Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

CHIẾN THẮNG TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP CỦA "ĐỘI QUÂN NHÀ PHẬT” MÃI KHẮC GHI TÌNH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU TRONG SÁNG VIỆT NAM – CAMPUCHIA


Duy Tiến
          40 năm đã qua, nhưng hình ảnh Quân tình nguyện Việt Nam vẫn không hề phai mờ trong tâm trí người dân Campuchia. Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ ấy ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế bằng công sức, xương máu và sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ cũng như sự phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

          Sau những năm tháng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ bên nhau tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân, đế quốc, nhân dân hai nước lẽ ra cùng được hưởng hòa bình để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, tập đoàn Pol Pot đã tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc ở Campuchia, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ phía Tây Nam của Việt Nam.
            Trước những hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của Pol Pot, ngày 08/01/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia thành lập và đề nghị Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với LLVT Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979 đã giúp giải phóng thủ đô Phnom Penh.
          Chia sẻ quan điểm của mình, cựu đại tá lục quân Mỹ André Sauvageot khẳng định việc đưa quân đội sang Campuchia lúc bấy giờ không phải là mong muốn của Việt Nam nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác. Việt Nam đã kiên trì cứu vãn hòa bình, nỗ lực kêu gọi chính quyền Khmer Đỏ chấm dứt các hành vi xâm lược biên giới, giết hại thường dân. Thế nhưng, Khmer Đỏ đã cự tuyệt, khước từ thiện chí của Việt Nam, đồng thời tăng cường hoạt động chống phá. “Việc Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia vừa là để tự vệ, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, vừa là đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Campuchia đang lâm nguy. Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ ở lại Campuchia trong một khoảng thời gian cần thiết để bảo đảm “cơn ác mộng” Khmer Đỏ sẽ không bao giờ quay trở lại và các cuộc xâm phạm biên giới sẽ không còn xảy ra”.
            Thực tế sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng, Việt Nam đã tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình giúp khôi phục và tái thiết đất nước Campuchia, đưa cuộc sống của người dân xứ Chùa tháp trở lại bình thường. Trong cuốn sách “Tam giác Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia” xuất bản năm 1981, nhà báo Australia Wilfred Burchett cho biết, chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã khôi phục những tuyến đường giao thông huyết mạch để phục vụ việc vận chuyển hàng viện trợ quốc tế, xây dựng lại hàng trăm chiếc cầu, đưa tuyến đường sắt Phnom Penh-Kongpong Som và Phnom Penh-Battambang hoạt động trở lại. Và cũng chính người Việt Nam đã khôi phục lại 60 nhà máy đầu tiên ở Phnom Penh và một số nhà máy ở các thị xã trở lại sản xuất, xây dựng và trang bị lại cho các bệnh viện tỉnh và huyện (tổng cộng 3.600 giường tính đến tháng 6-1980), cung cấp 400 cán bộ y tế, trong đó có 200 bác sĩ cùng hàng nghìn y tá và dược sĩ. Ông Wilfred Burchett viết rằng, đại diện các cơ quan cứu trợ quốc tế mà ông đã có dịp nói chuyện đều có chung một đánh giá là Việt Nam đóng một vai trò sống còn trong “sự sống sót kỳ diệu” của nhân dân Campuchia.
          Chiến thắng lịch sử này là chiến thắng chung, niềm vui chung của nhân dân hai nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và Việt Nam, khép lại một trang sử đen tối nhất của đất nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phát triển.
          Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
          Trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế hợp tác thiết thực được thiết lập và thực hiện ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.
          40 năm qua là một thời gian không dài so với bề dày lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc, nhưng là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Với lịch sử giàu truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta tin tưởng rằng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.         


1 nhận xét: