Đồng chí Đỗ Mười, tên
thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917 ở làng Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện
Thanh Trì, TP Hà Nội), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước.
Sớm giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, năm
1936, khi mới 19 tuổi, đồng chí tham gia Mặt trận Bình dân. Từ đó, đồng chí đã
có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho nhân dân và cách mạng Việt Nam.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Được tiếp cận tư tưởng
Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, từ người yêu nước, đồng chí Đỗ Mười trở
thành người chiến sĩ cộng sản. Năm 1939, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng
sản Đông Dương. Tháng 10-1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù,
giam giữ tại Hỏa Lò, Hà Nội. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3-1945), đồng
chí vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, được Đảng phân
công làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo nhân dân giành chính quyền
tại đây trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều
động làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, kiêm phụ trách
các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam
Định, Phó Bí thư Liên khu III, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên
khu III, Tư lệnh Liên khu III, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành
chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ
tịch Ủy ban Quân quản TP Hải Phòng.
Là người cán bộ chủ
chốt, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân, các lực
lượng vũ trang vừa chiến đấu vừa xây dựng chính quyền cách mạng; vừa kháng
chiến vừa kiến quốc. Đồng chí trở thành người lãnh đạo, người chỉ huy quân sự
tài năng, được mệnh danh là một vị tướng của chiến tranh du kích, góp phần quan
trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại vùng Đồng bằng
châu thổ sông Hồng và chiến trường chính Bắc Bộ.
Từ ngày hòa bình lập
lại, đồng chí được Đảng phân công đảm trách nhiều bộ, ngành, lĩnh vực như: Bộ
trưởng Bộ Nội thương; Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước; Trưởng phái đoàn Thanh
tra Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng…
Đồng chí là đại biểu
Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX. Đồng chí liên tục tham gia Ban Chấp
hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VIII và được Ban Chấp hành Trung ương
bầu Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (khóa IV), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa V đến
khóa VIII). Ở bất cứ cương vị nào được Đảng và nhân dân tin cậy giao phó, đồng
chí đều đem hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 1991, đồng chí Đỗ
Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.
Đây là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo, một mặt là do
hậu quả của khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục,
mặt khác là do tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và
Đông Âu cùng sự bao vây, cấm vận của chủ nghĩa đế quốc… Chính tại thời điểm
lịch sử này, với trí tuệ và bản lĩnh của người cộng sản được tôi luyện trong
đấu tranh cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng
phân tích nguyên nhân sự sụp đổ và tan rã của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, rút
ra những bài học. Đồng thời, đi sâu chấn chỉnh nội bộ không để Đảng và nhân dân
bị sai lầm, lệch lạc về quan điểm, đường lối; tập trung lãnh đạo toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân đoàn kết thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của
Đảng, tiếp tục tạo nên sức chiến đấu mới, đưa đất nước vượt qua mọi cam go, giữ
vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, với công cuộc đổi mới.
Nhà lãnh đạo có tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động kiên
quyết
Gần 80 năm hoạt động
cách mạng, trong đó có 33 năm là thành viên Chính phủ, 19 năm là Phó Thủ tướng,
3 năm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 7 năm giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam để góp phần quan trọng
cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định đường lối, chiến lược, phương
pháp cách mạng trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong
việc tìm tòi con đường đưa nước ta từ một nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã
hội chủ nghĩa…
Đồng chí Đỗ Mười đã để
lại cho chúng ta di sản tư tưởng lý luận phong phú trên các lĩnh vực chính trị,
kinh tế, quân sự, văn hóa, ngoại giao… mà đặc biệt là trong xây dựng Đảng, xây
dựng Nhà nước ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và phát huy quyền làm
chủ của nhân dân. Chính đồng chí là người khởi xướng xây dựng và thực hiện quy
chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế;
tiến trình công nghiệp hóa và hướng đi lên của nông nghiệp, nông thôn và nông
dân nước ta. Đồng chí góp phần quan trọng khôi phục và mở rộng quan hệ hữu
nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận và bình
thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định
chế tài chính…
Là một trong những học
trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đỗ Mười đã nêu một tấm gương
sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, về lập
trường cách mạng kiên định, đạo đức cách mạng trong sáng, tinh thần cách mạng
triệt để, ý chí tiến công mãnh liệt, chiến đấu không mệt mỏi, không lùi bước trước
bất cứ khó khăn, thử thách nào. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân
dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Với những công lao và thành tích xuất sắc đối với cách mạng, đồng chí Đỗ
Mười đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm
tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa