Hiện
nay có quan điểm cho rằng “Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo mắc sai lầm trong
việc kiên định quá lâu mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết của chủ nghĩa Mác
- Lê-nin - một
mô hình lạc hậu của một hệ thống tư tưởng lỗi thời và từ lâu đã bị xếp vào kho
tàng lịch sử, làm cho Việt Nam tuy đã hơn 40 năm hòa bình, thống nhất, song đến
nay vẫn trì trệ, suy thoái và hiện đang bên bờ khủng hoảng”.
Quan
điểm này thực chất là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ nhận con đường xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, phủ nhận những thành tựu to lớn, có
ý nghĩa lịch sử của nước ta sau hơn 30 năm đổi mới.
Trước hết,
phải khẳng định quan điểm cho rằng “Việt
Nam kiên định quá lâu mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết” là không đúng
thực tế. Với công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986
đến nay, Đảng ta đã từ bỏ mô hình này, một mô hình có nhiều khuyết tật, như dựa
trên cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phủ nhận kinh tế thị trường, triệt tiêu
nhiều động lực phát triển…Đảng ta đã tự phê bình sai lầm giáo điều trong việc
áp dụng mô hình Liên Xô trước đây. Đảng đã tiến hành đường lối đổi mới, đẩy
mạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để xây dựng mô hình chủ nghĩa xã
hội của Việt Nam. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác
định 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 8 phương hướng cơ bản và
8 mối quan hệ lớn cần nắm vững là sự khái quát lý luận về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lý luận đó cần được tiếp tục
nghiên cứu, tổng kết, bổ sung và phát triển để đáp ứng được yêu cầu của thực
tiễn cách mạng.
Còn chủ
nghĩa Mác - Lê-nin ngày nay vẫn là học thuyết tiên tiến của loài người, điều đó
không chỉ những người mác-xít thừa nhận mà cả một số học giả tư sản cũng thừa
nhận. Các triết gia vĩ đại đều khẳng định C. Mác là một triết gia vĩ đại nhất
của nhân loại từ trước đến nay bởi những cống hiến khoa học xuất sắc của ông. Và
vẫn khẳng định tính đúng đắn của những quan điểm của C.Mác trong điều kiện thế
giới ngày nay vẫn là khoa học. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, như Việt Nam, Trung
Quốc, Cu-ba, Lào và ở nhiều đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, như Đảng
Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Nhật Bản...vẫn khẳng
định rõ vai trò, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học.
Khi
đánh giá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cần phân biệt những giá trị bền vững của những
nguyên lý cơ bản với một số luận điểm cụ thể của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.
Lê-nin đúng trong thời đại, nhất là không được lẫn lộn chủ nghĩa Mác - Lê-nin
với những nhận thức sai và làm trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Cần phân biệt
chủ nghĩa Mác - Lê-nin với quan điểm chủ nghĩa cơ hội, xét lại giả danh
mác-xít, cố tình xuyên tạc, vu khống chủ nghĩa Mác - Lê-nin để chống lại chủ
nghĩa Mác - Lê-nin.
Cần
nhận thức rõ rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết mang bản chất cách
mạng và khoa học, nó không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động,
nó không phải “nhất thành bất biến”. Vì vậy, phải vận dụng sáng tạo và phát
triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với thời đại, với điều kiện lịch sử
mỗi nước, mỗi giai đoạn. V.I. Lê-nin đã từng nhấn mạnh: việc áp dụng chủ nghĩa
Mác ở Nga phải khác với ở Đức, Anh, Pháp...; vì chân lý luôn luôn là cụ thể nên
cách mạng phải sáng tạo. Phân tích cụ thể mỗi tình hình cụ thể là bản chất,
“linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác.
Đối với
cách mạng Việt Nam, vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã được khẳng
định hơn 85 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc chỉ khi đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới tìm thấy con đường cứu
nước, giải phóng dân tộc. Năm 1924, khi đọc Luận cương của Lê-nin về
vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã thấy “Đây là cái cần
thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Trong cuốn Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc viết rằng, bây giờ
chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc
chắn nhấn, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Về sau trong nhiều tác phẩm, bài
diễn văn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò chủ nghĩa Mác -
Lê-nin và yêu cầu học tập, tu dưỡng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lê-nin. Người coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “cái cẩm nang” thần kỳ, “kim chỉ
nam” cho cách mạng Việt Nam. Người viết: “Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa
Mác - Lê-nin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng
lợi trong công tác”;
“Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin... là học tập những chân lý phổ biến của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước
ta”;
“Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập
trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh
nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có
như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng
Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách
mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”.
Tư tưởng
Hồ Chí Minh đều có cội nguồn và được hình thành từ các giá trị truyền thống tốt
đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác -
Lê-nin thông qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn của Người. Chủ nghĩa Mác -
Lê-nin chính là nguồn gốc lý luận, là cơ sở chủ yếu nhất hình thành và phát
triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương
pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nghiên cứu thực tiễn và tìm ra con đường
cách mạng Việt Nam, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, khắc phục
được sự khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí
Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác -
Lê-nin trong thời đại mới. Vì vậy, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn thống
nhất với chủ nghĩa Mác - Lê-nin chứ không có sự đối lập với chủ nghĩa Mác -
Lê-nin. Hồ Chí Minh là người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhờ vậy Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
Việt Nam đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đưa cách mạng Việt
Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì vậy, không thể nhân danh đề cao
tư tưởng Hồ Chí Minh để hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Cương
lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: “Đảng phải nắm
vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng
Hồ Chí Minh”
Còn ý
kiến cho rằng “Hơn 40 năm giải phóng đến
nay đất nước vẫn trì trệ, suy thoái, hiện đang bên bờ khủng hoảng”. Nói như
vậy là bàng quang trước thực tế, bất chấp lịch sử, không khách quan.
Hơn 30
năm đổi mới, như Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn của Đảng đã
khẳng định, đất nước ta đã đạt được những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đất
nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở
thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành, phát triển. Chính
trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường. Văn hóa, xã hội có
bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Dân
chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân
tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh mọi mặt
của đất nước được tăng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng
và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được
nâng cao.
Những
thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển trong những
năm tới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại. Những thành tựu đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn,
sáng tạo, được quảng đại nhân dân thừa nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy
nhiên, bên cạnh đó, đất nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn
nhiều hạn chế, yếu kém phải khắc phục, phấn đấu nỗ lực vượt qua, tận dụng thời
cơ, đẩy lùi thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển đất nước nhanh
và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa vừa phù hợp với tính chất của thời
đại mới - thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóa