Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Phê phán một số quan điểm phủ nhận, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng


Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Đường lối đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Nhờ thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến của những “công dân”, “nhà báo”, “nhà nghiên cứu”, “người yêu nước”... dưới các hình thức “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “phản biện”... nhằm phê phán, bác bỏ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nổi lên là các quan điểm: (1) Để giữ độc lập, chủ quyền... phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tẩy chay người Trung Quốc, phải chống Trung Quốc; (2) Nếu Đảng, Nhà nước vẫn “kiên định”, vẫn “khăng khăng” giữ chính sách quốc phòng “Ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) như thế là “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”(!)...
Vậy, bản chất những quan điểm, luận điệu đó thế nào? thực chất đây là những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định tính đúng đắn, khoa học trong đường lối đối ngoại của Đảng và bác bỏ những quan điểm sai trái nêu trên. 
Thứ nhất, phê phán luận điệu: Để giữ độc lập, chủ quyền... phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tẩy chay người Trung Quốc, phải chống Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị. Tình cảm hữu nghị giữa hai nước đã được xây dựng qua nhiều thế hệ, trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Quan hệ giữa hai nước tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và luôn mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững([1]1). Với những thỏa thuận đã được hai nước đàm phán, ký kết trong những năm qua, hai bên cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; nhưng đồng thời cũng quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này vẫn luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.
Rõ ràng những “kiến nghị”, “lời kêu gọi” “bài Trung”, “tẩy chay hàng hóa Trung Quốc”, “không tiếp khách Trung Quốc”... được phát tán trên mạng xã hội, trên một số trang báo điện tử và những hành vi kích động, đập phá của người biểu tình ở Bình Dương, Vũng Áng... thời gian qua là những tư tưởng và hành động sai trái, thâm độc cần phải phê phán, bác bỏ. Những tư tưởng, hành động đó thực chất là xuyên tạc, đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cổ súy cho chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động bạo lực, kích động chiến tranh và hận thù dân tộc. Những tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích đó không những đã làm thiệt hại cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) tại Việt Nam mà còn trực tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người lao động, người sản xuất, kinh doanh Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự xã hội; làm suy yếu đất nước từ bên trong, làm xấu đi hình ảnh của một Việt Nam thanh bình, yêu chuộng hòa bình, là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt bè bạn quốc tế và vì thế mà càng gây thêm khó khăn cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta([1]2). Do đó, cũng giống như những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, những tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích đó đã làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị tốt đẹp của nhân dân hai nước Việt - Trung.
Thứ hai, phê phán quan điểm: Đảng, Nhà nước vẫn“kiên định”, vẫn “khăng khăng” giữ quan điểm “ba không” là “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”(!).
Đề nghị “chỉnh sửa”, “thay đổi”, “từ bỏ” chính sách “ba không” được phát tán trên mạng chỉ là quan điểm của một số người hoặc chưa hiểu đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn của chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, hoặc đó là những phần tử cơ hội, bất mãn, thù địch với ý đồ thâm độc, nham hiểm. Họ là một bộ phận rất nhỏ, tiếng nói đó không thể là đại diện cho tiếng nói của nhân dân và dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường, luôn mong muốn chung sống hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng và anh em bè bạn quốc tế. Nếu một đảng chỉ biết theo đuôi quần chúng, làm theo một cách mù quáng tất cả các đề xuất, kiến nghị của quần chúng, nhất là những kiến nghị, góp ý của một bộ phận “quần chúng”, một số “trí thức”, “học giả” với tư tưởng cực đoan, thù hận, với tinh thần nhược tiểu, yếu hèn thì đảng đó cũng không thể tồn tại lâu dài để lãnh đạo nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” nói riêng chính là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối ấy có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công khai. Do đó, thực chất quan điểm, đường lối của Đảng chính là ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng tất cả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, bằng tình cảm yêu nước thiết tha và trí tuệ thông minh, sáng tạo của mình dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.
Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Rõ ràng, trong vấn đề đối ngoại, kể cả chính sách đối ngoại quốc phòng, lòng dân và ý Đảng gắn bó, thống nhất chặt chẽ. Không hề có chuyện,“dân đi một đường, Đảng đi một nẻo” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Vì thế, không thể chấp nhận quan điểm “thay đổi”, “từ bỏ” chính sách “ba không”. Ngược lại, chúng ta cần nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ, xác định rõ đây là một trong những nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ về lĩnh vực quốc phòng, đối ngoại.


1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam hãy yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh, đừng để cho bọn phản quốc lợi dụng.

    Trả lờiXóa