất nước,
khả năng nguyện vọng của quần chúng và nhu cầu đòi hỏi của cách mạng
trong từng giai đoạn, thời kỳ cụ thể. Chính bằng đường lối đúng đắn, sự trung
thành tận tụy, anh dũng hy sinh của hàng triệu đảng viên và quần chúng nhân dân
đã biến đường lối của Đảng thành hiện thực… Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 70 năm
qua đã giữ trọn được niềm tin của nhân dân, trao cho sứ mạng cao cả lãnh đạo
cách mạng. Vì vậy, mọi thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch dù
có nham hiểm đến đâu nhằm phủ nhận tính đúng đắn của đường lối sẽ không thể
đứng vững được, trước sự luận giải mang tính cách mạng và khoa học đó.
Hai là, giáo dục đường lối của Đảng phải nắm vững sự thống nhất biện chứng giữa
vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản của cách mạng, mục tiêu chiến lược với mục
tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp cụ thể.
Để có đường lối đúng, Đảng ta luôn thực hiện nguyên
tắc tập trung dân chủ, lắng nghe, tôn trọng những đóng góp ý kiến của cán bộ,
đảng viên, các nhà khoa học và mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng lợi dụng cơ chế dân
chủ đó, các thế lực thù địch dùng chiêu bài "thư góp ý", "kiến
nghị"… với Đảng để phát tán tài liệu mang nội dung xấu, muốn lái đường lối
của Đảng sang một hướng khác. Gần đây, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX của Đảng, có một số người tự nhận là người "tâm huyết" vì dân tộc
và đã hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tự cho mình cũng là
những người muốn "đổi mới triệt để trọn vẹn"… nhưng đổi mới theo
hướng nào thì họ lại đưa ra các quan điểm mập mờ để rồi đi tới mục tiêu xoá bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận vai
trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng v.v.. Như vậy, thực
chất những quan điểm trên là nhằm xoá bỏ những vấn đề có tính nguyên tắc và mục
tiêu chiến lược của cách mạng.
Trong đường lối của
Đảng, mục tiêu chiến lược và mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể luôn có mối quan hệ tác
động lẫn nhau. Trong đó, mục tiêu chiến lược giữ vai trò định hướng cho mục
tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp cụ thể. Trên cơ sở đường lối chiến lược
đã được xác định, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng thời kỳ cách
mạng phải luôn sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện khách quan, chủ quan
cho phép để giành thắng lợi từng bước cho đúng. Chúng ta đều hiểu rằng, mọi sự
sai lầm, khuyết điểm đều có những tác hại của nó, song tệ hại nhất, nguy hiểm
nhất, là sai lầm thuộc vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản của cách mạng, vì đó là
ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa chủ nghĩa xã hội hay không
phải chủ nghĩa xã hội,… Do đó, giáo dục đường lối của Đảng trong sự thống nhất
biện chứng giữa những vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản của cách mạng, mục tiêu
chiến lược với mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương và những giải pháp cụ thể, là cơ
sở để đấu tranh và phân biệt đâu là sự chân tình muốn đóng góp xây dựng đường lối
của Đảng, đâu là sự lợi dụng dân chủ để làm sai lệch đường lối, quan điểm của
Đảng, chống lại sự nghiệp cách mạng theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân
ta đã lựa chọn.
Ba là, làm rõ giá trị, ý nghĩa các thành tựu của cách mạng
qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng để khẳng định sự
đúng đắn của đường lối.
Một
trong những thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch là
luôn tìm mọi cách hạ thấp, làm sai lệch nhận thức đối với những thành tựu của
cách mạng. Họ đưa ra những nhận định, so sánh, đánh giá thấp các thành tựu của
cách mạng, nhằm hạ thấp công lao to lớn của Đảng, của cách mạng, đòi hỏi xem
xét lại lịch sử và đường lối của Đảng.
Thực tiễn là tiêu
chuẩn của chân lý. Đường lối đúng đắn của Đảng phải được thể hiện trong thực
tiễn, đưa lại thắng lợi của cách mạng. Những giá trị thắng lợi của cách mạng là
minh chứng hùng hồn về năng lực lãnh đạo của Đảng. Mỗi thành tựu của cách mạng
luôn gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Thành quả đó là sự đóng
góp bằng mồ hôi và cả xương máu của các thế hệ người Việt Nam. Do vậy, khi lý
giải những thành tựu của cách mạng, không phải chỉ là những con số đơn thuần,
những ưu điểm mang tính liệt kê…, mà phải biết phân tích, lý giải những giá
trị, ý nghĩa của nó. Ví dụ, chúng ta không thể đơn thuần đem so sánh thành tựu
kinh tế - xã hội hiện nay với thành tựu kinh tế - xã hội sau Cách mạng Tháng
Tám để từ đó phủ nhận đường lối, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của Đảng
trong thời kỳ đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng (1945-1946). Giá trị
đích thực của mọi thành tựu phải được đặt đúng trong những điều kiện, hoàn cảnh
cụ thể. Mỗi thành tựu là những con số "biết nói" để khẳng định hiện
tại, mở đường cho bước phát triển tiếp theo. Ngay những năm đầu của công cuộc đổi
mới, thành tựu của chúng ta chưa đạt như mong muốn đã có người muốn đòi xem xét
lại đường lối đổi mới của Đảng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6
khóa VI (3/1989) trên cơ sở xem xét khách quan, khoa học Đảng ta đã khẳng định:
Chúng ta đã thấy rõ hướng đi, những giải pháp và có thêm những thuận lợi mới để
từng bước đưa nước ta vượt ra khỏi giai đoạn khó khăn…
Mỗi thắng lợi của
cách mạng là những nấc thang kế tiếp, làm tiền đề cho nhau để đi tới thắng lợi.
Mỗi thành tựu được xem xét trong hoàn cảnh cụ thể, điều kiện khách quan, chủ
quan cho phép, với đầy đủ giá trị, ý nghĩa của nó mới đánh giá đúng công lao
của Đảng và nhân dân ta. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động lãnh đạo cách
mạng, Đảng ta không tránh khỏi sai lầm, vấp váp của mình. Những sai lầm, thiếu
sót đó đã được Đảng sớm phát hiện và công khai thừa nhận, điều đó chứng tỏ Đảng
biết tin vào mình, tin vào nhân dân, quyết tâm sửa chữa để làm tròn vai trò
lãnh đạo cách mạng. Mặc dầu vậy, hiện nay các thế lực thù địch vẫn triệt để lợi
dụng cường điệu một số sai lầm, vấp váp của Đảng, từ đó cho rằng chuyển sang
thời kỳ mới Đảng không còn khả năng lãnh đạo cách mạng nữa. Luận giải đúng
những thành tựu và chỉ rõ khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng với đầy đủ tính cách mạng, tính khoa học
của nó là cơ sở để Đảng ta không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung hoàn chỉnh
đường lối. Đây cũng là luận cứ đanh thép để khẳng định vai trò lãnh đạo của
Đảng và đập lại mọi sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch.
Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.
Trả lờiXóa