Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

SỰ ĐÒI HỎI PHI LÝ


Gần đây, trên các trang mạng xã hội, một số người lại gióng lên bài ca cũ, rằng: trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, không còn giá trị, đã mất ý nghĩa và tác dụng. Họ khuyên Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam; không thể dựa vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin để xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp. Đảng cần “thay máu” cho hệ tư tưởng và tìm một con đường khác để phát triển đất nước theo gương chủ nghĩa tư bản. Vậy họ là ai? Tại sao họ phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã “cáo chung” kể từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô-viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ? Dựa vào đâu họ cao giọng tuyên bố rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã cũ, đã lỗi thời, lạc hậu, không còn đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam?
Trước hết, không khó để nhận thấy họ là những người chống Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì lẽ đó, họ bất chấp sự thật; hơn thế, còn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, mưu toan “đánh tráo khái niệm”, “tung hỏa mù”, dùng phép ngụy biện để lừa gạt những người “nhẹ dạ cả tin” do trình độ nhận thức, sự hạn chế trong hiểu biết về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Sự thật là chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX ở nước Đức, trong những điều kiện lịch sử cụ thể gắn với sự phát triển chín muồi của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, gắn với các tiền đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… của châu Âu thời ấy. Đương nhiên, bối cảnh lịch sử khi đó hoàn toàn khác bối cảnh lịch sử ngày nay. Những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã bám vào sự kiện ấy để thổi phồng tính lịch sử và vu khống rằng, quan điểm của C. Mác và Ph.Ăng-ghen không còn phù hợp với cuộc sống đương đại, thời toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hơn thế nữa, chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở Liên Xô và các nước Đông Âu theo học thuyết Mác – Lê-nin đã sụp đổ. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời. Mặt khác, những hạn chế, khuyết tật của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và một số nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đã mắc phải chứng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin là không tưởng, vô tác dụng, vậy không nên cứ khư khư “bám giữ, níu kéo”. Họ tuyên bố rằng, Việt Nam muốn “cất cánh”, phát triển, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì cách tốt nhất là phải theo con đường tư bản chủ nghĩa mà các nước phát triển đã đi qua; rằng, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước phát triển và do đó, cần dứt khoát đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào “bảo tàng lịch sử”.
Chúng ta biết rằng, C.Mác, Ph.Ăng-ghen sáng lập chủ nghĩa Mác trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trí tuệ của nhân loại, đặc biệt là đã kế thừa những “hạt nhân hợp lý” trong phép biện chứng duy tâm khách quan của Hê-ghen, chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoi-ơ-bắc; học thuyết kinh tế chính trị của A.Smith và D. Ri-các-đô; những tư tưởng tiến bộ về xã hội của các nhà tư tưởng Pháp: Xanh-xi-mông, Phu-riê, O-wen và những phát minh “vạch thời đại” của khoa học tự nhiên. Đồng thời, với kết quả lao động khoa học nghiêm túc, kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã sáng lập chủ nghĩa Mác - một học thuyết khoa học, cách mạng, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Đây là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức, biện pháp và điều kiện đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; thực hiện giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng nhân loại. Vì vậy, V.I.Lê-nin đã nhận xét sâu sắc rằng, giống như Đác-uyn đã vạch ra quy luật phát triển của giới tự nhiên, C.Mác đã vạch ra quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người; C.Mác vĩ đại vì ông “đứng trên vai của những người khổng lồ”. Vì vậy, từ buổi đầu, học thuyết Mác chỉ là một “bóng ma ám ảnh châu Âu”, song đã sớm trở hành hệ tư tưởng thống trị phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những năm 70 của thế kỷ XIX ở châu Âu và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới.
Trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lê-nin đã kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác ở nước Nga trên cả ba phương diện: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, làm sâu sắc và giải đáp rõ ràng nhiều vấn đề mới mà các bậc tiền bối và thời đại đặt ra; đáng kể là học thuyết về khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản ở một nước tư bản riêng biệt, nơi tập trung những mâu thuẫn cơ bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, V.I.Lê-nin đã xây dựng học thuyết về chính đảng mác-xít kiểu mới, cùng với Đảng Bôn-sê-víc Nga, đã lãnh đạo nhân dân Nga làm cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công năm 1917, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Qua đó, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga và Liên bang Xô-viết.
Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp nhận và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Đó là sự thật hiển nhiên, biểu hiện sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà bất kể ai, hễ là người có lương tâm, danh dự, đều phải thừa nhận và không thể chối cãi, không thể bác bỏ sự thật ấy. Những thành tựu mà nhân dân Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trong đó có Việt Nam đạt được, đã và đang chứng minh sức sống diệu kỳ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đồng thời khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một học thuyết khoa học và cách mạng chân chính, đã chỉ ra những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy luật về phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội, về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thực hiện tiến bộ xã hội.
Phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định rõ lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của những người cộng sản là xóa bỏ ách thống trị của giai cấp bóc lột, tệ nạn người áp bức, bóc lột người mà chủ nghĩa tư bản gây ra. Điều đó hoàn toàn phù hợp với ước mơ, khát vọng sống hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của hàng tỷ người trên hành tinh. Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin còn thể hiện ở chỗ: dự báo về một xã hội tương lai mà tất yếu lịch sử của nó sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, đó là xã hội xã hội chủ nghĩa với tư cách là một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn.
Thực tế đau xót, phản lại sự tiến bộ xã hội đang diễn ra trong các nước đã từng là chủ nghĩa xã hội, chuyển sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, đã phản ánh đúng tính quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người mà C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin đã vạch ra. Nó chứng minh rằng, trong điều kiện cách mạng vô sản đã thắng lợi, Đảng Cộng sản đã cầm quyền, nhưng do chủ quan duy ý chí, do mắc mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, vi phạm thô bạo nguyên tắc mác-xít, thì kết cục đều dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, Đảng Cộng sản bị mất quyền lãnh đạo, thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của quần chúng nhân dân sẽ bị tước đoạt. Hệ lụy đau xót ấy là minh chứng thuyết phục về sự làm sai, phản bội chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Trong thế kỷ XXI, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, mặc dù chủ nghĩa tư bản đã điều chỉnh và thích nghi với điều kiện mới, song, bản chất bóc lột, bất công, phi nhân tính vốn có của nó là không thể che giấu, mà ngược lại, càng thể hiện rõ hơn. Những hành vi xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trước đây và ngày nay dưới mọi hình thức, dù được che đậy kín đáo, tinh vi đến mức nào thì nó vẫn lộ nguyên hình của kẻ ăn cướp. Chúng tiếp tục làm bằng mọi cách để mở rộng tầm ảnh hưởng, sự thống trị nhằm chiếm đoạt các nguồn tài nguyên, của cải và ép buộc các nước nhỏ khuất phục ngày càng bộc lộ rõ hơn. Các cuộc chiến tranh ở Nam Tư, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Xy-ri, Ly-bi và nhiều nước khác thời gian gần đây cho thấy điều đó.
Nếu nhìn nhận từ góc độ nhân văn và chứng kiến những đau thương, chết chóc của hàng nghìn người dân vô tội ở các nước Trung Đông, Bắc Phi thì thấy, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự là nhân văn, là ước mơ, khát vọng sống hòa bình của hàng triệu người dân lương thiện, có lương tâm với tình thương yêu nhân loại. Những điều tốt đẹp ấy thể hiện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện trong chủ nghĩa Mác – Lê-nin về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Với công lao và đóng góp to lớn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phát triển chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học; đã tìm ra quy luật vận động, phát triển của lịch sử loài người. V.I.Lê-nin đã chuyển lý luận khoa học, cách mạng của C.Mác thành thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Tất cả điều ấy là sự kết tinh, được hình thành từ những yếu tố thực tiễn của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội là một học thuyết khoa học và cách mạng, phù hợp cả về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, cả về tính nhân văn đích thực mà loài người cần hướng đến, phấn đấu đạt được.
Ai đó cố tình quy kết, rêu rao sự lỗi thời, lạc hậu và hướng tới phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chính họ đã “bán mình cho quỷ dữ”. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không lỗi thời mà chính những người phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới là những kẻ lỗi thời, cố tình không nhìn thấy bản chất khoa học, cách mạng và giá trị nhân văn cao cả của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Với thái độ thù địch và dã tâm đen tối, họ đã rắp tâm xuyên tạc, dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để “bóp chết” chủ nghĩa Mác – Lê-nin vì lý do chính trị, vì sự đố kỵ và hèn hạ về nhân cách với mưu đồ xấu xa, bỉ ổi và nhằm để bảo vệ chủ nghĩa tư bản, duy trì chế độ áp bức, bóc lột, bất công. Trong đó, vì lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị mà những người đứng ra bảo vệ nó đang được các ông chủ tư bản bố thí và thụ hưởng.
Chúng ta không phủ nhận rằng, ở mặt này mặt khác, chủ nghĩa Mác – Lê-nin có một số luận điểm đến nay không còn phù hợp, vì điều kiện đã thay đổi, lịch sử đã vượt qua, hoặc là sự lỗi thời ở cách mà chúng ta chưa nghiên cứu, chưa nhận thức đầy đủ, chưa vận dụng đúng đắn, sáng tạo để giải quyết những vấn đề cụ thể trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo quy luật phát triển nhận thức, chúng ta sẽ khám phá ra những bí mật của thế giới khách quan, tự vạch đường đi tới nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Không thể võ đoán và vu khống rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã lỗi thời khi cứ khư khư bám giữ lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và bất chấp quy luật khách quan”; đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, thay vào đó là hệ tư tưởng tư sản.
Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự phát triển vững mạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, ở Đông Âu và nhiều nước trên thế giới đã khẳng định tính ưu việt, sự vượt trội và những giá trị chân chính, tốt đẹp đem lại cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sự thật ấy có sức mạnh diệu kỳ và là nguồn lực vật chất, tinh thần vô cùng to lớn để động viên, cổ vũ lực lượng yêu chuộng hòa bình đứng lên đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Không thể quy kết sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội cụ thể của Liên Xô hay Đông Âu là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin - một học thuyết khoa học, cách mạng. Mà trái lại, chính sự sai lầm và sự đổ vỡ ấy càng khẳng định tính đúng đắn về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và dự báo về tương lai, tiền đồ tốt đẹp mà nhân loại phải hướng tới, đạt được.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiến hành xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tất cả những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ấy không tách rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ai đó mưu toan đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một sự đòi hỏi phi lý, nhằm dụng ý xấu. Cuộc sống vốn công bằng, “nhân nào quả ấy”, “kẻ gieo gió ắt gặt bão”.

ST

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa