Công cuộc đổi mới đất
nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo trải qua hơn 30 năm qua đã
giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và cũng đã chứng minh rằng
đất nước ta phát triển theo định hướng XHCN là phù hợp với khát vọng của toàn
dân, là nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là tiền đề, là điều kiện để xây dựng đất
nước XHCN và CNXH là cơ sở, nền tảng bảo đảm vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc.
Thực tiễn đổi mới, phát
triển đất nước hơn 30 năm qua, chúng ta cũng có thể nhận thấy diện mạo khá rõ
ràng của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam
theo đuổi. Về mặt lý luận, nhờ kế thừa và phát triển tinh thần biện chứng của
triết học Mác - Lênin, mà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng
rõ hơn. Lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường đi lên CNXH của Việt
Nam không bao giờ là cái gì đó xong xuôi, hoàn tất, “nhất thành bất biến”, “chết
cứng” mà ngược lại, đó là thứ lý luận mở, chứa đựng sự phủ định biện chứng trong
chính bản thân mình. Những gì còn nguyên giá trị thì tiếp tục được kế thừa, ví
dụ tinh thần nhân văn, nhân đạo, thương yêu người nghèo, chống bất công, áp bức,
bóc lột, bất bình đẳng giới….; những gì lạc hậu, già cỗi, lỗi thời luôn bị phủ
định và thay thế bằng những quan điểm phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn.
Ví dụ, trước đây Đảng Cộng sản Việt Nam quan niệm CNXH không có kinh tế
thị trường (quan niệm này rất hợp với thời chiến tranh, nó tạo ra sự đồng tâm,
nhất trí, sự đoàn kết cao độ của toàn xã hội trong mục tiêu chống xâm lược…).
Sau chiến tranh, quan niệm này không còn đúng với thực tiễn nữa, liền bị Đảng Cộng
sản Việt Nam phủ định, thay thế bằng quan niệm phù hợp với thực tiễn mới là
quan niệm CNXH có kinh tế thị trường. Nhiều quan niệm khác về thực tiễn CNXH ở
Việt Nam dựa trên các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trước đây, cũng đã được
thay đổi bằng những quan niệm mới (quan điểm “đấu tranh giai cấp là động lực
phát triển của xã hội” được thay thế bằng quan điểm “đại đoàn kết toàn dân tộc
là động lực phát triển của xã hội”). Ngay cả định nghĩa hết sức dài dòng và khó
hiểu trước đây về mục tiêu của CNXH cũng được thay thế bằng một định nghĩa hết
sức dễ hiểu và phù hợp với mong muốn của mọi người dân, đó là mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.
Song song với những đổi
mới về mặt lý luận trên đây, thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng không
ngừng khởi sắc và phát triển, tình hình chính trị, xã hội ổn định. Thực tiễn đầu
tiên rất có ấn tượng là nền kinh tế phát triển với tốc độ cao trong nhiều năm
liền, hiện nay về cơ bản vẫn giữ được phong độ như vậy, Việt Nam từ một nước
nghèo nay đã trở thành nước có nền kinh tế trung bình. Thành tự xóa đói, giảm
nghèo được thế giới thừa nhận. Hầu hết người dân Việt Nam ngày nay
không còn lo đến cơm ăn, áo mặc. Thực tiễn có nhiều ấn tượng tiếp theo là sự
không ngừng tăng cường và mở rộng dân chủ. Dân chủ trong kinh tế thì quá rõ, ai
muốn làm giàu thì thỏa sức, môi trướng pháp lý trong mấy chục năm qua thay đổi
quá nhiều, rất thuận tiện cho việc làm giàu. Các quyền về sở hữu, về làm ăn
kinh tế được pháp luật bảo đảm. Dân chủ trong các lĩnh vực khác cũng tăng lên
rõ rệt.
Về tự do ngôn luận,
cách đây vài ba chục năm mà nói như vậy có thể bị ngồi tù, nhưng ngày nay hầu
như được thỏa sức nói, thậm chí, đăng tải cả trên các phương tiện thông tin đại
chúng: ví dụ phản biện về các chủ trương, quyết sách về kinh tế của Đảng và
Chính phủ. Chỉ một quyết sách về thực hiện dự án Bauxite không thôi đã có hàng
trăm những ý kiến tranh luận, phản biện khác nhau trên các phương tiện thông
tin đại chúng.
Trên lĩnh vực tôn giáo,
tín ngưỡng, quyền tự do tín ngưỡng còn thể hiện rõ hơn. Ngày nay ai muốn theo
tôn giáo nào trong số các tôn giáo lớn, chính thống thì theo, không ai ngăn cấm.
Đảng viên theo tôn giáo, thực hiện các nghi lễ tôn giáo thoải mái, Đảng coi là
bình thường, Đảng thậm chí còn kết nạp cả những người đang là tín đồ tôn giáo,
miễn là nhất trí với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Đi đâu cũng thấy hiện tượng chùa chiền,
nhà thờ được trùng tu, xây dựng khang trang. Xã hội Việt Nam ngày nay
càng ngày càng trở nên khoan dung với những sự khác biệt về lối sống và cả
chính kiến.
Đối với tất cả các nước,
trong đó có Việt Nam, điều quan trọng hàng đầu là sự đổi mới về tư duy, về
chính trị, nền dân chủ phải phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Những
cá nhân riêng lẻ, bên cạnh những cái chung, phải có những cái riêng rất khác
nhau, thậm chí đối lập nhau: không thể có một kiểu thời trang, một loại kích cỡ
thời trang dành cho tất cả; không thể bắt đứa trẻ lên ba, hay một thanh niên
trai tráng có lối sống như lối sống của ông già; không thể bắt trẻ vị thành
niên lấy vợ, lấy chồng… Các quốc gia cũng thế, không thể có một mô hình dân chủ,
mô hình chính trị nào có thể áp đặt cho tất cả các quốc gia.
Những chân lý và sự thật
rất giản đơn trên đây cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, người nắm bắt được chân lý
sống động và cụ thể chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan niệm về con đường
đi lên CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn gắn liền với những quan niệm
này trong mấy chục năm qua đã thể hiện rất rõ chân lý này.
Công cuộc đổi mới đất
nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ
được bảo đảm khi chúng ta có nhận thức đúng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở
nước ta dưới đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với sự vận dụng
sáng tạo học thuyết về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta trong giai đoạn
hiện nay.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa