Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Một thắng lợi lịch sử không thể phủ nhận


Hơn 70 năm về trước, ngày 9/5/1945 đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, là chiến thắng vĩ đại của văn minh nhân loại trước chủ nghĩa phát xít bạo tàn. Thành quả đó có vị trí, vai trò to lớn của Hồng quân và nhân dân Liên Xô - đó là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận!
Tại Đức, cùng với việc tổ chức ra bộ máy “Đức Quốc xã”, phát động Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiến hành diệt chủng người Do Thái, Hít-le và các cộng sự còn vạch ra kế hoạch Bác-ba-rô-sa ngày 22/6/1941 tấn công Liên Xô.
Ngày 3/7/1941, theo lời hiệu triệu của Xta-lin, nhân dân Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kéo dài 5 năm (1941-1945). Với tinh thần chiến đấu anh dũng, quân, dân Liên Xô đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Loài người mãi ghi nhớ những chiến công hiển hách của Hồng quân Liên Xô trong trận bảo vệ Mát-xcơ-va (cuối năm 1941-đầu năm 1942); trong trận Xta-lin-grát (tháng 7 năm 1942-tháng 2 năm 1943); trong trận vòng cung Cuốc-xcơ (hè năm 1943); trong 900 ngày đêm chống sự bao vây của địch ở Lê-nin-grát; trong các cuộc hành quân giải phóng Ba Lan, Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Na Uy, Đan Mạch, Nam Tư, Áo; đặc biệt là tại Béc-lin, tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã ngay tại hang ổ của chúng.
Sau khi đánh bại phát xít Đức, ý thức được trách nhiệm của mình trước lịch sử, phù hợp với những cam kết với các nước “Đồng minh” và đáp ứng yêu cầu của nhân dân các nước châu Á, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Sau 23 ngày đêm chiến đấu kiên cường, Hồng quân Liên Xô với sự phối hợp của Quân đội nhân dân Mông Cổ đã tiêu diệt toàn bộ đội quân Quan Đông gần một triệu người của quân phiệt Nhật Bản, sau đó nước Nhật ký Hiệp ước đầu hàng không điều kiện.
Như vậy có thể thấy, chiến thắng chủ nghĩa phát xít là chiến thắng của nhân dân và quân đội Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, cùng với các nước đồng minh và các lực lượng tiến bộ thế giới, trong đó Liên Xô đóng vai trò trụ cột. Nếu không có Liên Xô tiêu diệt 10 triệu trong tổng số 13,6 triệu quân phát xít bị tiêu diệt trên tất cả các chiến trường; nếu Liên Xô không truy kích và tiêu diệt Hít-le tới tận hang ổ cuối cùng của chúng ở Béc-lin; nếu Liên Xô không đánh tan 1 triệu quân Quan Đông tinh nhuệ của quân phiệt Nhật thì thế giới phải chịu thảm họa biết nhường nào? Đó là những minh chứng rõ nét nhất về vị trí, vai trò của Liên Xô trong việc cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng, bảo đảm quyền được sống cho nhân loại. 
Sự thật lịch sử là như vậy, tuy nhiên hiện nay, sự bùng phát mạnh mẽ chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến này lại diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Nhiều nước phương Tây đã đưa ra nhiều “bằng chứng” để chứng tỏ rằng Liên Xô cũng “có tội” như nước “Đức quốc xã” trong việc gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hơn nữa, nước Nga được kế thừa hợp pháp Liên Xô cũng đang bị kết tội gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bằng cách cáo buộc Liên Xô là “kẻ xâm lược” ngang hàng với “Đức quốc xã”, những kẻ xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho rằng, nước Nga ngày nay phải chịu trách nhiệm về “hành động xâm lược” đó. Nghiêm trọng hơn, một số luận điệu cho rằng, chiến thắng phát xít đối với một số nước không phải là một sự giải phóng mà là thay thế ách thống trị này (phát xít) bằng một ách thống trị khác (Xô-viết)...
Hành động xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ hai là nhằm phục vụ cho ý đồ chiến tranh xâm lược trong thời đại mới, khi các thế lực phản động và hiếu chiến đang mưu toan giành ưu thế toàn diện nhằm thiết lập vai trò “lãnh đạo” thế giới.
Nhằm chống lại những luận điệu xuyên tạc lịch sử, nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 – 9/5/2010), Tổng thống Nga khi đó là ông Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitri Medvedev) khẳng định, Nga luôn sẵn sàng giáng trả những mưu toan bóp méo bản chất của chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945). Tiếp đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được tổ chức tại thủ đô Min-xcơ (Bê-la-rút) vào ngày 9/10/2014 đã thông qua Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai và kịp thời ngăn chặn mọi hành động và biểu hiện của chủ nghĩa phát xít mới, kịch liệt phản đối mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo lịch sử cuộc chiến này.
Năm 2015 - năm kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng phát xít, ngay từ đầu năm, trước những mâu thuẫn về nhiều vấn đề đương đại giữa Nga và các nước phương Tây đã xuất hiện những lời kêu gọi đòi “tẩy chay” việc tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 tại Nga. Cùng đó là “phong trào” đòi đưa hài cốt các liệt sĩ Hồng quân Liên Xô ra khỏi các nghĩa trang ở một số nước Đông Âu, phong trào “hạ bệ thần tượng” là các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai… Hàng loạt chiêu trò kêu gọi, “tẩy chay” nêu trên đều dựa vào luận điệu xuyên tạc cho rằng, Hồng quân Liên Xô đã lợi dụng cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít để “xâm lược, chiếm đóng nhiều quốc gia Đông Âu”. Một luận điểm khác, khá cũ kỹ, cũng được đưa ra xen lẫn với luận điệu này cho rằng: Liên Xô không đóng vai trò quyết định trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít, thực tế chỉ từ khi mặt trận thứ hai chống phát xít do Anh-Mỹ mở ra thì mới tạo bước ngoặt của Chiến tranh thế giới thứ hai, v.v..
Tuy nhiên, những luận điểm xuyên tạc nói trên đã bị các nhà khoa học lịch sử và lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia phản đối. Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) ngày 26/1/2015 ra tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của chúng tôi (Liên bang Nga) đối với Chiến thắng vĩ đại (trong Chiến tranh thế giới thứ hai) đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại". Theo ông V.Pu-tin, thế giới phải bảo vệ sự thật liên quan đến những diễn biến trong Chiến tranh thế giới thứ hai vì lãng quên những bài học trong quá khứ có thể dẫn tới việc lặp lại những bi kịch khủng khiếp.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít là chiến công chung của các lực lượng trong mặt trận đồng minh chống phát xít, mà Liên Xô là lực lượng quyết định, có sự tham gia của các nước đồng minh. Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã chiến đấu không chỉ để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc trên thế giới thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới đã cùng nhân dân Xô-viết kết thành một trận tuyến rộng lớn và mạnh mẽ đánh bại chủ nghĩa phát xít. Lịch sử của cuộc chiến tranh chống phát xít không chỉ là lịch sử của những trận đánh lớn giữa các đội quân hùng mạnh, mà còn là lịch sử đấu tranh kiên cường của hàng trăm triệu quần chúng trên toàn thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Chiến thắng phát xít của Hồng quân Liên Xô đã tạo điều kiện để nhân dân các nước, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân và phát xít.
Ngay từ những thời khắc đầu tiên của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, Việt Nam đã ủng hộ nhân dân Liên Xô và các lực lượng chống phát xít. Chiến thắng phát xít đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời kỳ mới hết sức hào hùng trong lịch sử dân tộc. Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam cũng đã có những đóng góp thiết thực trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, như tổ chức các cuộc mít tinh, xuất bản sách báo ủng hộ quân đội và nhân dân Xô-viết. Hơn thế nữa, đã có những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Mát-xcơ-va trong mùa hè năm 1941. Họ đã được Nhà nước Liên Xô (trước đây) và nước Nga (sau này) truy tặng những huân chương cao quý.
Ngày nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới tạm lâm vào thoái trào, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã do vận dụng mô hình phát triển không phù hợp và nhiều nguyên nhân khác, nhưng có một thực tế sống động đang hiện hữu là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay, nhân loại tiến bộ đã chứng kiến những bước tiến thần kỳ của tự do, dân chủ với việc hàng loạt dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh… giành quyền độc lập, các chế độ cai trị thuộc địa của thực dân - đế quốc gần như đã biến mất. Nền dân chủ ở các nước thực dân - đế quốc trước đây cũng có sự vận động, biến đổi mạnh mẽ với xu hướng quyền làm chủ của người dân, quyền con người ngày càng được tôn trọng.
Với những ý nghĩa lịch sử lớn lao đó, mưu toan phủ nhận sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại và sự đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai thực chất là một bộ phận của chiến lược "diễn biến hòa bình" phản cách mạng của các thế lực thù địch thời kỳ "hậu Xô-viết", hòng "xóa sạch chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới". Những mưu toan thâm độc, nguy hiểm đó, chẳng những không xuyên tạc được sự thật lịch sử, mà còn nhắc nhở loài người phải luôn cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

Đối với Việt Nam, chúng ta luôn trân trọng và đánh giá cao chiến công của Hồng quân và nhân dân Liên Xô giành được trong Chiến tranh thế giới thứ hai và quyết tâm chống lại những luận điệu xuyên tạc lịch sử, bảo vệ những giá trị vĩnh hằng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà nhân dân Liên Xô tiến hành từ cách đây hơn 70 năm.

1 nhận xét:

  1. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa