Minh Tuấn
Với
những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp
4.0) mang lại như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, thực tế ảo, tương tác thực
tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, công nghệ sinh học phân tử, in 3D... đã
và đang làm biến đổi toàn diện các mặt của quan hệ sản xuất xã hội truyền
thống, được biểu hiện từ quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý đến phân phối
sản phẩm và từ quản lý, quản trị truyền thống sang quản lý số. Con người tương tác, kết nối, chia sẻ thông tin với nhau và gắn
kết, tích hợp với vạn vật qua mạng internet (IoT), các hệ thống kết nối
internet (IoS).
Tuy nhiên, cách
mạng công nghiệp 4.0 càng phát triển thì chúng ta càng phụ thuộc nhiều vào hạ
tầng công nghệ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng đứng trước
những nguy cơ bị đe dọa, đặc biệt là các loại tội phạm phi truyền thống sử dụng
không gian mạng để đưa những thông tin xấu độc, giả mạo lên các trang mạng xã
hội, tác động trực tiếp đến an ninh văn hóa, an ninh xã hội, an ninh, đến niềm
tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước.
Trong tình hình hiện nay, khi truyền thông được hưởng lợi ích từ
cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam
lại bị tác động không mong muốn, ngoài sự kiểm soát bởi “lợi ích phi truyền
thống” mà truyền thông mang lại. Các thế lực thù địch, bọn phản động và phần tử
xấu vẫn tiếp tục lợi dụng, khai thác tính lan tỏa nhằm thực hiện “cuộc cách
mạng truyền thông”, đưa thông tin xấu độc, giả mạo, những hình ảnh khiêu dâm,
kích động bạo lực, kêu gọi hình thành các hội nhóm trái phép, lực lượng chính
trị đối lập; tuyên truyền lối sống thực dụng phương Tây, kích động hận thù dân
tộc; bôi nhọ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mục đích làm chuyển
biến, thay đổi nhận thức chính trị của người dân.
Thủ đoạn chủ yếu của chúng là: (1) Đăng tải thông tin sai sự thật
hoặc thông tin sai về bản chất lên các trang mạng xã hội để đánh lừa
người đọc, làm cho họ lầm tưởng là thông tin chính thống để đăng nhập,
chia sẻ, bình luận. Khi đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của người đọc
trên các trang mạng này, các thế lực thù địch, bọn phản động và phần tử xấu sẽ
đưa vào những thông tin giả mạo, xấu độc, lồng ghép nội dung chống Đảng, Nhà
nước, Quân đội, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... làm
người đọc hoang mang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh quốc gia và trật
tự, an toàn xã hội. (2) Lợi dụng tiện ích từ cách mạng công nghiệp 4.0, trong
đó tập trung khai thác tính lan tỏa, tương tác, chia sẻ, ẩn danh trên không
gian mạng của website, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để tán phát thông
tin giả mạo, xấu độc, gắn với việc đưa thông tin bí mật đời tư, bí mật cá nhân,
bài viết hồi ký của các đồng chí lãnh đạo cao cấp..., sau đó đưa ra nhận xét,
phân tích, bình luận nhạy cảm để tác động đến niềm tin của người đọc, từng bước
phủ nhận, gây hoài nghi về lịch sử, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam,
tinh thần độc lập, tự chủ... nhằm tuyên truyền chủ nghĩa cá nhân, cổ súy cho
“xã hội dân sự”, lối sống thực dụng phương Tây, tạo dựng ngọn cờ “tự do”, “dân
chủ”, “nhân quyền” nhằm thực hiện chiến lược “Diễn Biến Hòa Bình”. (3) Lợi dụng
tiến bộ khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng miễn phí trong các
trang mạng xã hội để chia sẻ trạng thái, kết bạn, quản lý nhóm bạn bè trên
không gian mạng... Từ đó, đưa thông tin xấu độc, thông tin thật, giả lẫn
lộn nhằm tuyên truyền, gây hoài nghi trong xã hội, tác động đến tư tưởng,
tình cảm, đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây mơ hồ, mất
cảnh giác, dao động, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. (4)
Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa,
chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, văn
hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết,
hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử, làm sai lệch bản chất thông
tin, làm người đọc mơ hồ, mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình
cảm của các giai tầng trong xã hội; tạo lập các blog, website, mạng xã hội kết
hợp với các loại hình thông tin khác báo viết, báo hình, báo nói... để thu hút
lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động. (5)
Lợi dụng tính tương thích và ứng dụng kết nối mạng không dây (wifi) 3G, 4G giữa
màn hình tivi thông minh (SmartTV) với máy tính, máy tính bảng (Ipad) hoặc điện
thoại thông minh (Smartphone) trong việc trình chiếu hình ảnh hoặc đăng tải các
thông tin phục vụ lợi ích công cộng để khai thác, lợi dụng các tính năng này
kết nối, điều khiển và mở ứng dụng Youtube được cài sẵn trên tivi với các khung
ảnh tĩnh để đưa những hình ảnh có nội dung xấu độc hoặc thay đổi nội dung thông
tin nhằm mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối Đảng và Nhà nước, gây
hoang mang và tạo dư luận xấu.
Lực lượng vũ trang nhân
dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VNXHCN,
bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng,
chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế
lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền
quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước ta, thời gian qua, lực lượng Quân
đội đã chủ động tập trung đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng
không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo thu được nhiều kết quả đáng
khích lệ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Để tiếp tụcchủ động
phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi
dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo chống phá cách mạng Việt
Nam, lực lượng Quân đội cần làm tốt công tác nắm tình hình từ xa, ngay tại cơ
sở và trên không gian mạng, tập trung đấu tranh ngăn chặn và hạn chế thấp nhất
tác động ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa thông
tin xấu độc, giả mạo. Đồng thời, chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chi huy
các cấp các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranhcó hiệu quả với các thông
tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng, trong đó tập trung làm tốt một số
giải pháp cơ bản sau:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền
các cấp, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, cần chủ động, tích cực tham
mưu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý
thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những hoạt động tuyên
truyền chống Đảng, Nhà nước. Chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng cho mọi cán bộ, đảng viên trong đơn vị trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt
động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các dấu
hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có khả năng nhận thức, phân tích, phân
biệt, đánh giá thông tin chính thống với thông tin giả mạo, xuyên tạc. Đây là
một giải pháp quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài để mỗi cán bộ, đảng
viên dù công tác ở cương vị nào cũng nêu cao trách nhiệm và nâng cao cảnh giác
trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, từ đó
chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính bản thân
mình, bảo đảm “giữ vững bên trong là chính”.
Hai là, Tăng
cường tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn đưa thông tin xấu độc, giả
mạo trên không gian mạng của các loại đối tượng, làm chuyển biến nhận thức
trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân khi tham
gia mạng xã hội có trách nhiệm trước bản thân và pháp luật. Chủ động đấu tranh
phản bác những thông tin xấu độc, giả mạo, viết không đúng tôn chỉ, mục đích,
viết theo lối suy diễn một chiều... Đối với những bài viết hay, phản ánh đúng
nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước thì chủ động tương tác, chia sẻ, ủng hộ, tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực,
góp phần đẩy lùi những thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng.
Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về
tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày
17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an
toàn thông tin mạng trong tình hình mới và Thông báo số 17/TB-VPTW ngày
23-8-2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an
toàn thông tin mạng; đồng thời, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trách
nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh với hoạt động lợi dụng
không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo, các thông tin tuyên truyền
phản động, xuyên tạc, vu cáo, nói xấu Đảng, Nhà nước, Quân đội trên không gian
mạng.
Bốn là, thường xuyên cập nhật thông
tin, hướng dẫn kỹ thuật trên báo, đài, mạng xã hội để cán bộ, đảng viên, nhân
dân biết và sử dụng các chức năng an toàn, những khuyến cáo của nhà sản xuất để
nâng cao khả năng phòng chống phát tán phần mềm gián điệp, thông tin xấu độc,
giả mạo, vô hiệu hóa các tính năng, ứng dụng trên máy tính, điện thoại di động thông
minh... không cần thiết.
Năm là, Tập trung quản lý tốt các loại
hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử,
blog; xây dựng những từ khóa để sàng lọc, ngăn chặn các trang thông tin điện
tử, báo điện tử, blog có nội dung xấu độc trên mạng xã hội, các tin nhắn rác./.
Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc và chống phá Đảng ta. Mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của chúng
Trả lờiXóa