Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

“LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” LỜI HỊCH CỦA NON SÔNG, TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC



Cách đây đúng 70 năm, ngày 11-6-1948 , Bác Hồ kính yêu đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" nhằm động viên nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi, hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Lời kêu gọi của Người như lời hịch của non sông, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
Bác kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.
Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, không chỉ bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn chung sức đồng lòng, phấn đấu  đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế.
Bác  mong muốn toàn thể đồng bào, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải tích cực thi đua yêu nước: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo… đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện vừa sâu sắc, toàn diện, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Người viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Người  căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
Tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc đã lan tỏa sâu, rộng cả tiền tuyến và hậu phương. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đem hết sức mình tham gia kháng chiến, kiến quốc, đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ, xóa được nạn đói, nạn dốt… Những kết quả đó đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân tộc ta bước vào trận chiến mới với “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, làm dấy lên khí thế hào hùng của cả dân tộc, tạo nên kỳ tích giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào thi đua yêu nước đã không ngừng phát triển, góp phần tạo dựng những thành tựu to lớn, làm cho hình ảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” cách đây đã 70 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài; điều kiện thi đua đã có nhiều thay đổi, nhưng lời “hịch” phong trào thi đua yêu nước của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Đặc biệt, trước những sự kiện trọng đại của đất nước, những khó khăn của nhân dân  do tác động của thiên tai, địch họa thì lòng yêu nước của cả dân tộc lại bùng cháy, toàn dân tộc lại nắm chặt tay nhau cùng thi đua vượt qua khó khăn. Những hành động thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Và đó cũng là minh chứng cho sự trường tồn cùng dân tộc của “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Bác cách đây 70 năm.

                                                                                    Tường Minh

1 nhận xét: