Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Khi kỷ luật là sức mạnh!




Thời gian qua, có rất nhiều những quan chức ở các cấp khác nhau đã bị kỷ luật với những hình thức xử lý cực kỳ nghiêm minh. Cho dù là hình thức nào thì cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, của sự phát triển đi lên. Trong xu hướng đó chúng ta thấy rõ ràng rằng việc kỷ luật đúng người, xử lý pháp luật đúng tội với những cán bộ, Đảng viên là làm cho bộ máy quản lý, điều hành đất nước hoạt động hiệu quả và tích cực hơn. Vấn đề xử lý về mặt Đảng và pháp luật với những cán bộ đương chức cũng như những cán bộ đã về hưu với những sai lầm trong khoảng thời gian còn đương chức đã thể hiện sự nghiêm minh của đất nước. Nó là cần thiết đặc biệt là trong xu thế hiện nay. Nó là sự “gạn đục khơi trong” với những điều từ lâu vốn tồn tại âm ỉ mà không có biện pháp hiệu quả khắc phục.
Kỷ luật ở đây không phải là làm cho cán bộ e dè hơn như nhiều người vẫn nghĩ mà ngược lại, làm cho tất cả quyết tâm hơn, công tâm khách quan và làm việc trách nhiệm hơn, và quan trọng là thể hiện bản lĩnh của mình khi mà cách mạng đang cần. Và kỷ luật là mục đích để bộ máy công quyền của dân, do dân và vì dân vận hành tốt hơn, trơn chu hơn mà thôi. Kỷ luật nghiêm ở đây còn là sự răn đe nghiêm khắc, là tấm gương để cho mọi người, đặc biệt là đối với những công chức đang thực hiện sứ mệnh cao cả với trọng trách của mình. Do vậy, nó chính là công cụ, cách làm hữu hiệu nhất để đảm bảo cho tương lai bền vững của đất nước.
Ở phương diện khác, kỷ luật không vùng cấm cho thấy sự quyết tâm cao độ của Đảng trong cuộc chiến căng go và âm ỉ này. Nó cũng là điều làm cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước không có cơ hội để khoét sâu chống phá nhằm vào tham nhũng, tiêu cực để kích động quần chúng nhân dân vào những hoạt động phức tạp. Hay nói cách khác, nó góp phần không nhỏ để bẻ gãy những luận điệu tuyên truyền sai trái, chống phá vin vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đảng quyết liệt chống tham nhũng mặc dù có những khó khăn, gian khổ. Đồng thời đã thể hiện sự quyết liệt rất thận trọng, mềm mỏng, thấu đáo. 
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng đã được làm quyết liệt. Hơn 10 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế mới đạt ở mức cao như hiện nay với những con số hơn vạn lời nói: GDP: 7,38%; CPI: 2,82%. Điều đó cũng chứng minh rằng tư tưởng kỷ luật nhiều làm cán bộ nhụt chí, ảnh hưởng đến chế độ an sinh xã hội là không đúng mà thực tế là ngược lại.
Mặc dù trong xã hội hiện nay có hiện tượng tâm lý thận trọng quá mức trong thực hiện công việc vì sợ kỷ luật. Đó chính là cách hiểu máy móc, sai lầm trong nhận thức, tư duy. Nên nhớ rằng, hành động sai trái sẽ bị kỷ luật mà không hành động cũng sẽ bị kỷ luật vì thiếu tích cực. Sai thì phải xử lý, cái xử lý ấy để làm việc tốt hơn chứ không phải là làm cho cán bộ nhụt chí. Trên con đường hoàn thiện của nhận thức để vì dân vì nước chắc chắn không tránh khỏi những sai lầm nhưng những sai lầm đó sẽ được cân nhắc trong công và tội. Cái đó nhân dân đã, đang và sẽ hiểu, đồng thời các vị lãnh đạo cũng hiểu điều đó nên không việc gì phải sợ trên con đường làm cách mạng.
Từ xưa đến nay Đảng ta đã luôn ý thức rằng Đảng viên thực chất là những người dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp cách mạng tiên phong, tấn công và quyết liệt chứ không phải là sự rụt rè trong công tác. Đảng và nhân dân ta không cần những con người như thế vì sự rụt rè chứng tỏ chưa đủ bản lĩnh, đủ tài năng và đức độ để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Một khi cái tâm đã trong sáng thì cho dù là dám làm và có sai sót thì đó cũng là điều dễ hiểu và điều đó cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá. Bởi như chúng ta đã biết rằng bất cứ trường hợp nào ở mức độ nào trước khi đưa ra quyết định kỷ luật đã phải tính toán, xem xét rất kĩ càng chứ không phải đơn giản vì ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của chính con người đó cùng gia đình, người thân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rất cụ thể: “Ý kiến cho rằng: Phải làm cẩn thận, sợ và nhụt chí, không ai muốn làm. Tư tưởng đó là sai. Tôi cho rằng Ai cảm thấy rằng cản trở nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm”. Do vậy, ở một vế khác lúc này chính là lúc cần những cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Nếu cán bộ sợ làm sai mà không dám làm thì đó là nhận thức sai lầm, là có vấn đề trong tư duy cũng như năng lực. Những người đó cần được bồi dưỡng thêm để xứng đáng với trọng trách đang nắm giữ.
Việc thực hiện đồng bộ công tác chỉnh đốn Đảng không làm chậm lại sự phát triển kinh tế, xã hội mà sẽ tạo động lực cho sự phát triển như đã nêu. Kinh tế tăng trưởng nhanh, các công tác xã hội được tiến hành công khai, minh bạch, hiệu quả, rốt ráo. Do vậy việc kỷ luật là để phát triển, để thực sự tìm người tài. Và đã là người làm cách mạng thì không được phép do dự.
Công tác chỉnh đốn Đảng cùng những cải cách đã tạo nên bộ mặt tươi mới cho đất nước trong những năm qua. Đặc biệt đã tăng niềm tin của cả xã hội vào Đảng, Nhà nước ta. Đó là điều cảm nhận được và thấy rất rõ không ai có thể phủ nhận. Tương lai sẽ rạng ngời với đúng với bản lĩnh Việt Nam từ bao đời nay./.


1 nhận xét: