Ngày nay, mạng xã hội là một thực tế không thể chối bỏ
trong xã hội hiện tại. Nó giúp các cá nhân bộc lộ cảm xúc, kết nối, chia sẻ với
nhau, với cộng đồng thông qua những ứng dụng của internet. Mạng xã hội là một
phương tiện cần thiết, phù hợp nếu mỗi người hiểu biết sử dụng nó đúng cách.
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù
địch lợi dụng hay nói cách khác, làm thế nào để không vô tình trở thành những
cái máy nhân bản những thông tin không có lợi cho đất nước là điều mà mỗi người
sử dụng mạng xã hội phải thực sự quan tâm.
Các đối tượng xấu thường sử
dụng chiêu trò gì để lừa những người tham gia mạng xã hội? Trước hết, cần nhận
diện những trang báo, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và
đang hằng ngày liên tục đăng tải những thông tin xấu độc. Các thế lực và các
nhóm phản động, bất mãn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tạo dựng các website
cá nhân, lập diễn đàn, lập các trang fanpage để tạo nội dung, chia sẻ và trích
dẫn ở khắp nơi trong môi trường truyền thông trên internet.
Để thu hút người truy cập,
trong giai đoạn đầu, những nhóm quản trị các trang web, các diễn đàn này đã cố
gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ nguồn báo chí chính thống và các nguồn
tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ “khách quan”. Khi đã thu hút một số lượng
công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ
lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản
động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc
biệt là giới trẻ, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên
mạng xã hội, dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch, dễ bị dẫn dắt và bị
động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc.
Những thủ đoạn ngày càng tinh
vi của các thế lực thù địch: Thuê người làm dữ liệu giả (ảnh, video clip, audio
hiện trường) để đưa lên mạng xã hội, các diễn đàn. Đây là một thủ đoạn khá
thông dụng hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng để xuyên tạc sự
thật, cung cấp thông tin sai lệch về các cá nhân v.v.; dùng kỹ thuật và công
nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và
thông tin giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang
hồ sơ liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo, thân nhân của họ
và kích thích trí tò mò của công chúng bằng “thông tin lề trái, thông tin bí
mật”.
Cách thức mà các thế lực
phản động sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây là: Kết bạn với những
người dùng facebook, chủ yếu là những người có uy tín, các nhà báo, trí thức,
những người có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng… tìm chọn trích dẫn những câu
nói, phát biểu, bình luận của họ về một vấn đề nào đó, sau đó đưa vào bài phân
tích và bóp méo, xuyên tạc sự việc theo ý đồ của họ.
Tại sao những trang
tin, những trang báo phản động... trên mạng xã hội vẫn tồn tại? Có một thực tế,
không quá khó để bắt gặp hàng vạn công chức vẫn miệt mài “lướt phây” trong giờ
hành chính. Không quá khó để tìm ra những thông tin mang tính chất nội bộ của
nhiều cơ quan được vô tình hay cố tình đăng lên facebook. Sự bất cẩn, sự lỏng
lẻo trong quản lý và sự vô tâm của không ít người khi sử dụng mạng xã hội… thực
sự là mảnh đất màu mỡ để các thế lực phản động gieo mầm tai họa.
Mạng xã hội như cây cầu nối
gần mọi người lại với nhau, nhiều cảnh đời khổ đau bất hạnh đã được cộng đồng
chia sẻ, giúp đỡ; những người thân đã tìm thấy nhau… Nhưng trên “cây cầu thông
tin” ấy cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường nếu ta đi sai đường. Đã có người
mất mạng chỉ vì một vài lời đăng trên facebook. Đã có người mất việc, mất danh
dự cũng vì facebook. Rất nhiều người khác thậm chí đã mất đi quyền riêng tư khi
tài khoản bị tội phạm mạng tấn công, chiếm quyền sử dụng… Thế giới ảo, nhưng
hiểm họa là có thật.
Làm thế nào để trở thành
những người sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin một cách thông minh? Làm
thế nào để xây dựng trận địa tư tưởng vững vàng trong một thế giới tràn ngập
thông tin? Làm thế nào để không tự biến mình thành mảnh đất để các thế lực thù
địch gieo rắc mầm tai họa?
Câu trả lời của mỗi người là
không hoàn toàn giống nhau, nhưng có một điểm chung là mỗi người khi tham gia
các trang mạng xã hội hay phát ngôn trên các phương tiện truyền thông đều phải
nêu cao ý thức trách nhiệm. Trước hết cần nhận diện rõ những trang mạng, những
diễn đàn... đăng thông tin sai sự thật; chủ động phản bác những luận điệu xuyên
tạc, bóp méo sự thật./.
Mỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn, có nhãn quan chính trị và tỉnh táo tránh bị kẻ xấu lợi dụng
Trả lờiXóa