Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Chiến tranh Biên giới 1979: Góc nhìn của một người Mỹ



Bài học từ cuộc chiến tranh là dành cho ngay Bắc Kinh, đó là quân đội Trung Quốc không đủ khả năng, trình độ thực hiện một cuộc chiến tranh hiện đại...
                                                                                         NVQ
Đúng ngày này cách đây tròn 40 năm – ngày 17/2/1979 – đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc khi quân đội Trung Quốc tràn sang xâm lược nước ta. Giới lãnh đạo Bắc Kinh lúc đó cho rằng họ tấn công Việt Nam là “dạy cho Việt Nam một bài học” – điều mà ông Brzezinsky, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Carter đã rất ngạc nhiên.

40 năm trôi qua, vết tích của cuộc chiến tranh năm xưa đã dần nhạt phai theo thời gian, song ký ức về cuộc chiến thì chưa thể nhạt nhoà theo năm tháng vì nó quá ác liệt.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin trích lọc và giới thiệu góc nhìn của một người am hiểu hiểu về lịch sử khu vực Đông Dương và hiểu rất rõ về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là nhà báo nổi tiếng Nayan Chanda qua tác phẩm Brother Enemy: The War After the War – tạm dịch là Huynh đệ tương tàn: Chiến tranh tiếp diễn.
Nhà báo Nayan Chanda là Người sáng lập và là Tổng biên tập của YaleGlobal online, một Tạp chí trực tuyến chuyên viết về toàn cầu hóa, thuộc Đại học Yale của Hoa Kỳ.
Ông Chanda từng là phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông - Far Eastern Economic Review. Ông cũng là thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington.
Ông Nayan Chanda là tác giả và đồng tác giả nhiều cuốn sách về các vấn đề Đông Nam Á, ông có mặt tại Việt Nam cả trước và sau khi Việt Nam thống nhất. Qua tài liệu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, có thể nhận diện góc nhìn của ông Chanda về cuộc chiến thể hiện dưới hai khía cạnh, đó là lý do Trung Quốc thất bại và bài học cho Bắc Kinh qua cuộc chiến.
Trung Quốc thất bại vì vũ khí mới nhưng kỹ - chiến thuật tác chiến lại quá lạc hậu
Theo nhà báo Nayan Chanda thì Trung Quốc đã cho Mỹ biết trước thời gian diễn ra cuộc chiến, hy vọng Mỹ kiềm chế Liên Xô vì Washington cho biết không thiên về Bắc Kinh hay Moscow. 
Đúng 6 tiếng đồng hồ trước khi trận chiến nổ ra, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ khi đó là Chai Zemin đã chuyển tới Nhà Trắng một bức điện thông báo việc Bắc Kinh bắt đầu “tự bảo vệ” chống lại Việt Nam.
Bắc Kinh chọn thời điểm khai hoả khi Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đang viếng thăm Trung Quốc sau 15 quan hệ Ấn – Trung băng giá. Điều đó được xem là một cách đánh lừa dư luận và khiến Việt Nam chủ quan, bởi không ai nghĩ Bắc Kinh sẽ tấn công một nước bạn của Ấn Độ khi Ngoại trưởng nước này đang thăm viếng Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bất chấp.
Và rồi rạng sáng ngày Thứ Bảy, 17/2/1979, quân đội Trung Quốc đã điên cuồng tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Hàng trăm đại bác 130ly, đại bác tầm xa 122ly, các dàn phóng hỏa tiễn đa năng đổ lửa xuống các tỉnh vùng biên giới của Việt Nam với mức độ một giây một quả.
“Mức độ pháo dày đặc, tiếng nổ rền như tiếng bom B-52”, Brother Enemy: The War After the War dẫn lời một nhà báo Mỹ tường thuật trực tiếp từ chiến trường.
85.000 ngàn binh lính Trung Quốc có xe thiết giáp yễm trợ, tràn qua Việt Nam tại 26 địa điểm dọc theo biên giới Việt - Trung. Bắc Kinh sử dụng chiến thuật “biển người” trong chiến tranh Triều Tiên, khi đẩy hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc cố gắng đánh bật quân du kích và bộ đội biên phòng của Việt Nam trên những ngọn đồi và khu vực thung lũng.
“Chiến thuật đó là một tai họa cho Bắc Kinh. Trung Quốc không tiên liệu được cái bẫy do Việt nam đưa ra bằng hệ thống hầm hố và công sự chằng chịt xây dựng trên vùng biên giới. Chỉ trong vòng ba ngày đầu, Trung Quốc đã chịu thiệt hại nặng nề, số thương vong rất cao vì hệ thống súng máy bắn ra từ các công sự chiến đấu và dính mìn bẫy” theo Brother Enemy: The War After the War.
Bắc Kinh đã phải xác nhận sự thất bại bằng việc thay thế tướng Hứa Thế Hữu, Tổng chỉ huy cuộc tấn công bằng môt vị tuớng trẻ hơn là Dương Đắc Chí, có biệt danh “vị tướng luôn luôn chiến thắng”, vì những chiến công trong chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, việc thay tướng chỉ huy không khiến tình hình khá hơn với Trung Quốc, ngoài sự tàn phá khốc liệt hơn.
“Sau chiến cuộc, trong một chuyến đi Cao Bằng, tôi thật sự giật mình vì quân Trung Quốc đã san bằng gần như tất cả những gì có trên mặt đất, từ những toà nhà công cộng cho đến bưu điện, trường học. Những ngọn đồi xanh tươi, một thời là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh họp bàn với những người bạn hữu Trung Hoa cũng trở nên hoang tàn vì bom đạn”, nhà báo Nayan Chanda cho biết.
Theo nhà báo nổi tiếng này thì Bắc Kinh đã thực hiện chiến thuật tấn công của cuộc xâm lược Việt Nam mà nhà Thanh đã thực hiện vào năm 1788, nhưng với vũ khí của thế kỷ 20. Chính vì vậy việc thất bại là điều đã được báo trước với Trung Quốc.
Trung Quốc phải học lại bài học của chính mình
“Bài học quan trọng nhất từ cuộc chiến tranh này có lẽ là dành cho ngay chính Bắc Kinh, đó là với thực tế cho thấy quân đội Trung Quốc không thể đủ khả năng và trình độ để thực hiện một cuộc chiến tranh hiện đại.
Những tổn thất nặng nề của họ trong cuộc chiến cũng như sự thất bại về vũ khí và chiến thuật là lời cảnh báo với Bắc Kinh về sự lạc hậu của quân đội Trung Quốc”, theo Brother Enemy: The War After the War.
Nhà báo Nayan Chanda cho rằng, rõ ràng Việt Nam chẳng những không phải học bài học nào của Trung Quốc, mà ngược lại Hà Nội còn dạy cho Bắc Kinh một bài học. Không thèm rút quân khỏi Campuchia, các nhà lãnh đạo Việt Nam chẳng cần gởi quân đội chính qui tới biên giới mà giao nhiệm vụ canh phòng cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, đó là một sự xem thường đối với Bắc Kinh.
"Việc Hà Nội giật cơ hội khỏi tay Bắc Kinh để giành chiến thắng quyết định đã là một bài học cho Bắc Kinh và hàng ngàn quan tài lính Trung Quốc kéo từ Việt Nam về càng làm cho thất bại của Trung Quốc thêm nặng nề", ông Chanda nhấn mạnh.
Ông Chanda cho biết ông "rất ngạc nhiên khi đến Quảng Tây và Vân Nam những tháng sau chiến tranh, tối thấy rất đông binh lính quân đội Trung Quốc bị thương tật, chống gậy khập khiễng đi xem triển lãm về cuộc chiến đấu tự vệ thắng lợi ở Côn Minh". Mặc dù biết là chữa thẹn, song ông Chanda vẫn rất bất ngờ khi Bắc Kinh có hẳn triển lãm về cuộc chiến, nơi mà họ phải học lại bài học của chính mình và của đối thủ.
Xin không bình luận thêm để góc nhìn người ngoài cuộc về cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 được khách quan.



1 nhận xét:

  1. Chiến thắng luôn thuộc về chính nghĩa; Trung Quốc đã học được bài học đau đớn khi xâm lược Việt Nam

    Trả lờiXóa