Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƯỞNG, PHẠT TRONG GIÁO DỤC


Thời gian qua, không ít thông tin liên quan đến việc giáo viên "phạt" học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau xuất hiện trên mạng xã hội. Và lần nào cũng một kịch bản na ná nhau, cứ có thông tin gây sốc liên quan đến giáo dục là lập tức lại là vấn đề để bàn tán, chỉ trích.
Đa phần là những ý kiến chỉ trích. Không ít người cho rằng, môi trường giáo dục, môi trường văn hóa học đường đang xuống cấp. Một số người thậm chí còn bày tỏ thái độ cực đoan khi cho rằng, trường học bây giờ không còn an toàn... Không phủ nhận một số tình huống ứng xử của giáo viên trong trường học khi có học sinh vi phạm quy định là thiếu cân nhắc, cực đoan, thậm chí có những trường hợp phản cảm, phản giáo dục. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hy hữu, cá biệt. Lấy cái cá biệt để chỉ trích, quy chụp, phán xét cho cái tổng thể là hành vi rất thiếu chuyên nghiệp, phi nhân văn.
Vấn đề đặt ra ở đây là không phải số đông công chúng không nhận thức được điều đó, nhưng tại sao người ta vẫn bị hội chứng đám đông chi phối, các biệt có những người đưa ra những nhận xét, đánh giá cho vui, cho theo trào lưu…? Ấy là bởi giáo dục là một trong những lĩnh vực rất nhạy cảm. Sự đòi hỏi của xã hội trước những quy tắc ứng xử của đội ngũ thầy cô giáo là những nhu cầu chính đáng. Những chuẩn mực văn hóa ở môi trường giáo dục sẽ tác động và quyết định đến hành vi ứng xử của học sinh ở môi trường xã hội. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, nhà trường chỉ là một mắt xích trong tổng thể môi trường giáo dục, được cấu thành bởi ba thành tố chính: Gia đình-nhà trường-xã hội.
Không ít bậc phụ huynh bỏ bê việc quản lý, giáo dục con cái, ở nhà không dạy được con, nhưng khi đến trường, con quậy phá, bị thầy cô giáo xử lý kỷ luật thì lại lên mạng xã hội tỏ thái độ phản đối, đổ vấy trách nhiệm cho nhà trường.
Không phải đến bây giờ việc giáo dục học sinh mới trở thành vấn đề “nóng” mà ngay từ xa xưa, các cụ ta đã đúc kết “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Hiếu động, bồng bột, nghịch dại… là những thuộc tính của lứa tuổi học trò, được định hình bởi đặc trưng tâm, sinh lý độ tuổi. Và để chế ngự điều ấy, các cụ ta xưa đã dạy rằng “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Như vậy, hình phạt trong môi trường giáo dục là tất yếu và cần thiết từ xưa đến nay. Vấn đề là những hình phạt ấy phải mang tính giáo dục, răn đe, kích thích tinh thần hiếu học, chấn chỉnh những thói hư tật xấu của học trò.
Phương pháp giáo dục trong môi trường học đường chính là việc giải quyết hài hòa giữa “roi vọt” và “ngọt bùi”, trong đó “ngọt bùi” là thành tố chủ đạo. “Roi vọt”, nếu sử dụng cũng chỉ là hình thức để củng cố cho cái “ngọt bùi” lan tỏa. Nói cách khác, xây phải đi đôi với chống. Việc chống lại những biểu hiện tiêu cực, chống những thói hư tật xấu trong môi trường học đường là để phục vụ cho mục tiêu xây dựng cho cái tốt, cái đẹp sinh sôi, phát triển.
Vậy thì khi có những vụ việc, sự cố xảy ra trong môi trường văn hóa học đường, rất cần những góc nhìn khách quan, công tâm, cụ thể. Việc “ăn theo” hội chứng đám đông để chỉ trích, quy chụp, lấy hiện tượng để kết luận bản chất là hoàn toàn không nên. Phụ huynh học sinh cần thấy rằng, bản thân mỗi gia đình chính là một mắt xích trong các thành tố cấu thành môi trường văn hóa học đường. Từ lăng kính ấy, mỗi thầy cô giáo dưới mái trường phải tự rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng “roi vọt”. Bất kỳ một hành vi thái quá, thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng đều có thể trở thành những “cái sảy”. Mà để “cái sảy nảy cái ung” thì phức tạp lắm…

1 nhận xét:

  1. Bất kỳ một hành vi thái quá, thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng đều để lại hậu quả không tốt

    Trả lờiXóa