Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của
mạng Internet, của công nghệ truyền thông, khả năng tiếp nhận và phổ biến thông
tin trở nên thuận tiện và nhanh chóng. Điều đó mang lại nhiều lợi ích to lớn
cho người sử dụng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của việc tiếp nhận thông tin
một cách không chọn lọc, không phê phán không chỉ làm lệch lạc nhận thức mà còn
làm nảy sinh những hành động lệch chuẩn, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Đặc
biệt trong giai đoạn hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực
thù địch đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, kẻ thù tận dụng triệt để khả
năng phát tán thông tin thông qua các trang mạng xã hội; trong đó, thủ đoạn “chế
ảnh” gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng dư luận xã hội và tạo sự đồng
thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam
hiện nay có 30 triệu người dùng mạng
xã hội Facebook (trong
đó, có 27 triệu người dùng hoạt động trên điện thoại di động). Tính riêng mỗi
ngày cũng có đến 20 triệu lượt người dùng. Con số trên cao hơn 13% so với mức
sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Về độ tuổi người dùng,
có đến 3/4 người Việt dùng Facebook từ 18 - 34 tuổi. Và tính trung bình, họ
dành khoảng 2,5 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên Facebook, gấp đôi thời gian dành để
xem tivi - nguồn cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Do vậy,
nếu chỉ cần một vài thao tác đơn giản, nội dung thông tin đã được phổ cập hết
sức rộng rãi. Và thật nguy hiểm, nếu những thông tin, những hình ảnh đó là
xuyên tạc, bị chỉnh sửa, chắp ghép với nội dung phản động, lan truyền rộng rãi,
tràn lan trên mạng xã hội trong khi nhận thức của người dùng lại không đồng đều
và được chia sẻ với mục đích chống phá, gây rối nhiễu thông tin.
Không thể phủ nhận vai trò của các trang mạng xã hội trong việc kết nối,
chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng mạng. Nếu những hình ảnh, nội dung
với tính chất tích cực, lành mạnh được lan truyền rộng rãi sẽ tạo ra hiệu quả
to lớn trong việc định hướng nhận thức, điều chỉnh hành vi của người dùng.
Nhưng hiện nay, có một thực tế không thể chối cãi là các thế lực thù địch lợi
dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích, tiện dụng để ra sức gieo rắc nhận
thức lệch lạc, kích động hành vi thái quá của quần chúng nhân dân khi có một sự
kiện, hiện tượng nào đó xảy ra gây chú ý dư luận xã hội. Mặt khác, với những
phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ thông, dễ thao tác và phần lớn người sử dụng mạng xã
hội đang ở trong độ tuổi thanh niên, chưa có sự nhận thức sâu sắc về các vấn đề
chính trị - xã hội, chưa có nhiều trải nghiệm thực tiễn cuộc sống thì thủ đoạn
“chế ảnh” càng tỏ ra hữu ích hơn trong việc phục vụ mục đích xuyên tạc, chống
phá, đả kích. Và trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động
thường sử dụng thủ đoạn “chế ảnh” chủ yếu theo ba cách thức sau:
Một là, trích dẫn
không đầy đủ hoặc xuyên tạc nội dung bài phát biểu, những phát ngôn nổi tiếng của các vị lãnh đạo
cấp cao của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội
Đây là một cách thức phổ biến và có hiệu quả
cao trong âm mưu phá hoại nhận thức, gieo rắc những hoài nghi, mơ hồ vào đầu óc
quần chúng nhân dân. Cách thức này đạt hiệu quả cao nhất khi các thế lực thù
địch lấy địa vị, uy tín của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các
tổ chức chính trị - xã hội để đánh lừa nhận thức người sử dụng khi họ không đủ
trình độ, khả năng thấu hiểu căn kẽ nội dung hoặc không có thời gian, điều kiện
để theo dõi đầy đủ, chính xác thông tin bị xuyên tạc. Thủ đoạn chủ yếu của
chúng là trích dẫn không đầy đủ, không chính xác hoặc xuyên tạc nội dung một
bài phát biểu, một phát ngôn nổi tiếng; sau đó, lồng ghép chân dung, hình ảnh
của các cá nhân bị lợi dụng. Những nội dung bài phát biểu đã bị trích dẫn cắt
xén, xuyên tạc gây hiểu lầm nghiêm trọng nhưng được chúng dẫn dắt, ghép nối một
cách tiểu xảo, tinh vi. Hậu quả của nó gây ra vô cùng to lớn khi cá nhân không
có đủ trình độ nhận thức, kinh nghiệm thực tiễn để kiểm nghiệm nên dễ gây hiểu
lầm và dao động tư tưởng. Và đặc biệt, cách thức này được các thế lực thù địch triệt
để sử dụng phổ biến trước và sau các sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội
Đại biểu toàn quốc của Đảng, Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội nghị bầu và phê
chuẩn các chức danh lãnh đạo cao cấp… nhằm gây lệch lạc trong nhận thức của
quần chúng nhân dân, kích động các hành vi chống đối, phá rối; làm phai nhạt
niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với các vị lãnh đạo cấp cao và chế
độ xã hội tốt đẹp mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức xây dựng.
