Chống tham nhũng,
tiêu cực trong khu vực kinh tế Nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa doanh nghiệp
Nhà nước là lĩnh vực rất “nóng” nhưng hết sức phức tạp, khó khăn.
Với tinh thần “không có giới hạn, không có
vùng cấm”, thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm đã và đang được đưa ra ánh
sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng,
vẫn có những kẻ cố tình xuyên tạc, kích động sai sự thật, hòng làm suy giảm
niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống "giặc
nội xâm".
Cuộc chiến kiên quyết, nhất quán, liên tục
Một số kẻ rất xảo trá khi một mặt thường rêu
rao, chỉ trích Đảng, Nhà nước ta yếu kém trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước
nhưng ngay sau khi hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến doanh
nghiệp Nhà nước bị phanh phui thì họ lại lắt léo phê phán Đảng, Nhà nước và bênh
vực cho những đối tượng liên quan.
Trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chỉ đạo xử lý nghiêm thì đã xuất hiện
những kẻ “lưu manh” chính trị tung ra “hỏa mù” rằng: Hoàn toàn không có tham
nhũng, chỉ là làm ăn lỗ vốn, đã có thanh tra kết luận không có dấu hiệu của tư
lợi cá nhân. Từ đó, họ rêu rao: Đảng can thiệp quá sâu, cố “thổi phồng”, “đã
chỉ đạo thì kiểu gì cũng có tội”. Tương tự, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng chỉ đạo làm rõ các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị
Kim Thoa, đã xuất hiện ngay những luận điệu như: “Mớm bóng cho dư luận bức
xúc”, “sở hữu cổ phần như thế không có gì sai”, “Đảng đã ra tay thì kẻ không có
tội cũng thành có tội”. Từ đó họ cho rằng, Đảng đã “lấn sân” chính quyền trong
chống tham nhũng.
Trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu người dân khi nghe thông tin về vụ việc Trịnh Xuân
Thanh cần để ý. Đây mới là kỷ luật về Đảng, về công tác cán bộ, chứ chưa nói
đến hình sự, kinh tế, nói đến việc 3.200 tỷ đồng. Những việc đó cần phải qua
nhiều khâu điều tra, xử lý. Cùng với xử lý kỷ luật Đảng thì Nhà nước, chính
quyền phải có xử lý. Qua ý kiến của Tổng Bí thư, cho thấy, Đảng ta lãnh đạo
chặt chẽ nhiệm vụ chống tham nhũng nhưng không bao biện, không làm thay Nhà
nước.
Năm 2012, với 94,98% số đại biểu tán thành, Quốc
hội đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nổi bật
là thay thế mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu
bằng việc lập Ban chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm
Trưởng ban.
Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định
số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau 4
năm ra đời, Ban chỉ đạo hoạt động ngày càng hiệu quả. Chỉ riêng năm 2016, Ban
chỉ đạo đã thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ
việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm
trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, đã kiến nghị
42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ
đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra 11
nhóm kiến nghị; yêu cầu chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với
29 cơ quan, đơn vị liên quan. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp
được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh như các vụ án: Phạm Công Danh, Hà Văn
Thắm, Lê Dũng, Phạm Ngọc Ngoạn, Huỳnh Thị Huyền Như…
Bốn năm qua, trong tổng số 40 vụ án và 7 vụ việc
Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ/330
bị can; đã truy tố xét xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ/137
bị cáo, với mức án nghiêm khắc (7 bị cáo với 8 mức án tử hình, 14 bị cáo với 15
mức án tù chung thân, 6 bị cáo có mức án tù 30 năm, 203 bị cáo có mức án tù từ
15 tháng đến dưới 30 năm)…Việc điều tra, truy tố, xét xử rất nghiêm khắc đã
gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân
đồng tình ủng hộ.
Những con số trên cho thấy, Đảng ta đã lãnh đạo,
chỉ đạo phòng, chống tham nhũng rất nghiêm minh, toàn diện, không phải “chỉ có
vụ Trịnh Xuân Thanh”, “chỉ làm vài vụ để tuyên truyền”...
"Đánh trống" phải chắc chắn, chính xác
Một số thành phần cơ hội chính trị cho rằng,
trong lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước vì bị vướng bởi lợi ích nhóm nên Đảng ta
chỉ “đánh trống phát một” mà không dám “đánh trống trận”, "đánh chuột còn
sợ vỡ bình quý"...
Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng
sản là người từng có dịp báo cáo với Tổng Bí thư vấn đề nhân dân quan tâm vì
sao không “đánh trống liên hồi”. Ông cho biết: "Mặc dù Tổng Bí thư là
người hết sức cẩn trọng, nhưng ở những thời khắc quyết định có tính bước ngoặt
thì ông luôn tỏ rõ là người hết sức bản lĩnh, mưu lược và đầy quyết đoán. Trước
khi quyết định một việc gì ông cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống,
xem xét kỹ mọi khía cạnh. Và khi đã quyết rồi thì ông không bao giờ chùn bước.
Riêng với vụ việc Trịnh Xuân Thanh và cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “khi Tổng Bí
thư đã chỉ đạo thì vụ việc là hết sức nghiêm trọng và kết quả sẽ sớm được làm
rõ. Những người có liên quan, dù đó là ai, giữ chức vụ gì, nếu có sai phạm thì
chắc chắn sẽ bị nghiêm trị”.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày
6/8/2016 vừa qua, có cử tri đặt câu hỏi: “Tổng Bí thư đã đánh trống rồi, tại
sao không đánh liên hồi, mà lại đánh nhát một”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
trả lời: “Đánh” là phải thận trọng, “đánh” đâu chắc đó!
Câu trả lời trên đã thể hiện rõ quan điểm và bản
lĩnh của Đảng ta trong cuộc chiến cam go, phức tạp này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ
Chí Minh cũng từng căn dặn: Chống tham nhũng “phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ
chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng
người cầm dùi trống phải hết sức thận trọng. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn
cảnh cụ thể mà đánh trống tiếng một hay liên tục. Chống tham nhũng, tiêu cực
cần phải thận trọng, đúng người đúng tội. Muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì
công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, làm đến nơi đến chốn, không được “mang
thúng úp voi”. Cũng chính tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 6/8/2016, Tổng Bí
thư có nói rằng, trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy còn rất nhiều vấn đề
hệ trọng, các cơ quan chức năng đang điều tra, chưa thể công bố ra hết được.
Thực tiễn điều tra, xác minh các vụ việc thời
gian qua đã cho thấy những ý kiến Tổng Bí thư nêu ra là hoàn toàn xác đáng.
Thực tiễn cũng đã là lời chứng minh đanh thép cho những luận điệu tiêu cực cho
rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh là “có bé xé ra to”, “làm trầm trọng hóa vấn
đề”. Liên quan vụ án Trịnh Xuân Thanh, ngày 15/2/2017 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát
điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố 5 bị can, tạm giam 4 người và cấm đi
khỏi nơi cư trú một người. Những cán bộ trên đều liên quan đến các sai phạm
khiến cho hàng nghìn tỷ đồng tiền dự án của Nhà nước bị mang trả nợ và kinh
doanh bất động sản dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và nợ nần chồng chất.
Từ chỉ đạo của Đảng, các cơ quan pháp luật vào
cuộc thời gian qua cho thấy, vụ việc Trịnh Xuân Thanh ẩn chứa hàng loạt sai
phạm nghiêm trọng khác, liên quan đến nhiều người, nhiều đường dây và như Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “cũng chỉ là một ví dụ”. Chống tham nhũng muốn
thành công, sau hồi trống lệnh của Tổng Bí thư, còn cần phải có sự vào cuộc của
cả hệ thống chính trị, đúng như Bác Hồ từng căn dặn phải dựa vào dân. Người
nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng
trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn
pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ
ẩn nấp”.
Không có “đánh chuột sợ vỡ bình”
Một số người cố tình xuyên tạc phát biểu của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, “đánh chuột sợ vỡ bình quý” vì vướng lợi ích
nhóm. Trên thực tế, có thể dễ dàng tìm lại những bài nói, bài viết, không hề có
một chữ nào thể hiện quan điểm bao che, hay e dè một vấn đề gì. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng luôn kiên định lập trường “không có vùng cấm trong việc chống
tham nhũng”, “nói đi đôi với làm”. Thời gian qua, nhiều đối tượng, nhiều vụ
việc đều bị xử lý nghiêm minh, bất kể cán bộ vi phạm là ai. Tuy nhiên, là người
lãnh đạo luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
thận trọng chỉ ra rằng: Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn với giữ ổn định
chính trị có nghĩa là đấu tranh kiên quyết nhưng phải hết sức khôn khéo, tỉnh
táo, không để kẻ xấu lợi dụng làm mất ổn định; không được lợi dụng chống tham
nhũng để chống phá Đảng. Những chỉ đạo đó là hoàn toàn đúng đắn.
Ngay trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà
nước, một lĩnh vực mà thường bị các thế lực xấu cho rằng, Đảng ta “không muốn
chống tham nhũng” vì vướng nhiều “đặc quyền đặc lợi” thì thời gian qua, lãnh
đạo Đảng, Nhà nước đều chỉ đạo quyết liệt phải đẩy mạnh cổ phần hóa và siết
chặt xử lý các lỗ hổng.
Chỉ đạo làm rõ thông tin liên quan đến Thứ
trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu
rõ: Yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu,
rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị
việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế
trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát
tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá
trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Gần đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt
Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất, có thể tăng thu cho
ngân sách Nhà nước hơn 15 tỷ USD từ tiến trình bán cổ phần tại các doanh
nghiệp Nhà nước, nguyên nhân chưa làm được là do nhiều doanh nghiệp Nhà nước
tuy đã được cổ phần hóa mà không chịu niêm yết và thoái vốn. Trong văn bản, ông
Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI đã chỉ đích danh 2 trường hợp
doanh nghiệp Sabeco và Habeco (Bộ Công Thương) tìm mọi cách trốn tránh niêm yết
trong 9 năm. Chỉ đến khi có sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ thì
Sabeco và Habeco mới chịu làm thủ tục niêm yết. VAFI cũng cho rằng, có tình
trạng ngăn cản việc niêm yết từ lãnh đạo bộ chủ quản mà cụ thể là nguyên Bộ
trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là những người
đã cản trở hai doanh nghiệp trên niêm yết với nhiều lý do. Một trong những lý
do đó là việc bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại
doanh nghiệp.
Ý kiến của VAFI nêu trên thêm một dẫn chứng cho
thấy chúng ta rất quyết liệt đổi mới, không níu kéo lợi ích trong cổ phần hóa.
Sau 26 năm kể từ khi thí điểm cổ phần hóa (1991), Đảng, Nhà nước ta đã kiên
quyết thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Số lượng doanh
nghiệp nhà nước giảm mạnh, từ 12.000 doanh nghiệp năm 1993 đến nay cả nước chỉ
còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và đến năm 2020 sẽ chỉ còn 190 doanh
nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều
lần khẳng định quyết liệt cổ phần hóa, những lĩnh vực trong và ngoài nước làm
tốt hơn thì để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Nhà nước dành tiền đầu tư những dự
án then chốt, có tác động tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tại một
hội nghị cuối năm 2016, thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, lợi ích cục bộ
chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa và khẳng định, cổ phần hóa
và tái cơ cấu sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng vì có nhiều cổ đông cùng giám
sát vốn.
Những “hồi trống lệnh” chống tham nhũng mà Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng gióng lên đã đáp ứng được mong mỏi của đảng viên và
nhân dân cả nước. Những hồi trống kiên quyết, chắc chắn ấy sẽ tạo ra những
chuyển động đột phá, giúp cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng, Nhà
nước ta ngày càng thành công hơn nữa.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa