Tungct
So với các nước trên thế giới,
Việt Nam vẫn là một nước nghèo và kém phát triển, sự phát triển kinh tế còn
chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng suất, chất lượng hiệu
quả kinh tế còn chưa cao. Trong lĩnh vực xã hội, còn nhiều vấn đề bức xúc đòi
hỏi phải được tiếp tục quan tâm giải quyết. Điều đó đã tác động, gây ảnh hưởng
xấu tới an ninh xã hội, làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên của nhân
dân.
Mặc dầu đời sống tinh thần và
vật chất của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, nhưng tâm trạng của một bộ phận
nhân dân chưa thật vui, chưa thật phấn khởi, không ít những hiện tượng bất ổn
khác làm cho chúng ta tiếp tục suy nghĩ như: sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng
lớp dân cư, các vùng miền, khoảng cách chênh lệch về sự phát triển giữa nông
thôn và thành thị, giữa miền núi và đồng bằng ngày càng nới rộng. Lĩnh vực công
tác tư tưởng, văn hóa vẫn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém, đôi khi còn
tỏ ra chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, chưa làm sáng tỏ được những
vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra để định hướng tư tưởng và thực tiễn, ngay
cả trên nhiều vấn đề rất cơ bản. Lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng,
vào chế độ có phần giảm sút vì bất bình trước những bất công xã hội. Tình hình
đó đã làm khối đại đoàn kết dân tộc tuy đã được củng cố một bước song chưa bền
chặt và đang đứng trước những thách thức mới, những nguy cơ tiềm ẩn; mối quan
hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân tuy đã chăm lo củng cố song bắt đầu xuất
hiện những hiện tượng không thể xem thường.
Các thế lực thù địch đã kích
động các dân tộc thiểu số đi theo tiếng gọi của thần thánh hoặc lịch sử, lợi
dụng tín ngưỡng tôn giáo vào các mục đích sai trái, bất hợp pháp, ảnh hưởng
tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đối với người dân tộc thiểu
số, họ luôn bị tư tưởng hẹp hòi kích động, dẫn đến nhận thức sai lệch trong một
số vấn đề như: họ phải có đức tin riêng, có cuộc sống riêng, người Kinh là
những kẻ cướp đất, cướp miếng ăn của họ. Từ cách nhìn sai lệch dễ nảy sinh quan
điểm sai trái, những yếu tố tâm lý nghi kỵ, dân tộc hẹp hòi. Do sự nhận thức
yếu kém cộng với sự kích động thù địch trong và ngoài nước, một số đồng bào dân
tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã gây mất trật tự trị an, đập phá cơ sở vật chất,
chống lại và hành hung người thi hành công vụ; một số người còn trốn, đi theo
Fulro ra nước ngoài làm tay sai cho chúng.
Đồng bào ở các vùng chiến lược
về an ninh, quốc phòng ở nước ta chủ yếu là đồng bào theo đạo, người dân tộc
thiểu số, có trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Đây là những địa bàn trọng yếu nhưng hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn
yếu kém nên đã trở thành một trong những điểm yếu để các thế lực thù địch tác
động mạnh bằng chiến tranh tâm lý. Ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch thông qua
việc truyền đạo trái phép, các tổ chức phi chính phủ đã mị dân bằng những khẩu
hiệu có liên quan sát thực đến đời sống của nhân dân như “đói cho ăn, đau cho
thuốc, chết cho hòm”, “máy bay của Liên Hiệp quốc về Buôn Ma Thuột đón đồng bào
sang Mỹ hưởng cuộc sống sung sướng”… Sự kiện đồng bào Mông ở Mường Nhé vừa qua
cũng có sự tác động của các đối tượng phản động.
Trong khi đó, một số nơi do
bất bình trước những khó khăn, những cách làm sai trái của một số cán bộ nên
phản ứng tập thể, gây mất an ninh trật tự ở nông thôn, an ninh đô thị, thậm chí
kéo dài như tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công…
Do tác động nhiều mặt, trong
xã hội đã xuất hiện nhiều hiện tượng như tầm thường văn hóa, chạy theo lối sống
sinh hoạt văn hóa lai căng, thác loạn, dung tục, xa rời văn hóa truyền thống.
Một số tác phẩm văn hóa có tư tưởng phủ định lại lịch sử, nhận thức sai về văn
học, nghệ thuật.
Một số đầu sách có nội dung
phức tạp, xuyên tạc lịch sử văn học Việt Nam vẫn được nhập khẩu, phát hành.
Trên thị trường băng đĩa nhạc xuất hiện hàng loạt băng đĩa đồi trụy, phản động
được lưu hành. Hàng loạt thông tin xâm nhập vào không kiểm chứng, dẫn đến nhận
thức sai lệnh thông tin và hình thành nên quan điểm sai trái. Một số báo đưa
tin, bài không trung thực, thiếu định hướng tư tưởng gây ảnh hưởng xấu trong dư
luận.
Trong khi đó, một số cơ quan
thông tấn báo chí nước ngoài (AFP, Reuter, BBC, VOA) đưa các tin, bài vu cáo ta
vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Không ít cán bộ, đảng viên và một bộ phận
quần chúng nhân dân đã đọc, nghe những tác phẩm này, không phân biệt đúng sai,
nhiều cán bộ đảng viên đã biểu hiện dao động, mất lòng tin và suy thoái về
chính trị. Tư tưởng cơ hội gấy nguy hại nghiêm trọng tới sự vững mạnh về chính
trị và trong sạch về tổ chức của Đảng, kể cả bản thân vận mệnh của Đảng và đất
nước. Các thế lực thù địch đều rất quan tâm lôi kéo tầng lớp trí thức, văn nghệ
sĩ, thanh niên, học sinh, sinh viên vì đây là lực lượng hùng hậu, là đội ngũ
quan trọng trong xã hội, nhất là trí thức, lớp trẻ. Chúng coi đó là hướng hoạt
động có tính chiến lược nhằm chuyển hóa tư tưởng của thế hệ điều hành đất nước
trong tương lai. Những thế hệ sau 1975 đã quên hoặc chưa từng nếm trải những
khổ cực trong chiến tranh do đó dễ bị thao túng, lôi kéo.
Do ảnh hưởng của các thế lực
thù địch cùng với tác động của một số yếu tố khách quan, một số sinh viên viết
thư nói xấu chế độ. Điển hình là một sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế đã viết
cảm tưởng lưu lại triển lãm do Đại sứ quán Mỹ tổ chức “cuộc kháng chiến kháng
Mỹ cứu nước là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, Việt Nam không có tự do ngôn
luận, tự do báo chí, thanh niên không được quyết định hướng đi và lựa chọn
người lãnh đạo của mình hoặc tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại, chỉ có
quyền được nghe những lời rao giảng đạo đức, chính trị giả tạo, ngụy
biện”.
Có một số
cán bộ, đảng viên, trí thức cũng ngộ nhận, phê phán nguyên tắc tập trung dân
chủ, thậm chí có người còn đòi xóa bỏ nguyên tắc này. Họ cho rằng nguyên tắc
tập trung dân chủ nay đã lỗi thời, nó chỉ thích họp với hoạt động của Đảng khi
chưa dành được chính quyền, còn hoạt động bí mật hoặc lãnh đạo chiến tranh,
rằng thực hiện tập trung dân chủ là nguyên nhân gây ra độc đoán, chuyên quyền
trong Đảng và trong xã hội, sẽ không có dân chủ, không có nhân đạo. Họ cho rằng
định hướng XHCN là giáo điều, sách vở, xuất phát từ định đề giai cấp chứ không
xuất phát từ thực tiễn Việt Nam . Theo họ, phải từ bỏ định hướng XHCN thì mới
phù hợp với thực tế đất nước, xu thế với thời đại. Họ cho rằng quan hệ sản xuất
mà chúng ta đang xây dựng chỉ là phương tiện để phát triển sản xuất. Họ cho
rằng chúng ta chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất XHCN bằng mọi giá, nên lực
lượng sản xuất yếu kém, trì trệ.
Một số người cho rằng không
nên phân chia nền kinh tế theo tiêu chí quan hệ sản xuất mà lâu nay vẫn làm,
như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và tiểu chủ, kinh tế tư
nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo họ, cách
phân chia đó dẫn đến việc phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong và
ngoài nước, không có lợi cho việc phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế
khác. Thay vào đó, nên phân chia nền kinh tế theo tiêu chí nhỏ, vừa và lớn. Họ
cho rằng, chỉ bằng cách xóa bỏ mọi dấu hiệu quan hệ xã hội của sản xuất thì mới
có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Một số đối tượng đã xoay
chiều, quay quắt, phủ định truyền thống, nêu ra những luận điệu quái gở như
“các nhà lãnh đạo Việt Nam cứ mãi ngây thơ tin vào sự đồng lòng xả thân cho một
ý thức hệ vu vơ” (Nguyễn Thanh Giang), “cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như
mọi người ngộ nhận, đó là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến”; “dưới
chiêu dụ của những lời lẽ hào hoa, dân tộc Việt bị xé làm đôi, một cách vô thức
đã tự nguyện biến thành hai đội quân đánh thuê cho hai hệ thống chính trị đối
nghịch; một cách vô thức biến giang san cha ông ta thành chiếc cối xay thịt
khổng lồ” (Dương Thu Hương).
“Cây muốn lặng, gió chẳng
đừng”, Đảng ta, nhân dân ta luôn mong muốn một không khí hòa bình để xây dựng
một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc nhưng các thế lực thù địch không để chúng
ta yên. Chúng thường xuyên nhiều thủ đoạn để chống phá chúng ta. Vì vậy, đấu
tranh chống quan điểm sai trái như một nhiệm vụ tất yếu chúng ta cần làm và
nhất định phải làm thật tốt. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng
quan điểm sai trái để có những đối sách phù hợp. Yêu cầu chung nhất của việc
đấu tranh chống quan điểm sai trái chính là làm tốt công tác tư tưởng trong
Đảng và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục hướng tới sự thống
nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội.
Hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn
khẳng định công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái trực tiếp phục vụ cho
việc lãnh đạo thực hiện những mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng. Đây là
nhiệm vụ đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ, chỉ đạo chặt chẽ, huy động năng
lực và trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị nhằm giải quyết
những vấn đề nảy sinh trong nhận thức tình cảm, tư tưởng của nhân dân. Đấu
tranh chống quan điểm sai trái cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng
và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ
đó củng cố nhận thức chính trị, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách
mạng tới thắng lợi hoàn toàn.
Chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh và xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Trả lờiXóa