Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo sẽ dừng hoạt
động thu giá đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu
giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động. Đây là quyết định tuyệt vời,
nhằm đúng “huyệt điểm” của nhiều dự án BOT hiện nay. Có lẽ cũng cần nhắc lại, BOT là một chủ trương hoàn
toàn đúng đắn nhằm huy động nguồn lực của nhân dân phục vụ cho sự phát triển của
đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển
khai, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, không ít BOT đã trở thành
“con bạch tuộc” phục vụ cho một số lợi ích nhóm nên đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ
từ nhân dân. Cụ thể, về hình thức đầu tư,
BOT chỉ nên áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. Thế
nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường
hiện có. Thậm chí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc
đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng BOT. Nhiều quốc
lộ bị chia nhỏ cho nhiều nhà đầu tư nâng cấp cải tạo, sau đó thu phí. Về cách thức chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư
xây dựng dự án BOT hiện chưa minh bạch, không thực hiện hình thức đấu thầu công
khai, rộng rãi. Một số nhà đầu tư không đủ năng lực về kinh tế chủ yếu vay từ
nguồn vốn ngân hàng kiểu “lấy mỡ nó rán nó”, “tay không bắt giặc”… Về năng lực nhà đầu tư, nhiều dự án có quy mô rất lớn
nhưng không được chuẩn bị kỹ lưỡng, bị động, phải chỉ định thầu ở tất cả các
khâu, từ đó dễ phát sinh tiêu cực. Năng lực kỹ thuật cơ bản của nhiều nhà đầu
tư rất kém, một số doanh nghiệp “không tên tuổi” trong ngành giao thông, thậm
chí có doanh nghiệp chưa bao giờ tham gia dự án giao thông cũng được nhận dự án
BOT. Về mật độ các trạm thu phí. Theo quy
định, khoảng cách giữa các trạm thu phí tối thiểu là 70 km. Thế nhưng các chủ đầu
tư và địa phương vẫn cố tình để đặt các trạm thu phí quá gần nhau. Khoảng cách
dày đặc giữa các trạm thu phí là vấn đề lớn, gây nên nhiều bức xúc. Chi phí đi
nhiều tuyến đường phí BOT còn cao hơn chi phí nhiên liệu. Đặc biệt, về quản lý hoạt động thu phí bị buông lỏng,
việc xác định thời gian thu phí, mức phí, trạm thu phí các dự án BOT đường bộ vừa
qua còn nhiều bất cập, thiếu sót, mức thu phí cao gây bức xúc trong dư luận.
Cùng với đó là cơ chế kiểm soát nguồn thu còn lỏng
lẻo. Nhiều doanh nghiệp BOT hiện đang tìm mọi cách chống lại biện pháp thu phí
một dừng và thu phí không dừng. Nếu không có cơ chế kiểm soát lưu lượng phương
tiện lưu thông trên dự án BOT, sẽ không kiểm soát được thời gian thu phí. Trong
khi đó, chủ đầu tư luôn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách báo cáo lưu lượng phương
tiện thấp hơn thực tế. Nổi bật trong các
dự án BOT phải kể đến Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đây là nơi “hội tụ” khá đầy đủ các bất
cập khiến dư luận và cả đại biểu Quốc hội nhiều lần lên tiếng. Vì những lý do trên, yêu cầu của Thủ tướng mới đây là
một quyết định rất chính xác nhằm từng bước minh bạch đồng thời kiểm soát được
mức phí cũng như thời gian thu phí. Đây cũng
là bước đi quan trọng cho BOT nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và
quyền lợi chính đáng của nhân dân đồng thời đưa một chủ trương đúng đắn vào quỹ
đạo. Kiên quyết không để lợi ích nhóm trở thành “con bạch tuộc” của nền kinh tế
và BOT trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân. Mong rằng cùng với những quyết sách nhằm chấn chỉnh của
Thủ tướng, BOT cần sớm được “đưa vào lò” để răn đe những “con bạch tuộc” khác…
Cần phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp coi thường kỷ cương phép nước
Trả lờiXóa