Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

HOÀNG SA MÃI LÀ PHẦN LÃNH THỔ THIÊNG LIÊNG CỦA VIỆT NAM


Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như với Trường Sa) được minh chứng không chỉ bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre(1749), J,Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)…; cũng như những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động của các Đội Hoàng Sa xưa ở cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré), mà còn được ghi lại trên nhiều thư tịch, trong đó có những văn bản mang tính chất của Nhà nước Việt Nam.
Cho đến nay chúng ta vẫn có bằng chứng đầy đủ về chủ quyền của nhà nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài của các chúa Trịnh và Đàng Trong của các chúa Nguyễn đều tôn phò nhà Lê) qua Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (của Đỗ Bá Công soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và sách Phủ Biên Tạp Lục của bác học Lê Quý Đôn (1776)…
Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng:“Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”Còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.
Với sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Hoàng Sa còn được mô tả kỹ hơn. Năm 1775, Lê Quý Đôn được Chúa Trịnh cử vào vùng đất Phú Xuân lãnh chức Hiệp trấn để lo việc bình định hai trấn mới thu hồi được từ Chúa Nguyễn là Thuận Hoá và Quảng Nam. Sách dành nhiều trang để mô tả về các “Đội Hoàng Sa” và “Bắc Hải” của chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Tư Chính, Quảng Ngãi tổ chức thường kỳ việc vượt biển đến Hoàng Sa để thu lượm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (Cù lao Ré) còn nói tới “Đội Quế hương” cũng là một hình thức tổ chức do dân lập xin phép nhà nước được ra khai thác ở Hoàng Sa.
Qua thời Nguyễn, kể từ đầu thế kỷ XIX, trong điều kiện nước Việt Nam (dưới triều Gia Long) và Đại Nam (kể từ triều Minh Mạng) đã chấm dứt tình trạng cát cứ và phân tranh, thống nhất quốc gia thì việc quản lý lãnh thổ được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tốt hơn. Tấm bản đồ được lập thời Minh Mạng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ rất rõ cả một dải lãnh thổ gồm những đảo trên biển Đông được ghi chú là “Vạn lý Trường Sa” (tên gọi chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quan niệm đương thời).
Bộ chính sử Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn liên tục cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều nhiều lần ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa như một bộ phận của lãnh thổ quốc gia. Ngay trong phần Tiền Biên chép về các tiên triều, bộ biên niên sử này cũng nêu lại những sự kiện từ thời các Chúa Nguyễn liên quan đến các quần đảo này. Một thống kê cho thấy trên bộ sử này, trong phần chính biên ghi chép cho đến thời điểm in khắc đã có 11 đoạn viết về những sự kiện liên quan đến hai quần đảo này. Nội dung cụ thể như là việc nhà nước điều cho thuỷ quân và Đội Hoàng Sa ra đảo để “xem xét và đo đạc thuỷ trình” (quyển 50,52…đời Gia Long); cử người ra Hoàng Sa “dựng miếu, lập bia, trồng cây”, “vẽ bản đồ về hình thế”, “cắm bài gỗ dựng dấu mốc chủ quyền” (quyển số 104, 122, 154, 165 đời Minh Mạng).
Ngoài ra còn các bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ(1851) cũng ghi rõ những công việc nhà nước Đại Nam đã thực thi trên lãnh thổ Hoàng Sa. Và đặc biệt quý giá là những châu bản của các vị vua triều Nguyễn (tức là có thủ bút của nhà vua) có liên quan đến Hoàng Sa. Giá trị của những văn bản gốc này là sự thể hiện quyền lực của người đứng đầu quốc gia đối với vùng lãnh thổ này. Ví như, phê vào phúc tấu của Bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua viết:”Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước (ta), rộng 5 tấc, có khắc chữ,  niên hiệu, chức vụ, họ tên cai đội thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”; hay các châu phê về việc thưởng phạt người có công tội khi thực thi trách nhiệm ở Hoàng Sa, đạc vẽ bản đồ v.v…
Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ quần đảo từ khi quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến  quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Người dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa
Từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công đẩy mạnh việc dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc ở Hoàng Sa, việc này từ đó đã thành lệ hàng năm. Năm 1836, Phạm Hữu Nhật (xã Lý Hải - huyện đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré khi xưa) đã vinh dự được chọn phụng mệnh vua đi khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. Quyển 6, Đại Nam thực lục Chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ...
Ngày nay, trong nhiều sử liệu cũ và ký ức của các cụ già ở Lý Sơn vẫn khắc ghi câu chuyện được lưu truyền từ tổ tiên rằng đó là cuộc ra đi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền ra Biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới Bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa bây giờ. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ.
Không ai rõ Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến. Nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông đi mãi không về, nên người xưa ở Lý Sơn đã phải ngậm ngùi an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt. Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn nằm ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa.
Hiện nay, không chỉ có tộc họ và chính quyền, người dân trên đảo Lý Sơn, mà nhiều người từ tận những nơi xa xôi trong đất liền cũng lặn lội ra đảo, thắp nén nhang tưởng nhớ người anh hùng vị quốc vong thân. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã cảm khái đề bia trước mộ: "Phạm Hữu Nhật đã đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa”.
Sự kiện này là một trong những bằng chứng không thể chối cãi về sự
chiếm hữu thật sự của Nhà nước VN tại quần đảo Hoàng Sa! Hoàng Sa đi dễ khó về! Các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như lễ khao lề lính Hoàng Sa hằng năm vào ngày 20-2 âm lịch luôn có linh vị: “Phục vì vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị”, là bằng chứng hùng hồn hậu thế khắc ghi công đức Phạm Hữu Nhật cùng các vị vị quốc vong thân để xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa!".
Củng cố, khẳng định và bảo vệ  chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa thời Pháp thuộc đến nay
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên quần đảo. Trong suốt các năm 1931 - 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Việt Nam. Ngày 14/10/1950, Pháp trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Ngày 06/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam trong phát biểu của mình, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo: “Vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”. Tiếp đó chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân trên Hoàng Sa, đảm nhiệm việc quản lý quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, các chính phủ Việt Nam nói trên đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với quần đảo bằng các hoạt động Nhà nước. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Tháng 4/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, quân Trung Quốc đã bí mật ra chiếm đóng đảo Phú Lâm và nhóm đảo này.
Tháng 1/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 2/7/1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo.
Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử - pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Xuất phát từ nhu cầu quản lý quần đảo, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Nghị quyết ngày 6/11/1996 kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX nước CHXHCN Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết của Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 nêu "Quốc Hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực". Quốc Hội nhấn mạnh: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982".
Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền và luôn củng cố, bảo vệ chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.
Những tư liệu nói trên là bằng chứng địa lý, lịch sử, pháp lý không thể chối cãi: Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, Nhà nước Việt Nam các thời kỳ đã liên tục thực thi chủ quyền của mình từ đầu thế kỷ XVII đến nay. Những tư liệu này cũng phản bác hùng hồn những luận điểm bất nhất, sử dụng các nguồn sử liệu mơ hồ nhằm bẻ cong sự thật, khi thì Hoàng Sa là đất vô chủ đầu thế kỷ XX, khi thì bằng luận điệu phát hiện sớm nhất với những bằng chứng nguỵ biện, suy diễn của một số học giả và chuyên gia nghiên cứu TQ. Ngay chỉ một  tên Tây Sa (Xisha) hay Nam Sa (Nansha) của TQ mới xuất hiện đầu thế kỷ XX, tên gọi Hoàng Sa hay Bãi Cát Vàng của Việt Nam rất nhất quán từ thế kỷ XVII và đã được nhiều người phương Tây đầu thế kỷ XIX như giám mục Taberd, J.B Chaigneau, Gutlzlaff xác nhận chính là Parcel hay Paracels ghi rõ Cát Vàng ở toạ độ như ngày nay thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982. Điều đáng nói là vào thời điểm này, giữa lúc hai nước Việt - Trung đã xác lập được những quan hệ hữu nghị, hợp tác trên những nguyên tắc của “16 chữ vàng” do các nhà lãnh đạo hai nước đưa ra thì việc Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố cấp huyện Tam Sa” (11/2007) thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đáng để chúng ta phải nhắc lại những bằng chứng và bài học lịch sử!

Chính sách tối ưu của chúng ta là luôn luôn khẳng định chủ quyền từ lâu đời và mãi mãi trong tương lai trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền này là bất khả tranh nghị, không thể chối cãi. Nếu cần chờ thời cơ hàng ngàn năm như thiên niên kỷ thứ nhất thì vẫn phải kiên trì chờ đợi thuận lợi để lấy lại chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Sức mạnh muôn đời bảo vệ lãnh thổ, chống xâm lược của Việt Nam vẫn là sức mạnh của nhân dân trên đất liền cũng như ngoài biển.

1 nhận xét:

  1. Chính sách tối ưu của chúng ta là luôn luôn khẳng định chủ quyền từ lâu đời và mãi mãi trong tương lai trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền này là bất khả tranh nghị, không thể chối cãi.

    Trả lờiXóa