Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

KINH TẾ NHÀ NƯỚC CÓ CÒN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO?


KINH TẾ NHÀ NƯỚC CÓ CÒN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO?
                                                                     
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng vừa ban hành ba nghị quyết quan trọng nhằm phát triển kinh tế trong đó có Nghị quyết số 10/NQ-TW (6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình đó, một số quan điểm cho rằng: đây là quan điểm vẫn chưa nhận thức được vai trò của kinh tế tư nhân, phải để kinh tế kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Họ viện lý do thời gian qua một số tập đoàn, các tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ như Vinashine, Vinaline, PVC… để phủ nhận toàn bộ kinh tế nhà nước. Đây không chỉ là vấn đề học thuật đơn thuần hay kinh tế giản đơn mà là vấn đề chính trị. Phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa. Việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân là đúng đắn xét về cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một chế độ sở hữu đặc trưng để làm cơ sở cho kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó. Do đó để, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trong đó dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội, nền kinh tế tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen, đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thành phần kinh tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một động lực của qua trọng của nền kinh tế quốc dân nhưng không thể giữ vai trò chủ đạo bởi nó dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Điều đó hoàn toàn đúng với lý luận Mác – Lênin về đặc điểm kinh tế xã hội trong thời kỳ quá độ.
Thực tiễn thời gian vừa qua, thành phần kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, được Nhà nước chăm lo đầu tư công nghệ hiện đại, vốn, cán bộ quản lý nên thành phần kinh tế nhà nước đã làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần. Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đánh giá: “Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.” Những điểm sáng của doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 36 – Bộ Quốc phòng… là tấm gương, xứng đáng là “đầu tàu” kinh tế không những cho bộ phận kinh tế nhà nước mà còn cho cả kinh tế tư nhân noi theo.
Trong sản xuất kinh doanh, lợi nhuận được xem là tiêu chí quan trọng xác định hiệu quả của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải có một “cái nhìn” biện chứng, đó không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá. Đối với doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp nhà nước còn phải thực hiện các nhiệm vụ công ích, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng quan trọng mà các doanh nghiệp khác không đủ khả năng hoặc không muốn tham gia. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp vào GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Mặt khác, trong cơ chế thị trường, hiện tượng làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả là tình trạng chung của nhiều loại hình doang nghiệp chứ không phải chỉ có doanh nghiệp nhà nước. Do đó, không chỉ vì một vài công ty làm ăn thua lỗ như Vinaline, Vinashine, PVC… mà phủ nhận doanh nghiệp nhà nước riêng, kinh tế nhà nước nói chung, cho rằng kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo, nhường vai trò chủ đạo cho kinh tế tư nhân được. Không thể phủ nhận sạch trơn những đóng góp quan trọng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế để từ đó đưa kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo. Quan điểm sai trái trên từ chỗ phủ nhận kinh tế nhà nước, phủ nhận công hữu tư liệu sản xuất đến phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Tóm lại, việc khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà ngược lại, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với kinh tế nhà nước. Do đó, thời gian tới phải triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

1 nhận xét:

  1. Mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch nhất định sẽ bị lột trần và thất bại

    Trả lờiXóa