Hai là, trước một sự
kiện, hiện tượng gây chú ý dư luận xã hội trong nước, chúng lấy hình ảnh ở
những địa điểm, thời điểm khác nhau nhằm làm sai lệch thông tin, kích động tư
tưởng, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân
Trong xu hướng tiếp cận và khai thác thông tin
từ nhiều nguồn phong phú như hiện nay, việc lấy hình ảnh từ những địa điểm,
thời gian khác nhau để chắp, ghép gắn với sự kiện, hiện tượng xã hội đang diễn
ra ở một đất nước sở tại là điều vô cùng dễ dàng nhưng hiệu ứng tác động lại vô
cùng to lớn. Tính chất và quy mô phổ biến của những hình ảnh chắp, ghép đó phụ
thuộc vào sự quan tâm, bức xúc của dư luận xã hội trong nước. Trước những sự
kiện, hiện tượng gây được sự chú ý của đông đảo các tầng lớp xã hội, lợi dụng
sự thiếu hiểu biết và tâm lý đám đông, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng
cách thức này nhằm gây sai lệch thông tin, nhận thức, kích động tư tưởng, gây
hoang mang, lo lắng, sợ hãi trong quần chúng nhân dân. Đối tượng tác động chủ
yếu của cách thức này chính là những cá nhân không đủ trình độ nhận thức để
phân biệt đúng - sai hoặc không có điều kiện để theo dõi toàn bộ diễn tiến của
sự kiện, hiện tượng trên các kênh thông tin chính thống. Và đặc biệt, việc cố
tình lấy hình ảnh ở những địa điểm, thời gian khác nhau để xuyên tạc, bịa đặt, chế
giễu sự kiệc, hiện tượng không có thật càng làm phức tạp thêm tình hình hiện
thực, gây khó khăn cho việc trấn an, định hướng và thống nhất dư luận xã hội, tâm
trạng xã hội. Đây là một trong những nguyên cớ để gây ra những cuộc biểu tình
trái phép, tụ tập đám đông; đồng thời, là cơ hội để kẻ thù thổi bùng những mâu
thuẫn, bức xúc vốn đang tồn tại ở một bộ phận nhỏ lẻ trong xã hội. Do vậy, mỗi cá
nhân sử dụng mạng xã hội cần có sự nhận thức đúng đắn, kiên định trước những
chiêu trò xuyên tạc, vu khống sai sự thật của các thế lực thù địch, phản động.
Ba là, lấy hình ảnh riêng
lẻ của một vài cá nhân, một vài hiện tượng để quy chụp bản chất cho cả một hệ
thống, cho bản chất xã hội
Hiện
nay, sự phát triển và sử dụng rộng rãi, thông dụng các loại điện thoại thông
minh với đầy đủ các tính năng quay phim, chụp ảnh thì việc “chộp” được những
khoảnh khắc hoặc một vài hành động phản cảm của các cá nhân khác nhau là một điều
khá đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, sự lan truyền, chắp ghép những hình ảnh riêng
lẻ của một vài cá nhân, một vài hiện tượng để quy chụp bản chất của cả một hệ
thống ngành nghề, hệ thống chính trị - xã hội, bản chất xã hội có tác động tiêu
cực vô cùng nguy hại đến nhận thức, tình cảm và niềm tin của quần chúng nhân
dân. Cách thức này thường được các thế lực thù địch lợi dụng triệt để trong
việc bôi nhọ danh dự, uy tín của những cá nhân, tập thể thuộc nhóm ngành, nghề
có vai trò quan trọng trong xã hội như Y tế, Công an, Quân đội… hoặc trước
những bức xúc cao độ của người dân về một vấn đề nào đó mà chưa được giải thích,
giải quyết thấu đáo, kịp thời. Chính những hình ảnh không chính thống, chỉ là
hiện tượng đơn lẻ, bề ngoài mà những cá nhân không đủ trình độ chính trị, trình
độ nhận thức lại quy chụp, gán ghép đó là bản chất của cả một hệ thống, làm mất
niềm tin của quần chúng nhân dân, của toàn xã hội vào các tổ chức chính trị -
xã hội, vào chế độ. Khi niềm tin bị phai nhạt sẽ là cơ hội để kẻ thù tiếp tục
thực hiện những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm kích động nhân dân,
gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong
quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kẻ thù đã tìm mọi cách
hòng phá hoại nhận thức quần chúng nhân dân và lợi dụng những hiện tượng tâm lý
đám đông, tâm lý a dua để kích động, lôi kéo thành phần có nhận thức kém, ra
sức chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Và hiện nay, cùng với sự phát
triển mạnh mẽ của Internet, các thế lực thù địch càng có nhiều cơ hội, cách
thức để tiến hành các thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Do vậy, khi sử dụng mạng xã
hội để giao lưu, trao đổi thông tin, tình cảm, cá nhân cần cảnh giác trước
những chiêu trò, trào lưu tiêu cực đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, với thủ
đoạn “chế ảnh”, tuy cách thức chắp ghép đơn giản nhưng hậu quả và phạm vi tác
động vô cùng to lớn, nguy hại. Điều đó đòi hỏi người dùng phải thực sự tỉnh
táo, có tính nhạy cảm chính trị, có nhận thức đầy đủ, khoa học để tiếp nhận
thông tin một cách chính xác, kịp thời, tránh để kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc.
TRÀ ĐÁ
Pháp luật Việt Nam sẽ không dung tha cho những kẻ chuyên phá hoại đất nước, phản bội Tổ quốc.
Trả lờiXóa