Có một điểm cần nhấn mạnh là, không
phải cho đến bây giờ, nhiều vấn đề
được gọi là mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống, như giá lương thực
tăng cao, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, mới gây cho con người
những lo lắng về sự an nguy và tồn vong của mình. Lịch sử nhân loại đã từng
chứng kiến những trận đói, nạn dịch khủng khiếp cướp đi sinh mạng của hàng
triệu con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ
hiện đại, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho biên giới địa lý
trở nên “mềm” hơn, dễ vượt qua hơn; mạng in-tơ-nét đã tạo ra một thế giới “ảo”
với các xa lộ thông tin toàn cầu, không còn biên giới ngăn cách giữa các quốc
gia. Cùng với đó là sự hủy hoại của con người đối với tự nhiên, môi trường; sự
phát triển kinh tế thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận thuần tuý, lợi ích
trước mắt; sự chi phối của những tư tưởng chính trị lạc hậu, sự tha hóa và suy
thoái về đạo đức của chính con người… đã làm cho những vấn đề mà ngày nay được
gọi là an ninh phi truyền thống trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn, có quy mô
lớn hơn rất nhiều. Phạm vi tác động của vấn đề đã vượt ra khỏi biên giới lãnh
thổ và lợi ích an ninh quốc gia dân tộc của một nước. Cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng là nhiều
nước, kéo cả nền kinh tế thế giới, rơi vào tình trạng suy thoái, là một thí dụ.
Vấn đề môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguồn nước sạch, vấn đề biến đổi
khí hậu, nước biển dâng… đôi khi lại đe dọa nhiều hơn đối với cuộc sống của
người dân ở những quốc gia không phải là “thủ phạm” gây ra những biến đổi, cạn
kiệt đó. Các hoạt động tội phạm, khủng bố quốc tế, nhất là khủng bố bằng vũ khí
sinh học, hóa học, bệnh dịch…, có quy mô xuyên biên giới. Những mối đe doạ an
ninh phi truyền thống, vì thế, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu.
Tính chất nguy hiểm của các mối đe dọa an ninh phi
truyền thống không chỉ biểu hiện ở mức độ hủy hoại, sự tàn phá của nó đối với
cuộc sống của con người, mà còn đặt ra nhiều thách
thức đối với sự ổn định xã hội, sự tồn vong của cả cộng đồng, hiệu quả thực tế của hợp tác và hội nhập toàn cầu; thậm chí
còn làm nảy sinh các vấn đề về an ninh quân sự. Các thảm họa thiên tai, động đất,
sóng thần, bão lụt, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… ngày càng thách
thức các thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại và khả năng, nỗ lực của con
người. Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, những vấn đề
tài chính, năng lượng, lương thực… đang thử thách nghiệt ngã năng lực điều hành
của các chính phủ, sự vững chắc của
các thể chế chính trị và các nền kinh tế, kể cả nền kinh tế giàu mạnh nhất, và
tính khả thi của các liên kết quốc tế, khiến không một quốc gia nào có thể yên
ổn phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa,
tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng lên, thế giới dường như trở nên
nhỏ bé hơn, nhưng lại khó kiểm soát hơn, kém an toàn hơn bởi các mối đe dọa an
ninh phi truyền thống có mức độ nguy hiểm cao hơn, sức ảnh hưởng lớn hơn. Chính
vì vậy, giải quyết và đối phó với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực
chung của cộng đồng quốc tế, sự cố gắng của mỗi cộng đồng, quốc gia, con người,
với những giải pháp và bước đi phù hợp, kết hợp tổng lực các biện pháp kinh tế,
chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, văn
hóa, xã hội.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa