Dân Điền
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị
quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi
sự suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Lợi dụng tình hình dư luận xã hội đang bức
xúc về tệ nạn tham nhũng, suy thoái của một số cán bộ, đảng viên, nhất là những
người giữ các vị trí lãnh đạo cơ quan chính quyền, quản lý kinh tế; công tác
xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, suy thoái của Đảng còn không ít
hạn chế, khuyết điểm, dẫn đến kết quả chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra, một số
người đã tung ra luận điểm “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống
tham nhũng, suy thoái thành công”. Luận điểm này thực chất là sự xuyên tạc của
các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội nhằm gieo rắc tâm lý hoang
mang, mất niềm tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Luận điểm này chỉ là lẻ tẻ của một số người và chỉ dựa trên
mấy luận chứng chủ quan, võ đoán như: Tham nhũng, suy thoái là căn bệnh kinh
niên của chế độ độc đảng cầm quyền; vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể
chống tham nhũng, suy thoái thành công; đã nhiều lần phát động chống tham
nhũng, suy thoái nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó,
họ kết luận cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái của Đảng Cộng sản Việt
Nam không thể thành công.
Quốc gia nào cũng vậy, trong mỗi thời điểm đều do một đảng
cầm quyền. Khi đảng nào cầm quyền thì người đứng đầu và các chức vụ quan trọng
của chính quyền nhà nước đều do người của đảng đó đảm nhiệm; đường lối, chủ
trương của đảng cầm quyền sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Dù là
chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì nạn tham nhũng,
suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật
khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao.
Điều quan trọng hơn hết là đảng nào có mục tiêu vì nước, vì
dân, giáo dục, quản lý tốt cán bộ, đảng viên, thì có thể hạn chế đến mức thấp
nhất nạn tham nhũng, suy thoái, không gây nên những tiêu cực lớn đối với xã
hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời, lãnh đạo cuộc đấu
tranh giành chính quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng tuyệt đại đa số đều là
những nhà cách mạng tự nguyện từ bỏ lợi ích bản thân, xả thân chiến đấu hy sinh
vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Mặc dù vậy, không tránh khỏi có những ngành, có những lĩnh vực
xuất hiện những cán bộ không thật sự tu dưỡng đạo đức cách mạng,vì lợi ích
riêng của bản thân mà lầm đường lạc lối dẫn đến phạm tội.Những kẻ phạm tội đó,
dù ở cương vị nào cũng phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật để đề cao phép
nước. Bản án tử hình dành cho Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu về tội lợi
dụng chức quyền nhận hối lộ, tham ô, sa đọa, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng,
Chính phủ trong thực thi pháp luật ngay từ những thời kỳ đầu lập chế độ dân chủ
cộng hòa. Ngày nay những cán bộ từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương
đảng, đến cán bộ, đảng viên nếu không tự tu dưỡng, tự rèn luyện, sống buông
thả, tham nhũng, suy thoái đều sẽ bị xét xử nghiêm minh trước công lý.
Chính sự tài tình trong lãnh đạo của Đảng, sự kiên quyết giữ
nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước là nhân tố làm nên thắng lợi to
lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam trong mấy chục năm qua.Đó là
những bằng chứng lịch sử minh chứng cho đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII: “Nhìn một cách tổng thể, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành
và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo. Đất nước ta
chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn
đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên
mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Như vậy, từ thực tế nền chính trị các
quốc gia trên thế giới và lịch sử chế độ chính trị Việt Nam thời hiện đại đã
chứng tỏ chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn
tham nhũng, suy thoái trong xã hội. Vấn đề dân chủ trong xã hội, đây là một vấn
đề lớn, không một quốc gia nào dám tự coi là đã thực hiện một cách hoàn hảo.
Mỗi quốc gia, dân tộc thực hiện dân chủ xã hội tùy thuộc vào tình hình chính
trị - xã hội, sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh
tế, xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc và trình độ dân trí.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa