Qua nghiên cứu của các
chuyên gia cho thấy, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong
mỗi tổ chức chính trị-xã hội như: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội
Cựu chiến binh... có những biểu hiện cụ thể khác nhau, nhưng đều gây nên những
tác hại to lớn cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các tổ chức và mỗi
con người trong các tổ chức ấy.
Tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với
các tổ chức chính trị-xã hội không chỉ làm suy giảm vai trò, tiến tới làm tan
rã các tổ chức, mà còn gây tác hại to lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý, điều hành của Nhà nước và đối với cả sự tồn vong của chế độ.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
các tổ chức chính trị-xã hội có biểu hiện ban đầu là suy giảm bản chất, tính
chất của tổ chức trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Về chính trị là
dần rời xa mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, của giai cấp công nhân, không
quán triệt và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Về tư tưởng là dần rời xa Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, để trào lưu tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa ngày càng xâm nhập, thẩm
thấu vào các tổ chức chính trị-xã hội. Về tổ chức là ngày càng rời xa những
nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mỗi tổ chức xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn biểu
hiện ở chỗ làm cho sức mạnh của các phong trào hoạt động cách mạng bị suy giảm,
không còn khơi dậy được sức mạnh của toàn dân, không cổ vũ, tập hợp được hội
viên, đoàn viên nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chung của tổ chức
mình. Thậm chí hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn làm cho tổ chức
chính trị-xã hội không còn là chính mình, không còn là tổ chức chính trị-xã hội
xã hội chủ nghĩa. Ở khía cạnh cá nhân: Các hội viên, đoàn viên khi bị “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” lung lạc thì ban đầu là mất đi tính tích cực, trách
nhiệm của thành viên đối với tổ chức; không còn thiết tha với các hoạt động của
hội, đoàn, hoặc không thực hiện đúng các tôn chỉ, mục đích của hội, thậm chí
còn xuất hiện hiện tượng nói, viết ngược lại với chủ trương, đường lối của
Đảng, chống lại các chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đó là dấu hiệu cho
thấy sự biến chất về chính trị, tư tưởng, là dấu hiệu tan rã của các tổ chức
chính trị-xã hội. Các tổ chức lúc này hoàn toàn mất vai trò tập hợp hội viên,
đoàn viên, quần chúng nhân dân đi theo Đảng, thực hiện mục tiêu, lý tưởng của
Đảng.
Vì vậy có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là
rất nguy hiểm và hiện nay, các thế lực thù địch đang tích cực chĩa mũi
nhọn vào các tổ chức này, hòng xâm nhập dần vào tư tưởng của các hội viên, đoàn
viên, để từ đó tác động, làm thay đổi dần nhận thức và hành động của họ. Việc
ngăn chặn hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các tổ chức chính
trị-xã hội là việc làm cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân mà
trước hết là của mỗi hội viên, đoàn viên trong chính các tổ chức chính trị-xã
hội ấy.
Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt mới đem lại kết quả.
Trả lờiXóa