Nhìn lại quá trình lịch sử từ cuộc Cách mạng Tháng Mười
(1917) đến nay chế độ XHCN đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhất là sau khủng
hoảng và sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô, các nước Đông Âu. Các thế lực thù địch
không lúc nào ngừng công kích, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH. Bởi vậy,
đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin là yêu cầu cấp thiết và là trách nhiệm của
mỗi chúng ta.
Sau những năm 90 của thế kỷ XX, trong hàng ngũ cộng sản và
nhân dân, có người đã nhiễm phải những luận điệu tuyên truyền hết sức tinh vi
và thâm độc của các thế lực thù địch, từ đó nảy sinh tư tưởng bi quan, dao động,
thậm chí đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội. Trước
thực tế đó, những người cộng sản chân chính cần phải bình tĩnh, tăng cường đoàn
kết thống nhất để bảo vệ các giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lênin và
toàn bộ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lênin với tinh thần cách mạng và khoa học, với tư duy đổi mới và sáng tạo,
trên quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Trong bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lênin, cần nhận thấy có một số luận điểm được Mác, Ăng - ghen đưa ra trước
đây là đúng đắn, song trong điều kiện lịch sử mới có những vấn đề không còn phù
hợp, có những vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung và phát triển.
Nguồn gốc tư tưởng,
chính trị của Cách mạng Tháng Mười, của phong trào giải phóng dân tộc và phong
trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới
trong thế kỷ XX bắt nguồn từ Chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa
Mác – Lênin với bản chất cách mạng và khoa học đã trang bị cho giai cấp vô sản,
nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vũ khí tư tưởng, lý luận
sắc bén để đấu tranh vì mục tiêu cao cả của nhân loại là xóa bỏ chế độ thống trị
của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa
và cộng sản chủ nghĩa. Sức sống và ảnh hưởng của nó được minh chứng bởi những
biến đổi sâu sắc trong thế kỷ XIX, XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại
và sự ra đời chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu
hóa và hội nhập, cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin, kinh tế
tri thức cùng với sự biến đổi dồn dập, khó lường trên nhiều lĩnh vực đang là những
yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc mạnh mẽ các
quốc gia phải ra sức đổi mới, chủ động hội nhập, tìm kiếm mô hình phát triển
phù hợp. Sự khác biệt, đấu tranh ý thức hệ không mất đi, mà còn gay gắt và phức
tạp hơn. Song, xu thế quan hệ, hợp tác giữa các nước là cùng tồn tại, cùng hợp
tác, cạnh tranh và đấu tranh, song phương và đa phương là đặc điểm của thế giới
ngày nay.
Từ khi chế độ xã hội XHCN ra đời đến nay, chủ nghĩa đế quốc
và các lực lượng chính trị tay sai luôn luôn sử dụng chiến lược “diễn biến hòa
bình” đối với các nước XHCN. Ở nước ta, nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, các
thế lực thù địch, những người tự xưng là “nhà hoạt động xã hội”, người “đấu
tranh cho dân chủ, nhân quyền”, thậm chí có kẻ còn đóng vai “người yêu nước”
luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa
Mác-Lênin. Họ viết bài post lên mạng, gửi lãnh đạo Đảng dưới các hình thức như
“thư ngỏ”, “kiến nghị” Đảng ta nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển sang chủ
nghĩa “dân tộc, dân chủ”… Động cơ của họ không có gì khác nhằm xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ,
chuyển xã hội ta sang con đường “dân chủ, nhân quyền” ảo tưởng, ngoại nhập.
Đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề kinh tế - xã hội
khó khăn, phức tạp, nhiều vấn đề gay gắt. Chẳng hạn phân hóa giàu nghèo gia
tăng, “lợi ích nhóm” mà Đảng ta chỉ ra vẫn đang tác động tiêu cực đến cuộc sống.
Nhưng không thể phủ nhận được đất nước ta đã thay da đổi thịt. Thu nhập bình
quân đầu người Việt Nam
đã vào loại trung bình. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng
cao.
Lịch sử xã hội XHCN trên thế giới cũng như cách mạng Việt
Nam cho thấy, chừng nào Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền dao động về tư tưởng
chính trị, rơi chủ nghĩa cơ hội hoặc chủ nghĩa giáo điều về lý luận, sao chép
máy móc mô hình của nước ngoài thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải trả
giá đắt. Ngược lại nếu kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác -
Lênin vào điều kiện lịch sử dân tộc thì cách mạng sẽ giành được thắng lợi. Thắng
lợi của cách mạng Việt Nam
trong thế kỷ XX là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác -
Lênin vào điều kiện lịch sử dân tộc. Cách mạng Tháng Tám, việc xây dựng Nhà nước
do Đảng ta lãnh đạo không máy móc rập khuôn mô hình nhà nước Xô viết, công -
nông - binh mà là cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Nhà nước “Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa”.
Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
khả năng bảo vệ, phát triển nó không chỉ ở sức mạnh và khả năng tự thân, mà
quan trọng hơn, nằm ở hoạt động của triệu triệu quần chúng, cán bộ, đảng viên cộng
sản, khi họ đã nhận thức và tin tưởng sâu sắc sự đúng đắn bản chất cách mạng
khoa học của nó. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, những năm qua các nước xã hội chủ
nghĩa đã tiến hành truyền bá một cách cơ bản, hệ thống, có chiều sâu với những
nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh của mỗi quốc
gia dân tộc. Điều đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đem lại sức mạnh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế.
Hiện nay, không chỉ việc truyền bá mà cả việc đổi mới nội
dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh càng trở nên tất yếu. Song, để đổi mới việc truyền bá có hiệu quả góp phần
nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải
kế thừa hạt nhân hợp lý của những nội dung, hình thức cách làm trước đây, kiên
quyết gạt bỏ những nội dung, hình thức, biện pháp lỗi thời, lạc hậu, thay vào
đó là những nội dung, hình thức đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng
hiện nay; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhân danh đổi mới phủ nhận tất
cả những thành tựu, những giá trị của việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh trong các giai đoạn trước, hoặc bảo thủ trì trệ không chịu
suy nghĩ tìm tòi đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp đáp ứng yêu cầu nâng
cao chất lượng tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trong thời kỳ mới. Đây là một công việc khó, phức tạp; muốn làm tốt phải được
tổ chức chu đáo chặt chẽ, khoa học, từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện
đến khâu kiểm tra sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và được đầu tư thỏa đáng về
thời gian, công sức, tiền của; mọi sự áp đặt nóng vội, chủ quan không chỉ phản
tác dụng, mà còn gây ra những hậu quả khó lường đối với toàn bộ sự nghiệp cách
mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã chuyển từ kinh tế kế hoạch
hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sang nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng
viên rằng: Học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập những chân lý phổ biến để
áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta; học tập Chủ nghĩa
Mác-Lênin là phải nâng cao sự tu dưỡng về Chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường,
quan điểm, phương pháp để tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, đề ra đường lối,
chính sách phù hợp với thực tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo đến
sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thiết
lập, trong thư gửi chính quyền các cấp, Người đã viết: “Một dân tộc, một đảng
và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định
hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không
trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trên cơ sở lực lượng phong phú, cần đa dạng hóa hình thức đấu
tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài những bài luận
chiến, những công trình khoa học được in ấn trên các báo, tạp chí, sách chuyên
khảo, cần tăng cường sử dụng đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng
Internet, các trang mạng xã hội, như Facebook, các Blog cá nhân,… để đăng tải,
phát hành nhanh chóng, kịp thời, sâu rộng các công trình nghiên cứu đấu tranh bảo
vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần coi nội dung đấu
tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là một bộ phận cơ bản, không thể
thiếu trong các giáo trình các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng
thời, trong điều kiện cho phép, chủ động mời các nhà lý luận tư sản tham gia
các hội thảo, các buổi giao lưu, trao đổi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh và xúc tiến việc cử cán bộ tham gia các hội thảo quốc tế, giảng dạy về
các lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị nhằm tăng cường bản lĩnh, khả năng đấu
tranh trực diện với các học giả tư sản trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.
Mặt khác, chúng ta cần khắc phục tình trạng bị động, tự
phát, chắp vá, manh mún trong đấu tranh tư tưởng lý luận nói chung, đấu tranh bảo
vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi, nếu tiến hành đấu
tranh bị động, chúng ta sẽ nhường quyền chủ động cho các lực lượng thù địch,
làm cho chúng càng lấn lướt, trong khi trận địa tư tưởng của chúng ta ngày càng
bị thu hẹp. Đấu tranh tự phát theo kiểu tùy hứng, manh mún, mạnh ai người đấy
làm, sẽ không tránh khỏi “lạnh lưng, hở sườn”, khó buộc “đối phương” tâm phục,
khẩu phục, thậm chí dễ bị kẻ địch phản công làm suy giảm chất lượng, hiệu quả đấu
tranh.
Mọi cán bộ, đảng viên và người dân hãy nêu cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo để nhận diện và kiên quyết đấu tranh phê phán quan điểm sai trái, thù địch
Trả lờiXóa