Thời gian qua, để nâng cao vai trò lãnh đạo, Đảng ta đã ra sức đẩy mạnh
phong trào phòng, chống tham nhũng, suy thoái và đạt được những kết quả nhất định,
tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, gần đây các thế
lực thù địch lại xuyên tạc quyết tâm phòng, chống tham nhũng, suy thoái của Đảng
ta; chúng đưa ra quan điểm: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống
tham nhũng, suy thoái thành công”.
Mục đích của
chúng đưa ra quan điểm nêu trên nhằm để kích động, xúi giục, lôi kéo, hỗ trợ
các phần tử phản động, bất mãn trong nước và ngoài nước tăng cường các hoạt động
chống phá dưới chiêu bài lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để gây
hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, làm mất an ninh - trật tự. Từ đó, tác động
để cán bộ, đảng viên sẽ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đất nước rơi vào khủng
hoảng, mưu đồ “diễn biến hòa bình” của chúng thành công. Về bản chất, tham nhũng
là sự tha hóa quyền lực để thực hiện lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người
làm phương hại đến lợi ích cá nhân khác, của tập thể và xã hội. Khai thác khía
cạnh này, có ý kiến của các thế lực thù địch cho rằng “Đảng không thể đấu tranh
chống tham nhũng, suy thoái vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”. Đây là quan điểm
sai lầm, phản động bởi tham nhũng gắn với cá nhân có quyền lực và tham nhũng tồn
tại ở mọi chế độ có nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Quyền lực
của tổ chức đảng được phân công, phân nhiệm, giao cho các tập thể, cá nhân đảm
trách. Chỉ có cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn
luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, thoái hóa, biến chất, thiếu
sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức, của nhân dân mới có thể tham nhũng,
suy thoái, dẫn đến tổ chức đảng suy thoái và tiêu vong. Thực tiễn thời gian
qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái đã đạt được những kết
quả bước đầu quan trọng cả trong nhận thức và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ
đạo, thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được
xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tương đối đồng bộ, toàn diện. Đảng ta đã ban
hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đồng
thời Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính
sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng,
suy thoái. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng
được quan tâm, vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng bước đầu được
phát huy, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Vai trò, trách
nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ
quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên.Việc xây dựng và tổ chức
thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống
tham nhũng được quan tâm. Cải cách hành chính công khai, minh bạch trong hoạt động
của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được
những kết quả tích cực. Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên
đã được coi trọng thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các
hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét.
Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng
từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả.Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được
phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhất là những vụ án nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm
minh; bước đầu khắc phục tình trạng án treo về tội phạm tham nhũng; từng bước
chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Hoạt động giám sát của các cơ
quan dân cử và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm
hơn. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng giữa Việt Nam với nhiều quốc
gia trên thế giới tiếp tục được mở rộng và củng cố.
Thời gian tới,
tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh
vực; tính chất, mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn
tinh vi hơn; tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối… Tình trạng suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, có mặt, có bộ
phận còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn, làm suy giảm niềm tin của nhân
dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ
chức phản động đối với Đảng, Nhà nước ta với những âm mưu, hoạt động “diễn biến
hòa bình”, tạo điều kiện, nhân tố chống phá từ bên trong ngày càng tinh vi,
nguy hiểm hơn. Vì vậy, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái có kết
quả, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm lành mạnh; đồng thời đấu
tranh phản bác luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động
cho rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy
thoái thành công", chúng ta cần tập trung làm tốt một số vấn đề chính sau
đây:
Một là, Phát huy
vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự
hưởng ứng, đồng lòng của quần chúng nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, suy thoái trong Đảng. Đề cao trách nhiệm nêu gương và đi đầu của
người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của nhà nước,... trong đấu tranh
phòng, chống tham nhũng gắn với chống suy thoái. Vừa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng
trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, vừa phát huy tính
tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của cả hệ thống
chính trị và của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi.
Hai là, Các cấp ủy,
tổ chức đảng, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị tiếp tục triển khai thực
hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII), các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết
luận của Đảng, của cấp ủy, cấp trên và cấp mình, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về phòng, chống tham nhũng, suy thoái, gắn với thực hiện Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy
định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao nhận thức, trình
độ chính trị, giác ngộ của cán bộ, đảng viên, từ đó nâng cao sức đề kháng nội
sinh trong Đảng, hệ thống chính trị; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, suy
thoái gắn với đấu tranh chống xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản
động.
Ba là, Cán bộ, đảng
viên, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu
đi đầu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống trong sáng, giản
dị, lành mạnh, tiết kiệm; đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy
thoái; có cơ chế, biện pháp, hình thức tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện,
kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ cán bộ, đảng viên từ nhiều phía. Cán bộ,
đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước để ngăn chặn tham nhũng, suy thoái; kiên quyết xóa bỏ cơ chế
"xin - cho", "duyệt - cấp", cơ chế đặc thù; khắc phục tình
trạng "trên có chính sách", "dưới có đối sách", "trên
trải thảm", "dưới trải đinh", "nói không đi đôi với
làm" hoặc "nói một đàng, làm một nẻo".
Bốn là, Sớm hoàn thiện
quy định nhận xét đánh giá cán bộ; đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, tổ
chức đảng bảo đảm đúng thực chất, tránh hình thức; kiên quyết xóa bỏ nạn
"mua quan, bán chức", "chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí công
tác, chạy tội", sắp xếp cán bộ theo quan hệ "tiền tệ, hậu duệ, phả hệ,
quan hệ, lợi ích nhóm", chỉ "lấy người nhà, người có bề dày cống hiến
và cung tiến", mà "không lấy người tài đức". Đề cao tự giác, tự
phê bình và phê bình, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, cấp
ủy các cấp, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện. Thực hiện tốt
phương châm kết hợp "xây" và "chống", trong đó xây phải chủ
động, tích cực, chủ đạo; chống phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả. Xử lý
nghiêm, đồng bộ kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý bằng
pháp luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức có khuyết điểm, vi phạm về tham
nhũng, suy thoái nghiêm trọng.
Năm là, Tập trung rà
soát hoàn thiện cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát bảo đảm chặt chẽ
việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là người đứng đầu.
Xây dựng quy định về xử lý tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống; có lời nói, việc làm thể hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" và chế tài xử lý trong thực thi quyền lực của người
có chức, có quyền.
Sáu là, Tăng cường
lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình chống
phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kịp thời đầy đủ các đường lối, chủ trương,
quan điểm, nghị quyết của Đảng, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy
thoái, gắn với chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch, phản động về các nội dung nêu trên. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh
tuyên truyền gương người tốt việc tốt, cái tốt, cái tích cực để đẩy lùi cái xấu,
tiêu cực; phản ánh kịp thời, chính xác, đúng mức, thực chất các vụ việc tham nhũng,
biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên, không để
các thế lực thù địch, phản động hoặc những người bị xúi giục, kích động, mua
chuộc lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, phủ định
vai trò lãnh đạo và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, suy thoái.
Các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm, phức tạp, thu hút sự quan tâm để tuyên truyền, kích động chống Đảng, Nhà nước. Vì vậy chúng ta phải đề cao cảnh giác.
Trả lờiXóa