Hội nhập vào sâu rộng nền kinh tế toàn cầu
chúng ta có nhiều cơ hội phát triển như: được tiếp cận, mở rộng thị trường hàng
hoá, dịch vụ, làm ăn với các nước phát triển; có cơ hội cải thiện môi trường
kinh doanh, thu hút đầu tư, tranh thủ vốn và công nghệ tiên tiến; hưởng các ưu
đãi về thuế xuất, nhập khẩu; bình đẳng với các nước phát triển, không bị các
nước lớn xử ép trong sản xuất kinh doanh; trong xuất, nhập khẩu hàng hoá và
dịch vụ… Tuy vậy, chúng ta cũng đã và sẽ phải tiếp tục đấu tranh để vượt qua
những thách thức không thể xem thường diễn ra trên mọi bình diện của đời sống
xã hội, cả trên lĩnh vực kinh tế, mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hoá, an
ninh-quốc phòng. Đặc biệt, trên mặt trận bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng cũng
đang đặt ra không ít những khó khăn thách thức cần phải đấu tranh vượt qua.
Theo chúng tôi, những thách thức đặt ra
đối với bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội hiện nay cần tập trung
giải quyết là:
Thứ
nhất, đấu tranh chống những tư tưởng lệch lạc trong nội bộ, khắc phục triệt để
những biểu hiện dao động về lập trường tư tưởng và loại bỏ mọi hoài nghi về
tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sự tan rã, sụp đổ của hệ thống xã hội chủ
nghĩa hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô, cùng với những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù lợi dụng để tuyên truyền về
sự phát triển tuyệt đích của kinh tế tư bản chủ nghĩa; về sự tồn tại vĩnh hằng
của chủ nghĩa tư bản và sự lỗi thời lạc hậu của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Trong điều kiện đó, việc chúng ta nỗ
lực đàm phán gia nhập WTO đang tác động và ảnh hưởng đến nhiều bình diện, nhất
là nhận thức, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đối với mục tiêu lý
tưởng, lập trường quan điểm giai cấp công nhân của Đảng; dễ làm nảy sinh tư
tưởng cho rằng: trên thực tế chúng ta đang hoà nhập vào chủ nghĩa tư bản, thừa
nhận sự tồn tại hiện diện của chủ nghĩa tư bản và bắt tay, thoả hiệp, thậm chí
chấp nhận làm ăn theo lối tư bản chủ nghĩa. Trên thực tế, một bộ phận cán bộ,
chiến sĩ do ngộ nhận trong nhận thức, tư tưởng, dẫn đến mắc mưu kẻ thù, hoài
nghi về tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh, cho rằng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang ra sức xây dựng cũng chỉ là
một mô hình lý tưởng, tồn tại trên lý thuyết… Đây là những nhận thức lệch lạc
hết sức nguy hiểm, nếu không được đấu tranh khắc phục kịp thời rất dễ dẫn đến
thái độ đồng tình, thậm chí ủng hộ những quan điểm, tư tưởng đòi phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê-nin; phủ nhận vai trò lãnh đạo
và sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản, phủ nhận chuyên chính vô sản và đấu tranh
giai cấp trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ hai, đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện
mơ hồ, hoài nghi, dao động đối với mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa và công
cuộc đổi mới; củng cố, giữ vững niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ
Đảng, chế độ, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong điều kiện kinh tế nước ta còn chậm
phát triển, khi chúng ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và chấp nhận
sự hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, làm ăn kinh tế với các nước tư bản
phát triển, nhất là với Mỹ, điều đó làm cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội dễ
hoài nghi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta với kinh tế các nước phát
triển. Đặc biệt, đi kèm với những chính sách ưu đãi về kinh tế, các nước phát
triển thường áp đặt những yêu sách về chính trị, lợi dụng chiêu bài dân chủ,
nhân quyền, tự do, tôn giáo để ép buộc chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh đường
lối chiến lược, sách lược. Tình hình đó cũng sẽ làm cho cán bộ, chiến sĩ trong
quân đội hoài nghi về khả năng giữ vững ranh giới giữa kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; hoài nghi giữa
sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường với sự vô tình tạo sơ hở để cho chủ
nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng chống phá cách mạng
Việt Nam theo kiểu "cuộc cách mạng nhung". Ngược lại, cũng rất dễ nảy
sinh tư tưởng chủ quan, mơ hồ, ngộ nhận cho rằng chúng ta hội nhập WTO tức là
trở thành đồng minh của các nước tư bản phát triển trên thế giới, quyền lợi
Việt Nam gắn bó mật thiết với quyền lợi của các nước tư bản lớn, từ đó dẫn tới
buông lỏng ý thức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch.
Ba là, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi
hoạt động chống phá bằng "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù
địch.
Khi chúng ta gia nhập WTO, thông qua các
hiệp định song phương, đa phương và hình thành các khu kinh tế mở…, thì vấn đề
bảo đảm an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chống "diễn biến hoà
bình" lại càng thêm khó khăn. Hàng loạt vấn đề mới về an ninh quốc gia,
hoặc liên quan đến an ninh quốc gia xuất hiện như: an ninh kinh tế, văn hoá,
thông tin… đã, đang làm cho khả năng kiểm soát, ngăn chặn của Nhà nước ta hết
sức khó khăn, kém hiệu quả. Trong khi đó, các cuộc xâm nhập, tiến công từ bên
ngoài bằng các thủ đoạn thông tin kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá và các
cuộc chiến trên mạng internet diễn ra ngày càng phức tạp.
Hiện nay, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót
trong cơ chế quản lý của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch đã ra sức kích
động và lợi dụng khoét sâu những sai lầm, thiếu sót của chúng ta, nhất là sự
thoái hoá biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, Nhà
nước, ra sức kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng tạo dựng ngọn cờ, tạo ra các
tổ chức, lực lượng phản động hoạt động công khai, ngang nhiên tiến công, chống
phá cách mạng nước ta; đồng thời tạo ra khoảng trống trong ý thức hệ, tác động
làm xói mòn niềm tin của cán bộ, chiến sĩ ta đối với vai trò lãnh đạo của Đảng,
với mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang ra sức phấn đấu thực
hiện. Đây là thách thức rất lớn đặt ra trong bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội
nói riêng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua trong suốt quá trình hội nhập, đặc
biệt trong giai đoạn hiện nay.
Bốn là, giữ vững nguyên tắc, nền nếp chế
độ sinh hoạt và hoạt động của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
của các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Quân đội.
Khi hội nhập WTO chúng ta phải chấp nhận
sự điều chỉnh hệ thống luật pháp và các văn bản dưới luật cho phù hợp với những
hiệp ước, quy chế, quy ước, chế tài hoạt động của WTO. Do đó, chúng ta phải
kiên trì, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng,
với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và sự nghiệp lãnh đạo xây dựng nền
quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Mặt khác, đòi hỏi
toàn Đảng, cũng như từng tổ chức đảng phải nỗ lực vươn lên, không ngừng nâng
cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho ngang tầm nhiệm vụ. Vấn đề đó vừa là
yêu cầu khách quan vừa là nhu cầu nội tại của các tổ chức cơ sở đảng trong quân
đội hiện nay. Thực trạng công tác xây dựng Đảng trong quân đội hiện đang tồn
tại nhiều vấn đề bất cập cần tiếp tục được khắc phục để không ngừng nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, bảo vệ Đảng, bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng trong
quân đội hiện nay phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng Đảng bộ Quân đội vững
mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trước hết là nâng cao năng lực tham mưu
cho Đảng, Nhà nước về những vấn đề thuộc đường lối nhiệm vụ quân sự quốc phòng;
nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức
đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chấp hành
nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong
sinh hoạt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng…
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa