Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

MỸ TUYÊN BỐ KHÔNG XÓA NỢ CHO CAMPUCHIA VÀ MỘT SỐ SỐ LIỆU LIÊN QUAN ĐỐI VỚI VIỆT NAM


Đại sứ Mỹ tại Campuchia tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cân nhắc xoá món nợ từ thời chính quyền Lon Nol, nay đã lên đến khoảng 500 triệu USD và nhấn mạnh Phnom Penh nên tìm cách trả nợ.
Chính quyền Cộng hoà Khmer do Lon Nol lãnh đạo những năm 1970 đã vay của Mỹ số tiền 274 triệu USD. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia hiện tại từ chối trả món nợ này vì vào năm 1993, Quốc Hội Campuchia đã ra Nghị quyết coi chính quyền Campuchia Cộng hòa của Lon Nol là bất hợp pháp.
Sau nhiều năm, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ hiện đã tăng lên thành 500 triệu USD, dù đã "thiện chí" không tính lãi 16 năm. Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần đề nghị phía Mỹ xoá món nợ này.
Tuy nhiên đại sứ Mỹ tại Campuchia, William Heidt, trong cuộc họp báo hôm 3.2 khẳng định rằng Mỹ sẽ không cân nhắc xoá nợ cho Campuchia, theo Cambodia Daily ngày 6.2.
Đại sứ Heidt cho rằng chừng nào Campuchia chưa trả nợ cho Mỹ và các chủ nợ khác thì nước này không thể có được những cơ hội vay tiền từ thị trường quốc tế.
Xem ra, đúng là chỉ có người Nga vẫn luôn hào hiệp, khi những năm qua đã xóa cả trăm tỷ Đô la tiền nợ của các nước.
Cần biết, trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 (1955 - 1975), tổng viện trợ của quốc tế cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ trên 5 tỷ Đô la. Trong khi đó tổng viện trợ và chi tiêu của Mỹ cho chế độ VNCH lên tới 20 tỷ đô la.
Trong 21 năm, lượng viện trợ kinh tế mà Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa tổng số tiền hơn 10 tỷ USD (không tính viện trợ của hàng chục quốc gia khác cho VNCH, trong đó có cả viện trợ từ chính..CAMPUCHIA và Lào!). Nếu tính cả chi tiêu tại chỗ của lính Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan đóng tại miền Nam Việt Nam (lên tới vài trăm triệu USD mỗi năm và cũng do Mỹ chi trả) thì tổng lượng tiền mà Mỹ đổ vào kinh tế Việt Nam Cộng hòa lên tới trên 20 tỷ USD (thời giá 1960), tương đương 140 tỷ USD theo thời giá 2015.
Hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa chính là các khoản viện trợ kinh tế bao gồm viện trợ thương mại (nhằm hỗ trợ nhập khẩu và hỗ trợ ngân sách nhà nước), viện trợ nông phẩm (dưới hình thực hiện vật là các lương thực và thực phẩm), viện trợ theo dự án (có thể bằng tiền hoặc hiện vật cho từng dự án cụ thể trong các lĩnh vực hành chính, xã hội, kinh tế-văn hóa).
Nếu xét theo tính chất cho vay hoặc cho không, thì phần lớn viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho VNCH là viện trợ cho không (không hoàn lại), viện trợ cho vay trong 20 năm từ 1955 đến 1975 chỉ chưa đến 200 triệu USD. Các khoản cho vay lớn của Hoa Kỳ giúp VNCH đóng tiền gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4 triệu USD năm 1956), đổi mới hệ thống viễn thông (6,8 triệu USD năm 1958-1959), phát triển đội tàu hỏa (9,7 triệu USD năm 1959, 9,7 triệu USD năm 1961), mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn (17,5 triệu USD năm 1960), xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Thủ Đức (12,7 triệu USD năm 1961), hỗ trợ chương trình Người cày có ruộng (học miền Bắc, với 5 triệu USD năm 1970).
