Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Nhận diện loại cơ hội về chính trị ở Việt Nam hiện nay


Chủ nghĩa cơ hội xuất hiện vào cuối của thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nó xuất hiện ngay trong hàng ngũ những người Mác xít. Chúng là những kẻ đội lốt Mác xít để chống lại chủ nghĩa Mác, nhằm phục vụ cho mục tiêu phản động của giai cấp tư sản, đánh lạc hướng phong trào công nhân và chống phá Đảng Cộng sản. Lênin đã vạch trần bộ mặt thật và đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội.
Ngày nay, trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, thì các thế lực thù địch và chủ nghĩa cơ hội càng hiện rõ nguyên hình. Trước sự thất bại tạm thời của hệ thống chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ nghĩa tư bản (CNTB) đang có những bước điều chỉnh để tồn tại, từ đó đã có sự ảnh hưởng về tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân, làm nảy sinh nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều loại chủ nghĩa cơ hội khác nhau ở nước ta.
Loại cơ hội về chính trị: tính chất của nó là “không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại”[1]. Họ không có quan điểm chính trị rõ ràng, phai nhạt lí tưởng cách mạng; luôn ngả nghiêng, dao động về chính trị, không kiên định nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra “cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thoả hiệp. Những người này thường che dấu bộ mặt thật; vừa tỏ ra ủng hộ đường lối của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin; vừa với danh nghĩa đổi mới tư duy để bổ sung, cụ thể hoá đường lối của Đảng, thêm “chi tiết” này, “khía cạnh” kia mà thực chất là sửa lại đường lối của Đảng theo ý muốn của chúng. Họ sẵn sàng quì gối, uốn lưỡi cho vừa lòng và hợp với quan điểm của cấp trên và quần chúng; hòng tạo dựng uy tín, kiếm chác lá phiếu trong các dịp bầu cử.
Tư tưởng cơ hội chính trị ở nước ta thường được gắn với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội về đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo.
Ngày nay, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, danh hiệu, chức tước, quyền lực đối với một số cán bộ, đảng viên đã trở thành phương tiện để làm giàu bất chính. Không ít cán bộ, đảng viên sống tính toán thực dụng, không trung thực. Sự sa đọa, thoái hoá về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên thường biểu hiện dưới các dạng khác nhau như: xa rời lối sống cần, kiệm, liêm, chính để chạy theo lối sống thực dụng, tất cả vì đồng tiền, sống xa hoa lãng phí, trụy lạc, trác táng trong các hộp đêm, nhà hàng; sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ muốn “mọi người vì mình” mà không thực hiện lối sống “mình vì mọi người” để gần gũi, gắn bó với quần chúng. Họ sống xu thời, khéo nịnh bợ, gây bè, kéo cánh, cục bộ địa phương, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Lối sống cơ hội thực dụng ấy với chủ nghĩa cá nhân chỉ là một mà thôi.
Sự suy thoái, biến chất về tư tưởng và lập trường chính trị và sự suy thoái về đạo đức, về lối sống của một số cán bộ, đảng viên là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội phát triển, là nguy cơ “tự diễn biến từ bên trong” của Đảng và chế độ ta. Nhưng chúng ta “chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống”[2]. Ai cũng đồng tình ủng hộ với các quan điểm đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu; nhưng chúng ta chưa chú ý  phân tích kỹ và phê phán nghiêm khắc chủ nghĩa cơ hội cơ hội, thực dụng. Tư tưởng cơ hội về chính trị và đạo đức lối sống bộc lộ tuy ở một ít người, nhưng tính chất của nó rất nguy hiểm; nếu chúng ta không kịp thời đấu tranh phê phán, vạch trần sẽ có thể lây lan trong xã hội và nguy cơ thật khó lường.



[1] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H. 1979, tr. 476-477.

[2]  ĐCSVN, Văn kin ĐHĐB toàn quc ln th IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 52.

1 nhận xét:

  1. Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

    Trả lờiXóa