Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ


Văn hóa không chỉ là diện mạo, hình ảnh của quốc gia, mà còn là sức sống bền bỉ và sức mạnh to lớn của cộng đồng dân tộc. Việt Nam luôn chú trọng quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa không chỉ nhằm củng cố, tăng cường “sức mạnh mềm” của đất nước, mà còn khẳng định vị thế văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Suốt những năm qua, đi đôi với việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Năm 1998, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hơn 140 nghị quyết, chỉ thị, luật, nghị định, quyết định... liên quan đến lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy văn hóa của đất nước phát triển.
Không ngẫu nhiên mà có tổ chức quốc tế đã từng đánh giá dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc hạnh phúc và có chỉ số lạc quan thuộc loại cao hàng đầu trên thế giới. Dù rất thận trọng khi tiếp nhận lời đánh giá đó từ bên ngoài, nhưng xem xét một cách khách quan, điều nhận định ấy ít nhiều có cơ sở. Bởi khi nhìn vào một quốc gia, ngoài sức mạnh vật chất và tiềm lực kinh tế, người ta còn xem xét cả sức mạnh văn hóa và tiềm lực tinh thần của cộng đồng dân tộc. Việt Nam tuy chưa phải là một quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, song đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã và đang trên đà phát triển lành mạnh. Người dân ngày càng có điều kiện hưởng thụ các giá trị văn hóa tốt đẹp không chỉ ở trong nước, mà còn tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại để không ngừng làm giàu đời sống tâm hồn của mình. Thành quả đó có được là nhờ công cuộc “chấn hưng văn hóa” từ năm 1986 đến nay.
Khi nhìn nhận, đánh giá về bức tranh văn hóa ở Việt Nam, thời gian qua, nhìn từ một số hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh, chưa chuẩn mực trong đời sống xã hội, một số ý kiến vội vã cho rằng, môi trường văn hóa xã hội bị vẩn đục, đời sống văn hóa của người dân nghèo nàn, tù túng; văn hóa đạo đức xuống cấp trầm trọng. Những ý kiến trên hoặc là nhìn nhận theo kiểu “thầy bói xem voi”, thiếu thấu đáo, khách quan, toàn diện do chỉ nhìn vào hiện tượng hời hợt bên ngoài rồi quy kết thành bản chất; hoặc là cố tình “nghiêm trọng hóa vấn đề” do cái nhìn thiếu thiện chí, động cơ chính trị lệch lạc, sai trái. Dù trong thực tế, đời sống văn hóa của một bộ phận người dân chưa phong phú, văn hóa đạo đức có mặt xuống cấp, hiện tượng sùng bái văn hóa nước ngoài chưa được ngăn chặn hiệu quả, một số hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh chưa bị đẩy lùi... nhưng những hạn chế, bất cập đó không phải là “dòng chủ lưu chính” của văn hóa Việt Nam. Do đó, khi xem xét, đánh giá về thành tựu văn hóa của một đất nước, phải nhìn toàn diện từ hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đến quá trình triển khai tổ chức thực hiện và đặc biệt là hiện thực sinh động đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Ngày nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội nước ta ngày càng chủ động tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới và những thành tựu về văn hóa đã minh chứng con đường đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta được khởi xướng từ năm 1986 là hoàn toàn đúng đắn, hợp xu thế thời đại và là tiền đề, động lực để thúc đẩy đất nước ta tiếp tục phát triển trong những năm tới.

2 nhận xét:

  1. NQTW9 khóa XI xác định: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội- quan điểm nhân văn, đúng đắn của Đảng CSVN

    Trả lờiXóa
  2. Ngày nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội nước ta ngày càng chủ động tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới và những thành tựu về văn hóa đã minh chứng con đường đổi mới của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, hợp xu thế thời đại và là tiền đề, động lực để thúc đẩy đất nước ta tiếp tục phát triển trong những năm tới.

    Trả lờiXóa