Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

CÓ NÊN NHẤT THỂ HÓA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC?




                -- ChiếnTrần --

         Trên thế giới, các nước theo mô hình xô-viết còn lại không nhiều. Ở những nước này, theo nhu cầu tự nhiên, việc nhất thể hóa giữa đảng và nhà nước đều đã được thực hiện ở những mức độ khác nhau. Ở Trung Quốc, người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước là một. Ở Lào, người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước cũng là một. Ở Cuba, mức độ nhất thể hóa còn cao hơn nữa – người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu Chính phủ chỉ là một. Như vậy, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới, nơi người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước là hai nhà lãnh đạo khác nhau.

         Thật ra, ở Việt Nam, việc nhất thể hóa giữa người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước cũng đã từng được thực hiện dưới thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969 đến nay, việc này đã không còn được tiếp tục thực hiện. Công bằng mà nói, những cố gắng để nhất thể hóa ở Việt Nam vẫn được triển khai, nhưng ở những cấp thấp hơn. Cụ thể, người đứng đầu Đảng có thể kiêm chức chủ tịch Hội đồng Nhân dân hoặc kiêm chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân ở các cấp chính quyền địa phương. Trong các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ, việc nhất thể hóa được triển khai triệt để hơn. Ở những nơi này, về cơ bản, người đứng đầu Đảng thường đồng thời cũng là người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp.

         Vấn đề đặt ra là một người nắm giữ cả chức vụ bên Đảng và cả chức vụ bên chính quyền nên được coi là một sự kiêm nhiệm hay là một sự nhất thể hóa? Có vẻ như hiểu cho đúng thì đó mới chỉ là một sự kiêm nhiệm mà thôi. Nhất thể hóa phải được hiểu là việc Đảng hóa thân vào Nhà nước, chứ không phải là việc Đảng kiêm nhiệm các chức danh của Nhà nước. Khi Đảng hóa thân vào Nhà nước thì quy trình chính sách chỉ còn diễn ra ở một nơi, khi Đảng kiêm nhiệm các chức danh Nhà nước thì quy trình chính sách vẫn diễn ra ở cả hai nơi – vừa diễn ra ở bên Đảng, vừa diễn ra ở bên Nhà nước. Điều này giải thích những hạn chế rất lớn của mô hình xô-viết. (Các nhà nghiên cứu còn gọi là mô hình nhà nước đảng).

         Hạn chế thứ nhất là quy trình chính sách rất phức tạp và kéo dài. Một quyết sách có thể phải trình ra các cấp của Đảng trước rồi lại phải trình ra các cơ quan Nhà nước. Khi có nhiều ý kiến khác nhau, quy trình lại phải lặp đi, lặp lại không biết mấy lần. Điều này không chỉ làm cho các phản ứng chính sách thường bị chậm trễ (ít nhất là có thể bị chậm trễ gấp đôi so với các nước khác), mà chi phí ban hành quyết định cũng bị đẩy lên cao, đặc biệt là chi phí cơ hội.

         Hạn chế thứ hai là việc xác lập chế độ trách nhiệm thường rất khó khăn. Một chính sách được quyết định ở cả hai nơi thì nơi nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Hạn chế thứ ba là các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực bị phân bổ trùng lặp. Điều này xảy ra do quy trình chính sách được tiến hành ở cả bên Đảng và cả bên Nhà nước. Nhu cầu về nghiên cứu, về phân tích chính sách… vì vậy cũng tương tự như nhau ở cả hai bên. Đó là chưa nói tới những nhu cầu như nhau cho cả hai bên về bộ máy phục vụ, về trang thiết bị và những cơ sở vật chất-kỹ thuật khác. Trong lúc đó, việc sử dụng người tài một cách tập trung, hiệu quả lại gặp khó khăn, vì những người này thường bị phân bổ phân tán cho cả hai bên.

         Hạn chế thứ tư là việc bảo đảm sự chính danh nhiều khi gặp khó khăn. Nếu Đảng hóa thân vào Nhà nước thì hạn chế này sẽ được khắc phục rất dễ dàng vì Nhà nước được hình thành trên cơ sở ủy quyền của nhân dân thông qua bầu cử.

         Việc nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước chắc chắn sẽ giúp chúng ta khắc phục những hạn chế nói trên của mô hình xô-viết. Như vậy, nhất thể hóa Đảng và Nhà nước là xu hướng tất yếu!


1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam yêu nước hãy hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng.

    Trả lờiXóa