Xuyên tạc bản chất, chức
năng, nhiệm vụ của Quân đội là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
nội bộ, tiến tới “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội. Thời gian gần đây,
thủ đoạn này càng được tiến hành ráo riết hơn, vì vậy, cần phải nhận diện và
kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, quân đội là
một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của đấu tranh giai cấp.
Bất cứ quân đội nào cũng đều mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị đã
sinh ra nó. Không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, quân đội trung lập.
Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập cũng không nằm ngoài chức năng, nhiệm
vụ đó.
Thế nhưng, với mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch ra
sức chống phá, xuyên tạc, hòng “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội.
Chúng coi đây là một trong ba trọng tâm chống Đảng, Nhà nước và hướng lái,
chuyển hóa cách mạng Việt Nam. Kế hoạch của chúng là: lấy phá vỡ nền tảng chính
trị là then chốt; chống phá về kinh tế là biện pháp cơ bản, thường xuyên, lâu
dài; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng yếu. Thủ đoạn đó
không mới, nhưng cực kỳ nguy hiểm, nhằm xóa nhòa bản chất giai cấp, chức năng
chính trị, xã hội của lực lượng vũ trang cách mạng; phủ nhận nguyên tắc Đảng
lãnh đạo Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời mục
tiêu, lý tưởng chiến đấu và bị vô hiệu hóa.
Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng đã và đang sử dụng mọi
biện pháp hòng làm thay đổi bản chất chính trị của Quân đội và sự nghiệp xây
dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, v.v. Chúng
lập luận trơ trẽn rằng, việc tổ chức ra quân đội chỉ để bảo vệ “lợi ích dân
tộc”, “lợi ích quốc gia”; rằng, quân đội phải “trung lập”, “đứng ngoài chính
trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”. Gần đây, các thế lực
thù địch tiếp tục tuyên truyền, xuyên tạc về việc Quân đội tham gia sản xuất,
phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Thâm độc hơn, chúng tỏ vẻ thân thiện góp
ý rằng “Quân đội nhân dân Việt Nam không nên thực hiện sản xuất, lao động”, mà
chỉ thuần túy làm nhiệm vụ quốc phòng; “Quân đội không làm kinh tế là sự đột
phá về tư duy”; mừng vì “Quân đội sẽ không làm kinh tế”; hay “đáng lẽ Quân đội
phải ngừng làm kinh tế lâu rồi”, vì làm kinh tế thì “lợi ít, hại nhiều”, v.v.
Những luận điệu thâm độc không có gì
khác là nhằm xuyên tạc bản chất, truyền thống, chức năng của Quân đội, tách
Quân đội khỏi sự gắn bó máu thịt với nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, đồng thời hạ thấp uy tín của Quân đội trong đời sống xã hội, v.v.
Cần thấy rằng, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng
thành của Quân đội ta luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, cuộc đấu
tranh của quần chúng nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù thời bình hay
thời chiến, Quân đội luôn mang bản chất cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho
Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chế độ và nền độc lập dân tộc; gắn bó mật thiết với
nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, đánh
đuổi thực dân, đế quốc và là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở thực tiễn khẳng định chức năng, bản chất, truyền
thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lý luận và thực tiễn đã cho thấy
Quân đội nhân dân Việt Nam có ba chức năng cơ bản. Cùng với chức năng “đội quân
chiến đấu” còn là “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Đó là nhiệm
vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân
dân giao cho Quân đội.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, việc
kết hợp kinh tế với quốc phòng được thể hiện rõ trong chính sách “ngụ binh ư
nông” của các thời Lý, Trần, Lê. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “…quyết tâm
xây dựng Quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập
giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”. Nhiệm vụ lao động, sản xuất của Quân đội
được thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng qua các kỳ đại hội, mới
nhất là văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ
Quân đội lần thứ X: “... kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc
phòng - an ninh...” và “quốc phòng - an ninh với kinh tế”, v.v. Thực tiễn cho
thấy, những năm sau chiến tranh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn phát
huy truyền thống và bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt chức năng
“đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất”, góp phần
quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi xem xét những luận điểm đề cập bản chất, chức năng,
nhiệm vụ của Quân đội, nhất là Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng
kinh tế, với cách nhìn nhận khách quan, toàn diện, chúng ta không “vơ đũa cả
nắm”, không đánh đồng người tốt, kẻ xấu, nhưng cần nhận diện, phân biệt rõ quan
điểm nào là sai trái, quan điểm nào là thù địch để có cách ứng xử phù hợp. Đối
với những người do thiếu thông tin, nhận thức chưa đầy đủ về chức năng, nhiệm
vụ của Quân đội thì phải tuyên truyền, thuyết phục để họ nhận thức đúng vấn đề,
không có những hành động vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, làm tổn hại đến uy tín,
thanh danh Quân đội. Đối với những kẻ thù địch, cố tình xuyên tạc, chống phá
Quân đội thì phải kiên quyết đấu tranh, nghiêm trị theo pháp luật. Đó là cách
làm thiết thực nhất, hữu hiệu nhất trong bối cảnh các thế lực thù địch và những
phần tử cơ hội chính trị đang sử dụng mọi “mưu ma, chước quỷ” chống phá Quân
đội nhân dân Việt Nam.
MINH QUÂN
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa