Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng trong giai đoạn hiện
nay, bên cạnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn
hoá xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại thì việc đẩy mạnh đấu tranh chống
hiện tượng tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống trên bình diện
toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt quyết định đến sự sống còn của Đảng,
sự thắng lợi toàn diện của sự nghiệp đổi mới.
Thực tiễn hiện nay ở nước ta cho thấy, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” về đạo đức, lối sống không còn là hiện tượng mà nó đã và đang diễn
ra và được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau như sau:
Thứ nhất, biểu hiện đầu tiên của
những người “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống là nhìn nhận đạo
đức, lối sống và phản ánh luôn có sự sai
lệch, đứng trước những vấn đề đạo đức xã hội họ chỉ thấy mặt tiêu cực, mặt xấu
mà không thấy mặt tích cực, không thấy những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp
của dân tộc, của cách mạng.
Thứ hai, biểu hiện cao hơn của
hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống ở những người
có tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống thường là những
người thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, nên dần bị tha hóa, bị
cái xấu lấn lướt những cái tích cực trong con người mình. Điều này đã được Đại
hội lần thứ XII của Đảng nhận định: “Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy
thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên”. Đó chính là sự yếu kém, mất dần cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu,
cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển và dẫn đến sự thoái hóa, biến chất
của chính bản thân con người và tổ chức.
Thứ ba, suy thoái về đạo đức, lối
sống còn biểu hiện ở việc du nhập lối sống tư sản thực dụng, sống buông thả, ngại
học tập, phấn đấu, rèn luyện. Có một bộ phận sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc,
rượu chè, sử dụng ma túy, buôn lậu… và tha hóa về quan hệ gia đình, quan hệ xã
hội. Những người này thường không còn nhiệt huyết cách mạng, tính tích cực bị
giảm sút, phẩm chất cách mạng bị xói mòn.
Nguy hiểm hơn đối với những cán bộ, đảng viên có quyền lực mà rơi vào “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống ngoài việc ngại rèn luyện, lười
suy nghĩ, lười học tập… họ còn hình thành những thế lực ngầm, tạo vây cánh để bảo
vệ, bao che cho nhau, trù dập những người thẳng thắn, có thái độ đấu tranh phê
bình. Họ du nhập, bắt chước lối sống tư sản, coi đó là "lẽ sống của thời đại",
trong khi đó họ lại coi thường lẽ phải, đạo lý.
Suy thoái về đạo đức, lối sống tất dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị.
Ở mức độ này có thể gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trầm trọng. Họ rất
có thể sẽ chuyển hóa thành đối tượng phản động, chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng,
chế độ và nhân dân.
Thực tế hiện nay đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị thoái
hóa về đạo đức, lối sống, đúng như Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) nhận
định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ
vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý
tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi,
tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.
Sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống ở nước ta hiện
nay hết sức nguy hiểm, là lực cản đối với công cuộc đổi mới của Đảng ta, là một
trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Vì vậy, nhận
diện và đấu tranh loại bỏ nó là vấn đề cấp bách của Đảng ta. Để đấu tranh ngăn
ngừa và loại bỏ hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức, lối sống
trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác
giáo dục về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho mọi đối tượng trong xã hội,
xây dựng và cụ thể hoá các chuẩn mực đạo đức mới gắn với các đối tượng cụ thể,
tạo cơ chế và hành lang pháp lý để thực hiện đồng bộ trong xã hội.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện cuộc
vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực
hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 4, Khoá XII của Đảng.
Ba là, lãnh đạo thực hiện có hiệu
quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, gắn với phát huy vai trò
gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan tổ chức.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thi
đua, khen thưởng, biểu dương những cá nhân tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo
đức lối sống trong toàn xã hội gắn với việc phát huy vai trò của mỗi cá nhân
trong tự tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.
Năm là, xây dựng các chế tài xử
phạt với những hiện tượng vi phạm về phẩm chất, đạo đức. Hình thành dư luận xã
hội để điều chỉnh tư tưởng, hành vi mỗi cá nhân theo chiều hướng tích cực./.
Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.
Trả lờiXóa