Trải qua 21 năm, khối lượng viện trợ kinh tế mà Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa là rất lớn, đạt hơn 10 tỷ USD (thời giá thập niên 1960). Đây là con số viện trợ kinh tế cao nhất của Hoa Kỳ so với bất cứ nước nào khác trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ví dụ, Ấn Độ trong 20 năm (1950 - 1970) được Hoa Kỳ viện trợ 9,3 tỷ USD (trong khi dân số Ấn Độ lớn hơn 20 lần); Philippines trong 22 năm được viện trợ gần 2 tỷ USD (1945 - 1967); Thái Lan nhận được gần 1,2 tỷ USD, Indonesia nhận được gần 1 tỷ USD. Ở châu Phi, tính suốt trong 25 năm (1946 - 1970) tổng số viện trợ Hoa Kỳ cho tất cả các nước chỉ là 4,9 tỷ USD. Tại miền Nam Việt Nam, “thu nhập quốc dân chưa bao giờ vượt quá 2 tỷ USD/năm, nhưng trong 5 năm cuối cùng (1971 - 1975), viện trợ Hoa Kỳ hàng năm đạt hơn 2 tỷ USD/năm, tức là lớn hơn tổng số của cải do miền Nam Việt Nam làm ra”, và đó chính là bản chất của "Hòn ngọc Viễn Đông" mà nhiều kẻ vẫn lớn tiếng ca ngợi.
Tuy nhiên, phần lớn những khoản viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa, thực ra lại được Hoa Kỳ thu hồi lại. Ví dụ, trong 6,1 tỷ USD viện trợ trong tài khoá 1960 - 1961, có 4,8 tỷ USD (80%) được chi ngay ở Mỹ. Sở dĩ như vậy vì phần lớn hàng hóa viện trợ quân sự được mua từ chính các công ty Mỹ. Nếu không viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, xuất khẩu của nước Mỹ sẽ tụt 12%, nông phẩm dư thừa tăng lên rất nhanh. Vì vậy, viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thực ra cũng chính là tiền trợ cấp cho nền kinh tế Mỹ.
Nhà báo người Mỹ William J. Lederer, trong chuyến điều tra năm 1968, đã nhận thấy Việt Nam Cộng Hòa sử dụng viện trợ rất phung phí và kém hiệu quả. Ông nhận xét: kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là nạn tham nhũng của Việt Nam Cộng Hòa. Hàng tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ đã bị tham ô rồi bán ra chợ đen. Ông đã chứng kiến những kho hàng lậu đầy ắp hàng hóa và vũ khí quân dụng, có tới cả 1.000 khẩu súng trường, bao gồm cả loại M16 hiện đại. Chính phủ Hoa Kỳ biết rõ vấn nạn này, nhưng họ làm ngơ. William J. Lederer nhận xét: "Tôi thấy Hoa Kỳ sẽ bị đánh bại như thế nào - không phải chỉ bằng sức mạnh của đối phương, mà bởi chính những sai lầm của mình, sự bất lực của chính mình". Quy mô buôn lậu lên tới hàng tỷ USD, với sự tham gia của đủ thành phần: quan chức và doanh nhân Việt Nam Cộng hòa, thương nhân Mỹ và Đài Loan, binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Philippines... Ngay cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng tận dụng thị trường chợ đen, tại đây họ mua hàng hóa Mỹ để đánh lại chính quân Mỹ.
Cho đến khi sụp đổ, Việt Nam Cộng hòa còn nợ Hoa Kỳ 85 triệu USD tiền gốc.

Ngày 7/4/1997, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trả cho Hoa Kỳ khoản nợ 145 triệu USD của Việt Nam Cộng hòa (85 triệu USD nợ gốc của VNCH, còn lại là tiền lãi và chi phí phát sinh trượt giá) như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao.

1 nhận xét: