Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII có
nêu 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống có biểu hiện là mê tín
dị đoan. Điều đáng lo ngại là các hiện tượng mê tín dị đoan hiện nay không chỉ
tập trung ở các tầng lớp có trình độ học vấn và mức sống thấp, mà ngày càng có
chiều hướng phát triển mạnh trong các bộ phận dân cư có trình độ dân trí cao. Tệ mê tín, dị đoan vẫn tiếp diễn phức tạp trong đời sống xã hội. Cuộc đấu
tranh bài trừ tệ nạn này cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, các
cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.Tệ
nạn mê tín dị đoan diễn ra từng ngày từng giờ nhưng vào dịp Tết Nguyên Đán hàng
năm vẫn là điểm nóng nhất cho vấn nạn này hoành hành.
Mê tín dị đoan là một biểu hiện của suy thoái, tác động tiêu
cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã
hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Do mê tín dị đoan mà
không ít cán bộ, đảng viên không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến vi
phạm pháp luật. như lập đền thờ, xem tướng, bói toán, làm tà thuật
tại nhà. Hàng trăm người đã bị rỗ mặt vì tin “thầy” “di cung, hóa số”. Một
số cán bộ, đảng viên thường xuyên cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín
ngưỡng bình thường. Cũng do mê tín dị đoan, tin tưởng vào bói toán có tướng, số
làm quan, phát tài nên có người còn tìm cách “vận động” mua bán chức quyền.
Thậm chí có trường hợp do tin vào số, mệnh, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của
tổ chức, hãm hại, trù dập cán bộ, tìm cách gạt bỏ những người không hợp với
mình, lôi kéo những người “hợp mệnh” vào cùng ê kíp để dễ bề thao túng. Không
ít cán bộ, đảng viên tin vào sự may mắn, tin vào những yếu tố siêu nhiên nên
thường xuyên đi cầu cúng, tế lễ…
Ngoài ra
mê tín dị đoan còn gây lãng phí của cải, thời gian, cản trở sự phát triển xã hội.
Hằng năm, cả nước đốt đi hàng chục nghìn tấn giấy để làm vàng mã, biến hàng
trăm tỷ đồng thành tro bụi. Nhiều người còn sắm cả Iphone, biệt thự, ô tô, máy
bay, du thuyền, đô-la vàng mã để... cúng cho người đã khuất
Nguyên nhân của tình trạng trên có phần tác động của mặt trái
cơ chế thị trường, làm cho con người dễ sùng bái đồng tiền, tha hóa đạo đức,
lối sống. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho tệ tham nhũng nghiêm
trọng, tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều giá trị truyền thống bị xâm phạm. Nhiều người
giàu có, thành đạt một cách nhanh chóng, bất ngờ nảy sinh quan niệm sự thành
đạt, giàu có là do số phận, do... trời phù hộ. Những giá trị đạo đức truyền
thống bị xâm hại, tốt-xấu lẫn lộn làm xuất hiện “khoảng trống” tinh thần, làm
một bộ phận thiếu niềm tin về hạnh phúc, về điều tốt đẹp trong đời sống hiện
thực, tìm đến sự “đền bù hư ảo” từ thế giới thánh thần.
Để đấu tranh với các tình trạng mê tín dị đoan, bên cạnh việc
tuyên truyền giáo dục, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu,
phải kết hợp với việc xử lý nghiêm những hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê
tín dị đoan, gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần
của nhân dân. Vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, xử lý kiên quyết những bọn
“buôn thần bán thánh”, những thầy tướng, thầy bói, cô đồng… có hành vi lừa bịp,
trục lợi. Làm cho mọi người phân biệt đâu là tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là mê
tín dị đoan, từ đó thấy được đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chân chính,
đâu là lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan.
Bài trừ mê tín dị đoan trong tình hình hiện nay phải đi liền
với tăng cường quản lý các lễ hội. “Hiện nay, nhiều lễ hội được khôi phục và
phát triển nhưng mặt trái của nó là việc khôi phục có chiều hướng tràn lan,
thiếu chọn lọc, thiếu thẩm định, dẫn đến loạn chuẩn. Từ đó, hiện tượng mê tín
dị đoan cũng đồng hành phát triển, đeo bám nhờ vào các lễ hội mà tồn tại. Vì
vậy, lễ hội cần phải được quản lý chặt chẽ, trước khi cho phép hoạt động phải
thấy rõ được tác dụng văn hóa tích cực của nó với đời sống cộng đồng xã hội.
Đồng thời, cần có những quy định hướng dẫn sinh hoạt lễ hội, ngăn ngừa có hiệu
quả hoạt động mê tín dị đoan./.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa