Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

SAI ĐẾN ĐÂU XỬ LÝ KIÊN QUYẾT ĐẾN ĐÓ


                                         
Ngày 28-4-2018, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Lợi dụng sự kiện này, một số đối tượng cho rằng, nguyên nhân của việc phạm tội là do “Quân đội làm kinh tế”.
Đã có rất nhiều giấy mực để phân tích vấn đề này, nhưng trước hết, chúng ta khẳng định rằng, Quân đội tham gia sản xuất, kinh doanh không phải do tự phát, thiếu quản lý. Lịch sử cho thấy, trong bất cứ điều kiện nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội luôn thực hiện vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, đảm bảo “thực túc binh cường”, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.
Hơn nữa, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đường lối đổi mới đất nước của Đảng được đề ra từ Đại hội VI, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ban hành nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết 71-NQ/ĐUQSTW, ngày 26-4-2002 về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 về “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Những cơ sở đó giúp Quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Những năm qua, khối doanh nghiệp Quân đội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của số ít cán bộ, trách nhiệm của một số cấp ủy, thủ trưởng doanh nghiệp còn hạn chế dẫn tới buông lỏng quản lý cán bộ; tác động của kinh tế thị trường khiến một số cán bộ chủ quan, thiếu kiên trì nguyên tắc hoạt động, dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật làm giảm sút hình ảnh và uy tín của Quân đội. Đây là mặt trái, là lỗi kỹ thuật trong các hoạt động kinh tế, không phải bản chất của chủ trương, đường lối.
Ác ý hơn, họ còn quy kết cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng là đồng phạm trong vụ việc.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, việc Quân đội tham gia làm kinh tế đã được rút kinh nghiệm kịp thời, luật hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ bởi hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ. Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý kinh tế rất rõ ràng; cá nhân nào làm sai, vi phạm đều phải xử lý theo luật định, nhất là Luật doanh nghiệp. Trên cơ sở các quy định của Luật, các doanh nghiệp xây dựng điều lệ công ty và các văn bản xác định tôn chỉ, mục đích, chiến lược kinh doanh, nhân sự,… và người đại diện cho doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hoạt động của công ty. Theo Điều 7 Luật này, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. Theo Điều 14, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, việc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn hoạt động kinh doanh như thế nào; việc thuê ông Đinh Ngọc Hệ làm Phó Tổng Giám đốc và những sai phạm của ông Thắm là vấn đề nội bộ của Tổng Công ty Thái Sơn.
Điều tra rõ, xử lý nghiêm, bảo đảm tiến độ, không có vùng cấm, ai sai đến đâu, xử lý đến đó là khẳng định của Quân đội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đó là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng./.
                                                                                                              Q38

1 nhận xét: