Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Đấu tranh bảo vệ nền văn hóa Việt Nam trong tình hình hiện nay


Nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc đường lối, chủ trương phát triển nền văn hóa mới của Đảng, Nhà nước ta, nhất là những thành tựu về văn hóa mà nhân dân ta đã đạt được… Vì vậy, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa mới là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay.
Phương hướng chung của việc bảo vệ nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay có thể được xác định là: Tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại; vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, làm phong phú nền văn hóa chung của cả nước, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Để hiện thực hóa phương hướng đó cần làm tốt các yêu cầu cơ bản sau đây:
 Một là, bảo vệ, giữ gìn nền văn hóa dân tộc phải bám sát định hướng mục tiêu xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay, xuất phát từ nhận thức đúng đắn vị trí vai trò của bản sắc dân tộc trong nền văn hóa là một yếu tố căn bản bảo đảm cho dân tộc tồn tại, đứng vững và phát triển qua các biến cố của lịch sử, là cái “căn cước” để quốc gia dân tộc Việt Nam biểu hiện sự hiện diện của mình. Về mặt phương pháp luận, điểm chung nhất là, mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, bảo vệ giữ gìn nền văn hóa dân tộc đều phải thông qua “bộ lọc” của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về phát triển nền văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. “Bộ lọc” này chi phối hết thảy tất cả những gì liên quan đến xây dựng, giữ gìn bản sắc dân tộc của nền văn hóa từ xây dựng tư tưởng, xây dựng con người đến các hoạt động sáng tạo, bảo tồn các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hai là, bảo vệ, giữ gìn nền văn hóa dân tộc phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nền văn hóa Việt Nam đạt trình độ tiên tiến. Mục tiêu của nền văn hóa với quan niệm tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Nội dung cốt lõi của nền văn hóa “là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”[1] mà Đảng ta khái quát phản ánh quy luật kế thừa và tiếp biến văn hóa. Việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phải được gạn lọc theo lăng kính của hệ tư tưởng tiên tiến, “cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… cái gì mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm”[2], “phải đi liền với chống lạc hậu lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”[3].
Ba là, bảo vệ nền văn hóa dân tộc phải đảm bảo thỏa mãn được nhu cầu ngày càng cao, đa dạng, phong phú về đời sống văn hóa của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, khắc  phục được mặt yếu kém trong quản lý, phát huy các di sản văn hóa của đất nước. Việt Nam là một quốc gia gồm 54 dân tộc anh em, có nhiều giai tầng xã hội, trên 30% dân số là tín đồ của 6 tôn giáo lớn, có nhiều vùng miền dân cư với nhiều phong tục, tập quán và nhiều nét tâm lý khác nhau. Sự hiện diện lâu đời của các yếu tố nêu trên đã cho thấy tính đa dạng, phong phú về nhu cầu đời sống văn hóa của các bộ phận dân cư. Trong điều kiện của nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cộng với tác động của cách mạng khoa học công nghệ, cơn lốc của toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các xa lộ thông tin v.v. thì nhu cầu về đời sống văn hóa - xã hội nước ta tất yếu sẽ phát triển rất nhanh và điều đó cũng tạo nên nhiều khó khăn rất lớn. Việc phân định đâu là nhu cầu chính đáng hay không phù hợp về phát triển đời sống văn hóa của từng bộ phận dân cư, các giai tầng xã hội và đi liền với nó là kiểm định giá trị bản sắc dân tộc trong từng hiện tượng của đời sống văn hóa để từ đó có định hướng đúng, thích hợp trong xây dựng, giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là cả một nhiệm vụ to lớn, hết sức phức tạp, không dễ dàng trong tổ chức thực hiện./.



[1] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII., tr. 56.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5,  Nxb CTQG, H.1995, tr.94.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, sách đã dẫn, tr. 56.

1 nhận xét:

  1. Bảo vệ nền văn hóa dân tộc phải đảm bảo thỏa mãn được nhu cầu ngày càng cao, đa dạng, phong phú về đời sống văn hóa của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam

    Trả lờiXóa